Biến chứng nguy hiểm khi mắc bạch hầu

Viêm cơ tim, thủng tim là một trong những biến chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân bạch hầu. Nếu không tiêm chủng đầy đủ, trẻ em và người lớn ở mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Theo báo cáo từ The National Center for Biotechnology Information (NCBI), biến chứng liên quan đến viêm cơ tim chiếm con số đáng kể trong số các bệnh nhân bạch hầu và thường biểu hiện trong vòng 2 tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Thống kê từ NCBI cho thấy viêm cơ tim là nguyên nhân gây ra cái chết cho 14-75% bệnh nhân mắc bạch hầu.

Không những vậy, biến chứng này còn gây ra tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, rối loạn nhịp, có thể suy tim và tử vong do đột ngột trụy tim mạch.

Trường hợp như ca bệnh được Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ ghi nhận dưới đây là ví dụ điển hình cho biến chứng nguy hiểm này.

Bệnh nhân là bé trai 9 tuổi được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Chiang Mai (CMUH) trong tình trạng sốt nhẹ, ho và đau họng trong 5 ngày. Khi mới khởi phát bệnh ngày đầu tiên, trạm y tế thôn nơi cậu bé cư trú chẩn đoán em bị viêm họng và chỉ định dùng kháng sinh cùng cetaminophen.

Đến ngày thứ 3, cơn sốt và đau họng thuyên giảm. Tuy nhiên, sau đó, bệnh trở nặng, bệnh nhi sốt kèm theo sưng cổ, khó thở và khó nuốt, thở gấp. Phụ huynh đã cho bé nhập viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy các mảng trắng trong hầu họng, Amidan và chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu.

Bệnh nhân được chỉ định đặt nội khí quản, kèm theo sử dụng penicillin ngay từ ngày đầu tiên nhập viện. Thời điểm đó, bệnh nhân 9 tuổi hoàn toàn tỉnh táo.

Sau một tuần, tình hình của bệnh nhân trở nặng với những biến chứng điển hình của bệnh bạch hầu. Nặng nhất là thủng cơ tim gây tràn dịch màng tim. X-quang phổi cho thấy sưng cổ hai bên và thâm nhiễm thùy dưới bên phải.

Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành phẫu thuật nhưng không thể cứu sống bệnh nhân. Cuối cùng, bé trai tử vong do thủng tim, bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, áp-xe màng phổi, viêm nắp thanh quản cấp tính, viêm phổi nặng và viêm amidan hốc mủ.

 Cổ họng của bệnh nhân nhuộm Gram cho thấy trực khuẩn Gram dương Diphtheria trong hầu họng. Ảnh: NCBI.

Cổ họng của bệnh nhân nhuộm Gram cho thấy trực khuẩn Gram dương Diphtheria trong hầu họng. Ảnh: NCBI.

Xem xét lịch sử tiêm chủng của bé trai, các bác sĩ nhận thấy em chỉ tiêm vaccine Bacille Calmette-Gúerin (phòng bệnh lao) và viêm gan B, không tiêm chủng thêm mũi vaccine phòng uốn ván, bạch hầu (Td). Tuy nhiên, nguồn lây nhiễm bạch hầu của bệnh nhân này là một dấu hỏi lớn với các bác sĩ và nhà nghiên cứu. Bởi trước đó bệnh nhân hoàn toàn không tiếp xúc với người mắc bạch hầu khác.

Bệnh bạch hầu còn gây ra biến chứng viêm dây thần kinh, liệt khẩu cái mềm, thường gặp nhất trong 3 tuần đầu, tổn thương thần kinh ở cổ họng gây khó nuốt, liệt cơ vận nhãn, liệt cơ hoành, gây yếu cơ ở cánh tay và chân. Liệt cơ hoành có thể gây viêm phổi và suy hô hấp.

Bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận; gây viêm kết mạc; gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở...

Bạch hầu là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng ngừa bằng vaccine. Theo Historyofvaccines, tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dao động khoảng 20% đối với những trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi, 5-10% đối với những người từ 5-40 tuổi.

Trẻ em và người lớn ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ nhưng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh đều có nguy cơ cao bị vi khuẩn Diphtheria tấn công. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ cần tuân thủ những quy định về tiêm chủng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi ở.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-nguy-hiem-khi-mac-bach-hau-post1105506.html