Biến chủ trương thành hành động quyết liệt

Từ năm 2013 đến 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã quyết liệt kỷ luật hơn 131.000 đảng viên.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan tham nhũng; kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý.

Đây chỉ là một phần của những số liệu rất đáng ghi nhận về kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN), được công bố tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, do Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTƯ) về PCTN tổ chức sáng 12-12.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng với việc PCTN. Người chỉ rõ: Tham nhũng, lãng phí là "giặc nội xâm", là "quốc nạn". Thực hiện chỉ đạo của Người, những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng ta đã tiến hành cuộc vận động "Ba xây ba chống", gồm: Nâng cao tinh thần trách nhiệm; tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh trong suốt thời kỳ đổi mới. Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng đã thành lập BCĐTƯ 6 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt ở Đại hội XII, công cuộc đấu tranh PCTN đã được Đảng ta đặt ở vị trí cao hơn, đề cập rõ cả trong xây dựng nhà nước và xây dựng Đảng, nói lên quyết tâm chính trị của Đảng ta đối với tệ nạn nguy hiểm này, coi tham nhũng là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước và chế độ. Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: "Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng".

Biến chủ trương thành hành động, hướng đi quyết liệt - là mệnh lệnh được BCĐTƯ về PCTN, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện trong những năm qua và đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế" được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân đã bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN. Phát biểu kết luận phiên họp thứ 18 (tổ chức ngày 25-7) của BCĐTƯ về PCTN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định cuộc đấu tranh PCTN đã "trở thành phong trào quần chúng mạnh mẽ, xu thế không thể đảo ngược".

Ngoài công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng. Đây có thể xem là thông lệnh về công tác PCTN trong giai đoạn mới, vừa được người đứng đầu Đảng và Nhà nước đưa ra để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục thực hiện.

Lương Duy Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bien-chu-truong-thanh-hanh-dong-quyet-liet-20201212220604005.htm