Biến bất lợi thành lợi thế vùng Nam Trung Bộ: Hướng đi phù hợp

Chuyển đổi cây trồng để sống chung với hạn hán và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan đang là hướng đi phù hợp cho các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam đánh giá: Khu vực Nam Trung Bộ có một số cây cây ăn quả rất phù hợp và đã có sự phát triển từ lâu như cây xoài ở TP Cam Ranh hay huyện Cam Lâm (Khánh Hòa); hoặc cây nho Ninh Thuận; cây thanh long cũng đã từ rất lâu đời ở Bình Thuận và nhiều vùng ở Ninh Thuận, Khánh Hòa...

 Nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả mới đã và đang hình thành, lớn mạnh tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (trong đó có xoài). Ảnh: Kim Sơ

Nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả mới đã và đang hình thành, lớn mạnh tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (trong đó có xoài). Ảnh: Kim Sơ

Bên cạnh những cây ăn quả truyền thống, gần đây những vùng cây ăn quả tập trung, hàng hóa mới cũng đã và đang được hình thành và phát triển mạnh mẽ như vùng xoài Bình Định (đặc biệt là vùng Phù Cát); vùng cây ăn trái mới như Khánh Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa), nhất là các loại cây ăn trái như sầu riêng và chôm chôm rất chất lượng rất ngon...

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng: Việc phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và theo định hướng của thị trường là định hướng đã có từ lâu. Từ năm 2016, Bộ NN-PTNT cũng đã có các chủ trương, định hướng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, phù hợp với biến đổi khí hậu theo dẫn dắt của thị trường.

Trên cơ sở đánh giá tình hình chuyển đổi đất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cũng như các văn bản vi phạm phát luật về việc chuyển đổi đất lúa, năm 2017, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 về quản lí, sử dụng đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây lâu năm.

Đến năm 2018, Bộ NN-PTNN cũng đã ban hành Quyết định 586/QĐ-BNN-TT (ngày 12/02/2018) về việc Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến năm 2020 trên phạm vi cả nước. Theo đó, tinh thần chung của việc chuyển đổi đất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cần phải chuyển đổi với định hướng chung theo vùng, theo từng vùng một theo liên vùng và theo định hướng tổng thể quốc gia, chứ không thể phát triển chuyển đổi theo kiểu phong trào. Ví dụ nông dân thấy cây sầu riêng, mít thái... lúc có giá tốt thì đổ xô vào trồng, dẫn tới tình trạng thừa ế...

Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có hệ thống cơ chế, chính sách, hành lang pháp luật bài bản, chặt chẽ, dễ thực hiện cho việc chuyển đổi đất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Ảnh: Kim Sơ

Gần đây nhất, tại Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt , Chính phủ cũng đã có quy định về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Việc cần phải có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2030 là để đảm bảo hiệu quả bền vững kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt trên đất lúa kém hiệu quả, đất thường xuyên bị hạn hán, đất không chủ động được nước, đất bị xâm nhập mặn...

Trên cơ sở đó, các tỉnh, các địa phương xây dựng các chương trình, các đề án, các chính sách, các thể chế để hỗ trợ việc chuyển đổi, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, lựa chọn kỹ thuật, cho bà con nông dân. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ về mặt khuyến nông, lựa chọn giống cây phù hợp nhất, giải pháp kỹ thuật tốt nhất; hỗ trợ trong việc liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ, doanh nghiệp chế biến...

LÊ BỀN - KIM SƠ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bien-bat-loi-thanh-loi-the-vung-nam-trung-bo-huong-di-phu-hop-d277616.html