Biên bản xử phạt hành chính có cần có dấu treo hay không?

Ngoài các lỗi được xử phạt trực tiếp, không lập biên bản thì cảnh sát giao thông phải lập biên bản vi phạm giao thông ghi nhận hành vi vi phạm của người điểu khiển phương tiện. Vậy theo quy định, biên bản vi phạm giao thông có cần đóng dấu không?

Các cán bộ Công an tỉnh TT- Huế giải đáp những thắc mắc cho người dân

Các cán bộ Công an tỉnh TT- Huế giải đáp những thắc mắc cho người dân

Trước đó, vào ngày 13/3/2019, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế nhận được đơn khiếu nại của ông Bùi H.N (trú tại TP Hà Nội) phản ánh: Vào ngày 28/12/2018, khi ông N. điều khiển xe ô tô mang BKS: 29B-174.51 tại Km799+200 Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) thì vi phạm luật giao thông đường bộ, đã bị cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính về hành vi chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h.

Sau đó, ông N. khiếu nại vấn đề liên quan đến biên bản vi phạm hành chính số 0077490/BB-VPHC do tổ tuần tra kiểm soát giao thông lập không có dấu tròn. Theo ông Bùi H.N cho rằng biên bản không có dấu tròn là không đảm bảo tính pháp lý.

Tương tự, anh Lê C.Đ (trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gửi đơn khiếu nại đến Công an tỉnh phản ánh biên bản vi phạm hành chính số 043609 quyển số 00873 do Tổ tuần tra kiểm soát giao thông lập ngày 17/11/2017 gửi cho anh không có dấu.

Giải đáp về vấn đề này, Đại tá Hoàng Đức Điện- Chánh Thanh tra Công an tỉnh cho biết: “Biên bản vi phạm hành chính trong đó có biên bản vi phạm giao thông được quản lý chặt chẽ từ việc in, cấp phát, sử dụng và phải lập sổ sách theo dõi. Bản thân mẫu biên bản đã có số seri hay còn gọi là số nhảy và đóng theo số tờ và số quyển, do đó cơ quan chức năng căn cứ vào đây để quản lý, kiểm soát việc lập biên bản. Mẫu biên bản là do cơ quan có thẩm quyền ban hành và do người có thẩm quyền đang thi hành công vụ xác lập để ghi nhận hành vi vi phạm hành chính. Tại một số đơn vị, địa phương vẫn có thói quen đóng dấu treo vào biên bản. Tuy nhiên trên thực tế, theo quy định của pháp luật thì biên bản không cần đóng dấu treo, vẫn đảm bảo đầy đủ tính pháp lý và người vi phạm cần phải chấp hành”.

Những nội dung này được quy định cụ thể tại một số điều luật và văn bản pháp luật như sau: - Theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và mẫu biên bản vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì biên bản vi phạm hành chính không bắt buộc phải đóng dấu treo hoặc đóng dấu lên phần chữ ký của người lập biên bản.

- Theo Công văn số 271/CSGT-P1 ngày 30/01/2015 của Cục Cảnh sát giao thông- Bộ Công an yêu cầu các đơn vị thuộc Cục có chức năng thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính về TTATGT không đóng dấu treo vào góc trái, phía trên biểu mẫu Biên bản vi phạm hành chính và mẫu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục xử phạt không lập biên bản của Thông tư số 34/2014/TT-Bộ Công an.

- Theo Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 97/2017/NĐ-CP, Thông tư 34/2014/TT-BCA và hiện nay là Thông tư 07/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định về các biểu mẫu để sử dụng khi xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của CAND, cũng không quy định biên bản vi phạm hành chính phải đóng dấu treo.

Từ tháng 8/2018, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn lực lượng là không đóng dấu của cơ quan vào biên bản vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân.

Như vậy, từ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho thấy: Biên bản vi phạm hành chính số 043609, quyển số 00873 lập ngày 17/11/2017 không có đóng dấu của cơ quan vẫn đảm bảo cơ sở pháp lý để người có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định”.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, Công an tỉnh tiếp nhận 58 đơn và đã giải quyết 47 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân thuộc trách nhiệm Công an giải quyết. Đối với 11 đơn không thuộc trách nhiệm, thẩm quyền, Công an tỉnh đã có thông báo chuyển đơn, đồng thời có văn bản hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Quá trình tiếp nhận, giải quyết được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, đúng quy định pháp luật.

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/hoi-dap-365/bien-ban-xu-phat-hanh-chinh-co-can-co-dau-treo-hay-khong-477836.html