Biên bản ghi nhớ đầu tiên trong công tác phòng chống hàng giả

Sáng nay, ngày 07/5/2019, Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Tập đoàn LVMH (một tập đoàn của Pháp, chuyên phân phối các sản phẩm của các thương hiệu lớn hàng đầu thế giới).

2 bên ký kết Biên bản ghi nhớ

2 bên ký kết Biên bản ghi nhớ

Lễ ký kết này là hiện thực hóa mong muốn của LMVH và Tổng cục để tăng cường, phối hợp trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái. Đây cũng là biên bản ghi nhớ đầu tiên giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng với mục đích triển khai công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả hơn.

Ông Trần Hữu Linh. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, hàng giả hiện nay rất phổ biến, nhất là những nhãn hiệu lớn nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ ảnh hưởng đến doanh số nên chưa dám thừa nhận. Do đó, việc Tập đoàn LVMH phối hợp cùng với Tổng cục là một tín hiệu tốt, để khẳng định sự đồng hành của doanh nghiệp cùng các cơ quan chức năng trong công cuộc phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Ông Linh chia sẻ, nếu có đại diện các thương hiệu lớn hiện diện tại Việt Nam, quy trình xử lý hàng giả, hàng nhái sẽ được tiến hành nhanh hơn, hiệu quả hơn vì từ góc độ người tiêu dùng, việc phân biệt hàng thật hàng giả là khá khó khăn. Đặc biệt trong điều kiện việc làm giả các thương hiệu lớn rất tinh vi nên sự phối hợp giữa 2 bên cực kỳ quan trọng.

Ông Laurent Marcadier, Giám đốc bảo vệ con người và tài sản (Tập đoàn LVMH) khẳng định, Việt Nam là một thị trường tiềm năng của LVMH với 35 cửa hàng chuyên phân phối nước hoa, quần áo, phụ kiện cao cấp… Tuy nhiên, số lượng hàng giả cũng chiếm không ít, xuất hiện ở cả ngoại tuyến và trực tuyến, nhất là trên mạng xã hội Facebook, số lượng hàng giả các nhãn hiệu do Tập đoàn LVMH phân phối chiếm tới 96%.

LVMH kỳ vọng các nội dung trong biên bản ghi nhớ sẽ được đẩy mạnh thực thi ở Việt Nam

LVMH cũng đã bỏ ra nhiều nhân lực và tài chính để đấu tranh với nạn hàng giả, hàng nhái nhưng không có hiệu quả. Theo thống kê, giá trị hàng giả trên toàn thế giới đã lên đến 500 tỷ euro. “Các cơ quan chức năng không thể đơn thương độc mã trong công cuộc phòng chống hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp cũng vậy, không thể một mình chống lại hàng giả mà phải phối hợp, hợp tác với nhau mới mang lại hiệu quả tối ưu nhất” - ông Laurent Marcadier chia sẻ.

Vị Giám đốc này cũng cho biết thêm, ở nhiều quốc gia không có một cơ quan dành riêng để thực thi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái như Việt Nam nên ông hy vọng, với điểm đặc biệt này, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời ông này cũng mong muốn các cuộc trao đổi hợp tác giữa Tổng cục QLTT và LVMH sẽ được tổ chức thường xuyên, để công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái mang lại hiệu quả cao nhất.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/bien-ban-ghi-nho-dau-tien-trong-cong-tac-phong-chong-hang-gia-451166.html