Trở ngại lớn nhất đối với ĐBSCL vẫn là hạ tầng

Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, ông Nguyễn Phương Lam đánh giá, trở ngại lớn nhất đối với vùng ĐBSCL vẫn là hạ tầng.

Sáng 14/12, tại Cần Thơ, Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2020. Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sau hơn 1 năm thực hiện. Đây là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.

Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của FSPPM. Trong thập niên qua, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng... đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao.

Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.

Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.

Cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng… là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt. Trong khi đó quan điểm khi nhìn nhận về ĐBSCL luôn gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào… nhưng thực tế quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên qua cho thấy không là như thế.

Bên cạnh đó hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, trở ngại lớn nhất vẫn là hạ tầng, khi các doanh nghiệp muốn thành lập mới để sáng tạo cũng như tạo một giá trị rất cần có sự giao thương, nhưng hiện nay giao thông đường bộ vẫn đang là một cản trở lớn. "Trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận từ thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước thì giao thông là một vấn đề cản trở lớn", ông Lam cho biết.

Nội dung Báo cáo bao gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL; Năng lực cạnh tranh của ĐBSCL dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của Vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics. Từ những phân tích này, Báo cáo tập trung bàn luận về những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới./.

Thanh Tùng - Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tro-ngai-lon-nhat-doi-voi-dbscl-van-la-ha-tang-823908.vov