BIDV và VietinBank có thể hạn chế mở rộng tín dụng năm 2020 do Thông tư 22

Theo KBSV, qui định mới này đã hạn chế dư địa mở rộng tín dụng của VietinBank và BIDV.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 22 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, Thông tư quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn: từ 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34%; và từ 1/10/2022 là 30%.

Đáng chú ý, bên cạnh việc đưa ra lộ trình kiểm soát thanh khoản thông qua giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mức trần tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR).

Cụ thể, theo thông tư này, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới thành lập trong 3 năm đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định tỷ lệ cụ thể khác với các tỷ lệ nêu trên đối với từng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đặt một lộ trình khá dài (ba năm) để từng bước siết lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, nhằm tăng cường an toàn hệ thống và cụ thể về an toàn thanh khoản.

Tỷ lệ này nhiều năm trước đây cũng chỉ quy định 30%, nhưng từ năm 2014 đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước nới rộng lên 60% để rồi từng bước siết lại như cũ và kế hoạch tiếp tục trong ba năm tới.

Đánh giá tác động của thông tư này, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng về tổng thể, dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ không có nhiều thay đổi do sự điều chỉnh trái chiều đối với tỉ lệ LDR trong khu vực NHTM Nhà nước và Tư nhân.

Theo tính toán, của KBSV phần dư nợ tiềm năng bị hạn chế của nhóm NHTM Nhà nước sẽ tương đương với phần dư nợ tiềm năng có thể tăng thêm của nhóm NHTM cổ phần.

Tuy nhiên, nếu xét riêng nhóm NHTMNN, đặc biệt là hai ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II là BIDV và VietinBank sẽ chịu tác động từ thông tư trên, KBSV nhận định.

Công ty chứng khoán này cũng tính toán theo Thông tư 36 cho thấy tỉ lệ LDR của hai ngân hàng này ở mức 84% và 85,5% trong nửa đầu năm 2019 (vào năm 2018 ở mức 83,4% và 84,9%). Bên cạnh đó, việc hai nhà băng này chưa đạt chuẩn Basel II sẽ khiến cho dư địa mở rộng tín dụng trong 2020 sẽ không còn nhiều

Đối với nhóm NHTM cổ phần, KBSV cho rằng NHNN đã có đánh giá khách quan hơn đối với hoạt động tín dụng của nhóm này, đặc biệt là các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II sẽ là các ngân hàng được lợi chủ yếu.

Bên cạnh việc room tín dụng nhiều khả năng sẽ được mở thêm vào năm 2020, việc nới lỏng tỉ lệ LDR sẽ giúp nhóm ngân hàng này, như ACB, MBBank, HDBank và TPBank có nhiều cơ hội đẩy mạnh tín dụng hơn.

* Tỷ lệ LDR được tính theo công thức Dư nợ tín dụng/Vốn huy động. Đây là một trong những tỷ số quan trọng dùng để đánh giá chỉ tiêu an toàn của Ngân hàng. Thông thường, LDR sẽ tỷ lệ thuận với khả năng sinh lời của Ngân hàng, tỷ lệ LDR càng cao, khả năng sinh lời càng lớn. Tuy nhiên, những rủi ro thanh khoản cũng cao hơn, bởi tín dụng được coi là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng nhưng lại là tài sản sinh lời chính.

Mai An (T/h)

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/bidv-va-vietinbank-co-the-han-che-mo-rong-tin-dung-nam-2020-do-thong-tu-22-286294.htm