BIDV ra sức 'chiều' con nợ

Nằm trong nhóm 'tứ đại gia ngân hàng', Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá tốt. Tuy nhiên, 'tác dụng phụ' của nó là nợ xấu khi nợ đang có xu hướng tăng lên.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017, tại thời điểm 30/9/2017, nợ xấu của BIDV đạt 17.245 tỷ đồng, tăng 2.816 tỷ đồng, tương ứng 19,5% so với số liệu hồi cuối năm 2016. Nợ xấu chiếm 2,08% tổng nợ của BIDV. Con số này hồi cuối năm ngoái là 2%. Như vậy, nợ xấu tại ngân hàng này tăng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tương đối.

Trong kỳ, BIDV là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng khả quan nhất. Thế nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn tốc độ tăng nợ xấu. Cuối quý 3, chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 828.997 tỷ đồng, tăng 104.310 tỷ đồng, tương ứng 14,4%, thấp hơn khá nhiều so với 19,5% tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Nợ xấu tăng quá mạnh nên BIDV phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý 3 năm nay, chỉ tiêu này tăng 3.078 tỷ đồng, tương ứng 124% so với quý 3/2016, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 11.887 tỷ đồng, tăng 4.915 tỷ đồng, tương ứng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, chỉ riêng khoản tiền bị "treo" cho nợ xấu tại BIDV đã nhiều hơn so với vốn điều lệ của một số ngân hàng khác như VIB (5.644 tỷ đồng), PVcombank (9.000 tỷ đồng), OBC (4.000 tỷ đồng), Kienlong Bank (3.000 tỷ đồng),...

Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng quá lớn đã gây áp lực lên lợi nhuận cho BIDV. Kỳ này, thị trường ngân hàng chứng kiến rất nhiều đơn vị công bố những khoản lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Thế nhưng, BIDV lại nằm ngoài xu hướng.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3/2017 của ngân hàng chỉ đạt 1.483 tỷ đồng, giảm 506 tỷ đồng, tương ứng 25,4% so với quý 3/2016, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 4.310 tỷ đồng, giảm 374 tỷ đồng, tương ứng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

BIDV không công bố những "tên tuổi" chính gây nên nợ xấu cho mình. Nhưng các thông tin thời gian qua cho thấy BIDV có nhiều con nợ "nổi tiếng". Đó là Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường và Vinachem.

Thời gian đầu, khi Hoàng Anh Gia Lai vẫn là một trong những ông lớn thế lực nhất trên thị trường, mối quan hệ nợ vay này gần như không được nhắc tới.

Nhưng kể từ khi Hoàng Anh Gia Lai lao dốc, lợi nhuận giảm, thậm chí còn thua lỗ, cổ phiếu HAG thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá, khoản nợ này liên tục được báo chí nhắc tới. Có thời điểm, Hoàng Anh Gia Lai tưởng không "qua khỏi". Điều này sau này được chính bầu Đức tâm sự.

Giúp Hoàng Anh Gia Lai "tai qua nạn khỏi" để còn trả nợ, BIDV và 9 chủ nợ khác đồng loạt đưa ra phương án hỗ trợ là giãn nợ thay vì bán toàn bộ tài sản thế chấp của Hoàng Anh Gia Lai tại ngân hàng như dự án đường, cao su, cọ dầu.

Động thái của BIDV càng khiến nhà đầu tư sốt ruột hơn. Trong nhiều đại hội đồng cổ đông, cổ đông BIDV chất vấn lãnh đạo ngân hàng về khả năng thu hồi nợ tại công ty bầu Đức. Trong đại hội 2016, khi bị cổ đông chất vấn, lãnh đạo ngân hàng tiếp tục khẳng định BIDV hoàn toàn có khả năng thu hồi nợ tại Hoàng Anh Gia Lai.

Hiện tại, BIDV vẫn tăng cường thu hồi nợ tại Hoàng Anh Gia Lai. Thời điểm cuối quý 3/2017, vay nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai giảm từ 541 tỷ đồng hồi cuối năm 2016 xuống còn 181 tỷ đồng. Nhờ đó, trong ngắn hạn, BIDV chỉ là chủ nợ lớn thứ 2 của Hoàng Anh Gia Lai, đứng sau VPBank. Trong dài hạn, BIDV vẫn là chủ nợ lớn nhất dù nợ vay giảm từ 3.774 tỷ đồng xuống 2.985 tỷ đồng.

Thế nhưng, trong kỳ, BIDV vẫn tiếp tục "chiều" Hoàng Anh Gia Lai. Tại ngày 31/3/2017, BIDV và công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là tổ chức thu xếp phát hành trái phiếu trị giá 5.876 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai.

Không chỉ chiều Hoàng Anh Gia Lai, BIDV còn "chiều" Quốc Cường Gia Lai. Hồi giữa năm nay, dư luận xôn xao khi BIDV – chi nhánh Quang Trung chấp thuận cho miễn giảm tiền lãi theo phương án đề nghị trả nợ gốc và lãi vào ngày hoặc trước ngày đáo hạn của khoản vay là 31/03/2017 của QCG. Số tiền ưu đãi lên tới 237,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, mối quan hệ nợ vay giữa BIDV và Vinachem cũng khiến BIDV đau đầu khi Vinachem đang "gánh" nhiều công ty con bê bết, trong đó đáng kể nhất là Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.

Bảo Linh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/bidv-ra-suc-chieu-con-no-d63226.html