BIDV ra sao dưới thời ông Trần Bắc Hà?

Trong suốt một thời gian dài, ông Bắc Hà đã được coi như là linh hồn của một trong những nhà băng lớn nhất Việt Nam này.

Ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV.

Mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết quả kỳ họp 26 từ ngày 28 đến 30/5/2018, tại Hà Nội. Theo đó, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng BIDV đã vi phạm một loạt các nguyên tắc, quy chế làm việc.

Cụ thể, nguyên Chủ tịch BIDV đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành, vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Được biết, ông Trần Bắc Hà bắt đầu làm việc tại BIDV từ năm 1981. Sau 10 năm công tác, đến năm 1991, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định. Đến năm 1999, ông Hà được bầu làm Phó Tổng giám đốc BIDV và đến năm 2003 thì làm Tổng giám đốc.

Sau 5 năm ở vị trí CEO, đến năm 2008, ông Trần Bắc Hà lên nắm giữ ghế Chủ tịch BIDV và liên tục ở vị trí này 2 nhiệm kỳ.

Đến ngày 1/9/2016, ông Hà nhận quyết định nghỉ hưu sau 35 năm gắn bó với nhà băng này và 8 năm 8 tháng ở vị trí Chủ tịch ngân hàng.

Ngoài vị trí cựu Chủ tịch BIDV, ông Hà còn được biết đến với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

BIDV ra sao dưới “triều đại” Trần Bắc Hà?

Ngân hàng BIDV được thành lập ngày 26/4/1957 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam. Và trong suốt một thời gian dài, ông Bắc Hà được coi như là linh hồn của một trong những nhà băng lớn nhất Việt Nam này.

Trong thời gian gần 9 năm ông Hà giữ ghế Chủ tịch, BIDV đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Cụ thể, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng gấp 4 lần, từ mức hơn 246 nghìn tỷ đồng năm 2008 lên hơn 1 triệu tỷ đồng khi kết thúc năm 2016, trở thành nhà băng có tài sản “khủng” nhất trong hệ thống.

Tương tự, vốn điều lệ cũng được tăng đều qua từng năm, từ mức 8.755 tỷ đồng lên 34.187 tỷ đồng, tương đương mức tăng gấp 3,9 lần trong 9 năm và là ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ ba trong hệ thống, sau hai nhà băng có vốn Nhà nước khác là Vietinbank và Vietcombank.

Một điều đáng chú ý, là trong 9 năm ông Hà giữ cương vị Chủ tịch, thì cho vay khách hàng của BIDV đều có mức tăng trưởng khá mạnh, từ 14% đến hơn 34%/năm.

Trong đó, ngân hàng nhiều năm liền xảy ra tình trạng số tiền ngân hàng cho vay vượt số tiền gửi của khách hàng, như các năm 2009, 2010, 2011, 2012, 2013 2014, 2015.

Cũng nhờ đẩy mạnh tín dụng nên lợi nhuận của BIDV trong 9 năm này có sự chuyển biến rõ nét, từ mức 2.351 tỷ đồng năm 20108 lên 7.709 tỷ đồng khi kết thúc năm 2016, tương đương mức tăng 3,2 lần.

Tuy nhiên, cũng do tăng trưởng cho vay quá nóng, nên nợ xấu của ngân hàng BIDV trong giai đoạn này cũng “phình to” với tốc độ nhanh tương ứng.

Nếu như kết thúc năm 2008, tổng nợ xấu của ngân hàng chỉ ở mức 4.183 tỷ đồng, tương đương 2,6% trên tổng dư nợ thì kết thúc năm 2016, con số này đã lên tới 14.428 tỷ đồng, tương đương mức tăng gấp 3,4 lần và lớn hơn cả vốn điều lệ của ngân hàng hạng trung như Techcombank, Eximbank hay ACB.

Đáng chú ý, riêng số nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng tới 6 lần trong 9 năm, từ mức 1136 tỷ đồng lên gần 7.000 tỷ đồng và chiếm tới 47,9% tổng nợ xấu. Dù vậy, nhờ đẩy mạnh cho vay nên đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ ở mức 1,99% trên tổng dư nợ.

Một trong những con nợ lớn nhất và cũng chính là mối lo lớn của không ít cổ đông BIDV chính là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Theo chia sẻ của ông Hà tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 4 năm 2016, thì tổng dư nợ của doanh nghiệp này tại ngân hàng lên tới 10.500 tỷ đồng, tương đương 30,7% vốn điều lệ tại thời điểm đó của BIDV.

Từng vướng một loạt tin đồn bị bắt

Tên tuổi ông Trần Bắc Hà không chỉ gắn liền với BIDV, một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, mà ông còn “nổi như cồn” khi từng có rất nhiều tin đồn ông bị bắt giữ.

Hồi năm 2013, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ, khiến hàng loạt cổ phiếu bị “bán tháo”, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh.

Ngay sau đó BIDV đã bác bỏ tin đồn trên và cho biết đó là thông tin bịa đặt với dụng ý xấu nhằm mục đích trục lợi.

Đến năm 2017, tin đồn ông Hà bị bắt lại rộ lên sau khi nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy ông Hà có ký duyệt cho vay đối với Ngân hàng Xây Dựng.

Cụ thể, thời điểm năm 2013, ông Trần Bắc Hà là người đứng đầu phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc ủy ban quản lý rủi ro của BIDV. Với cương vị của mình, ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn, sau đó, BIDV chấp thuận cho các công ty này vay 4.700 tỷ đồng. Việc cho vay này đã được Ngân hàng Nhà nước kết luận có hàng loạt sai phạm.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/bidv-ra-sao-duoi-thoi-ong-tran-bac-ha-3452803.html