BIDV bán 15% cổ phần cho ngân hàng Hàn Quốc

Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc sẽ đầu tư khoảng 650 - 700 triệu USD để nắm giữ 15% cổ phần của BIDV.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang lên kế hoạch bán 15% cổ phần cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc, văn bản xin ý kiến cổ đông của ngân hàng cho biết.

BIDV hiện có giá trị thị trường khoảng 95 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 4,3 tỷ USD. Ước tính, ngân hàng Hàn Quốc sẽ phải chi khoảng 650 đến 700 triệu USD để trở thành cổ đông của BIDV.

Ngân hàng Việt Nam sẽ phát hành thêm 603 triệu cổ phần để tăng vốn lên hơn 40 nghìn tỷ đồng thông qua chào bán cho KEB Hana Bank. Thương vụ có thể được thực hiện trong những tháng cuối năm nay hoặc đầu năm 2019.

Thỏa thuận sơ bộ giữa BIDV và KEB Hana Bank được ký vào tháng 8/2017

Hồi đầu năm nay, truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin KEB Hana Bank, thành viên của tập đoàn tài chính Hana Hàn Quốc sắp trở thành cổ đông của BIDV và cho biết giao dịch đang chờ các cơ quan chức năng của Việt Nam phê duyệt.

Trước đó, vào tháng 8/2017, BIDV đã ký một thỏa thuận sơ bộ với KEB Hana Bank. Nội dung của thỏa thuận này không được công bố và BIDV không cung cấp thông tin về thỏa thuận này.

Hana Financial, tập đoàn mẹ của KEB Hana là tập đoàn lớn thứ 4 về tổng tài sản, theo số liệu đến giữa năm 2016. Tại Việt Nam, KEB Hana Bank có 2 chi nhánh hoạt động ở TP.HCM và Hà Nội với tổng số vốn được cấp hơn 2.000 tỷ đồng.

BIDV là ngân hàng được cổ phần hóa từ năm 2011 nhưng đến nay chưa tìm được cổ đông chiến lược. Năm 2014, Đại hội cổ đông ngân hàng đã thông qua nội dung về bán cổ phần, tối đa 30% cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn là cổ đông nắm giữ hơn 95% cổ phần của BIDV. Nếu phát hành thành công cho KEB Hana Bank, tỷ lệ sở hữu của nhà nước sẽ giảm xuống 80%.

Nguồn vốn thu được sau khi phát hành BIDV dự định sẽ tập trung cho hoạt động tín dụng thông qua cơ cấu lại danh mục cho vay với các doanh nghiệp có tài chính lành mạnh; hoạt động đầu tư trên liên ngân hàng và giấy tờ có giá; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm mới và nâng cao chất lượng kinh doanh qua việc mở rộng kênh phân phối.

Tổng tài sản của ngân hàng đến tháng 9 đạt 1,268 triệu tỷ đồng vượt qua Vietcombank và Vietinbank nhưng lợi nhuận quý gần nhất BIDV thấp hơn nhiều so với Vietcombank.

Tìm kiếm nguồn lực mới để tăng vốn điều lệ hiện đang là cuộc đua rất khẩn trương trên thị trường tài chính Việt Nam, trong bối cảnh chuẩn Basel II sắp được đưa ra áp dụng chính thức.

Vietcombank cũng đang thực hiện tăng vốn thông qua việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo kế hoạch ngân hàng này sẽ bán 10% cổ phần, trong đó cổ đông chiến lược hiện tại là Mizuho Bank sẽ mua một tỷ lệ nhất định để duy trì sở hữu 15% cổ phần tại Vietcombank.

Các nhà đầu tư khác tham gia thương vụ này được cho là Quỹ đầu tư của Chính phủ Singaore - GIC.

Trong khi đó, cuối tháng trước, thông tin từ Bloomberg cho biết, tổ chức tài chính quốc tế IFC của World Bank đang tìm kiếm nhà đầu tư để bán lại cổ phần của họ tại Vietinbank.

Tổ chức tài chính quốc tế IFC và Quỹ tái cấp vốn ngân hàng IFC hiện đang nắm giữ gần 8% cổ phần của Vietinbank, có giá trị thị trường khoảng 350 triệu USD.

Minh An

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bidv-ban-15-co-phan-cho-ngan-hang-han-quoc-1540965067861.htm