Biden vẫn có thể ngăn cản phát triển dầu khí tại vùng đất và biển liên bang sau khi thua kiện

Reuters ngày 18/6/2021 đưa tin, theo các chuyên gia môi trường và dầu khí, chính quyền Tổng thống Biden có đủ thẩm quyền để hạn chế việc phát triển dầu khí tại các vùng đất và vùng biển do chính quyền liên bang kiểm soát, mặc dù Tòa án yêu cầu chấm dứt lệnh dừng các cuộc đấu giá khoan dầu khí liên bang.

Cơ sở dầu khí tại cửa sông Mississippi, khu vực Plaquemines Parish, bang Louisiana. Ảnh: Julie Dermansky.

Cơ sở dầu khí tại cửa sông Mississippi, khu vực Plaquemines Parish, bang Louisiana. Ảnh: Julie Dermansky.

Theo các chuyên gia, chính quyền Biden có thể có một số lựa chọn như đề xuất các khu vực diện tích thưa thớt, áp đặt các yêu cầu xin cấp phép tốn nhiều thời gian hơn. Kathleen Sgamma, Chủ tịch hiệp hội thương mại công nghiệp Western Energy Alliance, cho biết, trước đó chính quyền Obama đã làm rất nhiều việc để hạn chế việc cho thuê và hoạt động khai thác trên đất liên bang.

Tháng 1/2021, Tổng thống Biden đã ký quyết định tạm ngừng cấp giấy phép khoan dầu tại các vùng đất và vùng biển liên bang khi cân nhắc tới ảnh hưởng môi trường. Hành động này được nhìn nhận như là bước đi đầu tiên thực hiện cam kết tranh cử là cấm hoàn toàn việc cấp phép cho thuê đất liên bang thăm dò dầu khí để chống lại biến đổi khí hậu. Một số bang khai thác dầu đã khởi kiện, cho rằng việc ngừng cấp phép này là bất hợp pháp và gây tổn hại cho nền kinh tế của bang.

Hôm thứ Ba ngày 15/6, Thẩm phán Terry Doughty của Tòa án liên bang Louisiana, người được bổ nhiệm từ thời Tổng thống Donald Trump, đã yêu cầu chính quyền dỡ bỏ lệnh ngừng cấp phép. Đạo luật cho thuê Khoáng sản năm 1920 cho rằng chính quyền phải lên kế hoạch bán giấy phép ít nhất hàng Quý “ở mỗi bang có đất đủ điều kiện”. Khó có thể thay đổi Luật này khi Quốc hội đang chia rẽ về mặt chính trị. Tuy nhiên, các nhóm công nghiệp và môi trường cho rằng Bộ Nội vụ Mỹ, cơ quan giám sát phát triển dầu khí trên diện tích liên bang, có nhiều cách tránh hoặc ít nhất là làm chậm quá trình cấp phép cho thuê mới. Chính quyền có thẩm quyền quyết định thế nào là "đất đủ điều kiện". Các chính quyền trước cũng đưa nhiều vùng ra khỏi khu vực xem xét cho thuê; ví dụ như chính quyền Trum không cho thuê khu vực nằm cách Công viên Lịch sử Văn hóa Quốc gia Chaco 10 dặm, tại bang New Mexico; chính quyền Obama đưa các vùng ở Đại Tây Dương và Bắc Cực ra khỏi khu vực cho phép khoan ngoài khơi.

Thẩm phán liên bang Terry Doughty. Ảnh: Tư liệu/AP

Thứ Tư ngày 16/6, Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland cho biết, Bộ Nội vụ Mỹ sẽ công bố một báo cáo với các khuyến nghị về cách cải cách chương trình cho thuê khai thác dầu khí đã tồn tại hàng thế kỷ. Bộ Nội vụ cho biết họ sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa án nhưng không cho biết liệu có cấp phép cho thuê mới. Theo các chuyên gia, nếu Bộ Nội vụ nối lại việc cấp phép cho thuê, Bộ có thẩm quyền đưa ra các quy định chặt chẽ và kéo dài thời gian xem xét cấp phép. Bộ Nội vụ cũng có thể hạn chế diện tích đưa ra đấu giá.

Theo các chuyên gia dầu khí, Bộ Nội vụ Mỹ sẽ kéo dài thời gian xem xét các khu vực tiềm năng có thể cho thuê; áp dụng Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA), trong đó yêu cầu các cơ quan liên bang đánh giá tác động môi trường của các dự án. Chính quyền Biden lập luận rằng cần phải cải cách chương trình cho thuê khai thác dầu khí, một phần vì chính quyền Trump đã không rà soát kỹ các khu vực cho thuê; dẫn đến việc nhiều hợp đồng cho thuê bị hủy bỏ và gây cản trở nỗ lực của chính quyền Trump tối đa hóa việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Theo Schlenker-Goodrich, Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường Miền Tây (WELC) và Giám đốc chương trình năng lượng và khí hậu của WildEarth Guardians Jeremy Nichols, các nhóm bảo vệ môi trường như WELC và WildEarth Guardians sẵn sàng khởi kiện lại nếu như việc cấp phép khoan dầu ở vùng đất và vùng biển liên bang được nối lại; bày tỏ hy vọng không phải đưa Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Deb Haaland với tư cách bị đơn trong vụ kiện này./.

Thanh Bình

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/biden-van-co-the-ngan-can-phat-trien-dau-khi-tai-vung-dat-va-bien-lien-bang-sau-khi-thua-kien-614685.html