Bia miệng

Với tinh thần 'không có vùng cấm' thì việc 'củi' vào lò đã thành quen. Nhân quả báo ứng, lưới trời lồng lộng…

Nhưng cũng có những trường hợp làm dân hụt hẫng và giận. Đó là trường hợp nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khi bắt tay với đối tác để nâng khống giá thiết bị y tế.

Là GS.TS Gây mê hồi sức, Thầy thuốc nhân dân", Anh hùng Lao động mà lại bị bắt vì tội "ăn không từ thứ gì trên lưng bệnh nhân". Mỗi ca bệnh đáng ra chỉ khấu hao 4,5 triệu đồng thì phải đóng 23 triệu đồng, chênh lệch tới 18,5 triệu.

Những bệnh nhân khốn khổ có khi phải bán đi những tài sản cuối cùng của mình cho thầy thuốc hưởng. Những bệnh nhân đã được cho "gây mê" bao lâu nay và sẽ không bao giờ "tỉnh" nếu cơ quan điều tra không vào cuộc.

Thật là anh hùng không qua "ải mỹ kim". Có thể hôm qua là anh hùng nhưng biết đâu hôm nay là tội phạm. Dân buồn vì một người từng có đủ các danh hiệu cao quý, tiểu sử quá nhiều huân chương, chi chít danh hiệu, trùng điệp bằng khen lại thảm hại như một con sâu lớn. Suốt đại dịch COVID-19, người thầy thuốc đồng nghĩa với anh hùng cao cả thì bây giờ, họ bị con sâu làm vấy bẩn hình ảnh của mình. Dân buồn một và giận mười.

Dân hỏi nhau, kỳ này "con sâu" sẽ bị tước đi những danh hiệu nào? Liệu trong quá khứ có là anh hùng thật hay không? Trên tiểu sử sẽ xóa sạch hay ghi từng là "anh hùng từ ngày… tháng… năm… đến ngày… tháng… năm… hết hạn?" Sẽ có mục ghi "nguyên người tốt từ…", "Bắt đầu thành người xấu từ… "Ngày hoàn lương: chưa rõ…"

Người xưa có câu "y phục xứng kỳ đức". Chồn cáo tài hèn đức mọn lại mặc hổ bào thì vẫn chỉ là chồn cáo. Ngày xưa khi thăng quan nhậm chức, các cụ cũng cân nhắc "áo chật", "áo rộng" để khỏi mặc nhầm áo mà gây họa cho dân.

Danh hiệu anh hùng không phải là một thứ vinh hoa phú quý cho cá nhân người được tôn vinh. Nó là danh hiệu mang lại niềm tự hào cho ngành, cho đất nước. Anh hùng là biểu tượng trác tuyệt cho các thế hệ noi theo mà vươn lên, cống hiến. Xúc phạm danh hiệu này là xúc phạm tất cả đồng nghiệp và nhân dân. Làm vấy bẩn danh hiệu này đã có khung hình phạt nào xứng đáng chưa?

Minh họa Lê Tâm.

Minh họa Lê Tâm.

Theo thông lệ thì công có thể chuộc tội, thành tích của quá khứ có thể là yếu tố giảm nhẹ hình phạt. Những danh hiệu cao quý cũng cũng có thể coi như "miễn tử kim bài". Tội hôm nay có thể được giảm nhẹ nhờ xét công trạng hôm qua, nhưng mặt khác, việc phỉ báng các danh hiệu cao quý trên xứng đáng được nhận sự tăng nặng. Cho dù luật pháp chưa áp dụng thì việc phỉ báng danh hiệu anh hùng đáng bị dân khinh gấp ngàn lần. Và tự mình, "anh hùng rởm" có tự khinh mình không?

Luận anh hùng lại nghĩ tới mỹ nhân. Cũng như danh hiệu hoa hậu hoa khôi là danh hiệu mẫu mực cho cái đẹp từ thể chất tới hành động vì xã hội.

Tầm quốc tế, đã có 2 Hoa hậu thế giới, 1 Hoa hậu hoàn vũ thế giới, 1 Hoa hậu trái đất bị tước danh hiệu vì nhiều lý do. Tầm quốc gia, có 5 hoa hậu quốc gia bị tước danh hiệu vì không hoàn thành nhiệm vụ và những lý do khác.

Tầm quốc nội, ở ta đã có một người đẹp bị tước danh hiệu "Người đẹp du lịch Quảng Bình". Nói chung họ đều làm hỏng hình ảnh của mình, làm mất thiêng danh hiệu, ảnh hưởng tới giá trị tinh thần của công chúng.

"Trăm năm bia đá thì mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Có gì ê chề hơn cái tên từ bảng vàng hạ xuống lưu danh bia miệng.

Lê Tâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/bia-mieng-613761/