Bịa chuyện vỡ đập thủy điện trên mạng bị xử như thế nào?

Luật sư Nguyễn Minh Cường – Văn phòng Luật sư Nguyễn Cường và Cộng sự trao đổi xung quanh việc một số đối tượng xấu tung tin đồn thất thiệt về việc vỡ đập thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa), Bản Vẽ (Nghệ An) những ngày gần đây.

Luật sư Nguyễn Minh Cường

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tung tin đồn vỡ đập thủy điện trong những ngày gần đây?

Luật sư Nguyễn Minh Cường: Hệ lụy do những thông tin bịa đặt như vậy là khôn lường. Nó gây tác động tiêu cực không chỉ đối với một vài cá nhân, mà có thể đến phần đông dân cư sống ở vùng hạ lưu đập thủy điện, thậm chí đến toàn xã hội.

Những thông tin không hề có căn cứ được lan truyền trên mạng xã hội vào đúng thời điểm nhạy cảm, khi mưa lũ đang xảy ra ở nhiều địa phương, nên tác động của thông tin lại càng nghiêm trọng, như việc người dân hoang mang, lo sợ, mất công mất việc di rời nhà cửa, tài sản,…

Khó có thể tính hết được hậu quả do những tin đồn thất thiệt gây ra nhưng phải khẳng định hành vi này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tính chất và mức độ của hành vi là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến tinh thần, sức khỏe và tài sản của người dân.

PV: Thưa ông, pháp luật Việt Nam có quy định như thế nào về việc xử lý hành vi loan tin, xuyên tạc, bịa đặt như trên?

Luật sư Nguyễn Minh Cường: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong đó, có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, theo Khoản 3 Điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Một số hành vi bị cấm khi cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

(Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng)

Hành vi loan tin bịa đặt vỡ đập thủy điện đã cấu thành tội phạm chưa thì cơ quan chức năng phải vào cuộc để điều tra xác định động cơ, mục đích của việc tung tin bịa đặt, đánh giá tính chất mức độ cũng như hậu quả gây ra của hành vi vi phạm, từ đó mới có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

Thực tế, chế tài xử phạt hành vi tung tin bịa đặt đã có, tuy nhiên những vụ tung tin sai sự thật, gây thất thiệt vẫn xảy ra bởi việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa nghiêm, nhiều trường hợp chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính với đối tượng có hành vi vi phạm.

PV: Để hạn chế những tin đồn ác ý như trên, theo ông các cơ quan chức năng cần phải làm gì?

Luật sư Nguyễn Minh Cường: Các cơ quan chức năng cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc sử dụng thông tin trên mạng Internet để người dùng biết được đâu là hành vi vi phạm pháp luật, để từ đó có những ứng xử cho phù hợp.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý và cần có những quy định chặt chẽ trong việc đăng ký, sử dụng tài khoản trên mạng xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông có liên quan để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.

Những nhà làm luật cần phải nhanh chóng sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm, tăng cường chế tài xử phạt để tạo hành lang pháp lý trong việc xử phạt. Cần sớm hoàn thiện chế tài xử lý, quy trách nhiệm tới cùng đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho người khác và cộng đồng.

Đồng thời, nhanh chóng có biện pháp chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ hơn những thông tin phát tán trên mạng, làm rõ những đơn vị thông tin truyền thông tiếp tay cho những tin đồn phát tán rộng rãi để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

PV: Xin cảm ơn Luật sư!

Minh Ngọc

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bia-chuyen-vo-dap-thuy-dien-tren-mang-bi-xu-nhu-the-nao-513277.html