Bị xâm hại, nhiều nạn nhân không theo đuổi quá trình tố tụng hình sự

Đa số mọi người tưởng rằng các vụ xâm hại tình dục thường do người lạ gây ra và xảy ra ở nơi công cộng. Nhưng trên thực tế, trong đa số các trường hợp, nạn nhân và nghi phạm quen biết nhau.

Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ UNWomen và Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc đã phối hợp tổ chức công bố nghiên cứu: “Xét xử tội xâm hại – Tìm hiểu cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam”.

Báo cáo nghiên cứu đã phân tích cách thức các hệ thống tư pháp hình sự tại Thái Lan và Việt Nam ứng phó với những trường hợp xâm hại và tấn công tình dục phụ nữ. Nhóm nghiên cứu đã rà soát 290 hồ sơ vụ án và phỏng vấn 213 người gồm các quan chức Chính phủ, nhân viên tư pháp, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà cung cấp dịch vụ cho những nạn nhân sống sót.

Nghiên cứu tại Việt Nam được thực hiện ở TP Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk, qua phỏng vấn người dân và nghiên cứu 121 hồ sơ vụ án của CQCA, VKS và Tòa án cấp quận, huyện.

Một bị cáo có hành vi đồi bại bị đưa ra xét xử. ẢNH:BAOHOABINH.VN

Bà Anna Karin Jatfors, PGĐ khu vực, Văn phòng UN Women khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, nghiên cứu chỉ ra nhiều yếu tố chính trong các vụ án xâm hại trái ngược hoàn toàn với các quan niệm sai lầm phổ biến về xâm hại tình dục.

Theo quan niệm các vụ xâm hại tình dục thường do người lạ, gây thương tích và xảy ra ở nơi công cộng. Nhưng trên thực tế, trong đa số các trường hợp, nạn nhân và nghi phạm quen biết nhau. Ở Việt Nam 86% nạn nhân được hỏi nói rằng họ biết người bị tình nghi. Điều này cho thấy việc phát hiện nghi phạm không phải là vấn đề trong đa số các trường hợp, nhưng cần thiết phải có những dịch vụ bảo vệ, an toàn và hỗ trợ cho nạn nhân.

Đa số các vụ xâm hại, tấn công tình dục xảy ra tại những nơi riêng tư, thường xuyên nhất là trong nhà của nạn nhân hoặc nghi phạm, sau đó là nhà của người khác hoặc phòng khách sạn.

Đáng quan tâm, nghiên cứu cho biết, một số cán bộ tư pháp ở cả Thái Lan và Việt Nam có quan niệm cố hữu về việc thế nào mới bị coi là nạn nhân xâm hại. Ví dụ, nạn nhân phải sợ hãi, bất lực hoặc những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Phụ nữ thường bị đổ lỗi vì những lý do khách quan, từ việc họ làm gái mại dâm, đến ăn mặc khiêu khích, đi chơi khuya với đàn ông, thậm chí chỉ là đi xe buýt một mình vào ban đêm.

Những phụ nữ trình báo về các vụ việc về xâm hại tại cả Thái Lan và Việt Nam thường gặp phải những rào cản trong việc tiếp cận công lý. Ở cả hai nước, khả năng dễ bị tổn thương ở phụ nữ và trẻ em gái với bạo lực tình dục gắn với và được hậu thuẫn bởi những giá trị, hình mẫu và thông lệ văn hóa, xã hội mang tính phân biệt đối xử.

“Câu hỏi đầu tiên mà họ hỏi tôi là: Sao cô không chấp nhận đền bù của anh ta? Cô có con cái rồi, cô còn đòi hỏi nhiều thế? Tôi nghĩ đó là một sự xúc phạm. Tôi là người bị xâm hại tình dục và tôi lại là người phải hiểu và thỏa hiệp ư?”, một nạn nhân chia sẻ. Một nạn nhân khác cho rằng: “Rất khó để tôi giải thích với cảnh sát nam. Tôi bị đàn ông cưỡng hiếp và tôi phải kể lại câu chuyện với đàn ông ư?”.

Qua phân tích hồ sơ vụ án cho thấy, nạn nhân thường phải kể đi kể lại vụ việc nhiều lần, khiến họ cảm thấy bị làm nhục và làm trầm trọng thêm những sang chấn về tâm lý và làm tăng thêm khả năng muốn bỏ cuộc. Các rào cản này ngăn chặn nạn nhân báo cáo và quyết tâm theo đuổi quá trình tố tụng hình sự. Ở cả hai nước, tình hình bỏ cuộc ở giai đoạn tiếp xúc ban đầu và giai đoạn trình báo là rất cao.

Đáng chú ý, theo kết quả nghiên cứu mặc dù điều tra về các vụ việc bạo lực tình dục là phức tạp và đầy thách thức, nhưng lại không có các đơn vị điều tra chuyên biệt nào. Số lượng nữ CA và nữ điều tra viên rất ít. Trong khi đó thủ tục tố tụng của tòa án có thể rất lâu và kéo dài, và thường tập trung vào chứng cứ vật chất hoặc chứng cứ pháp y, hay dựa vào độ tin cậy đối với nạn nhân chứ không phải độ tin cậy của vụ việc hoặc yếu tố không có sự đồng thuận của nạn nhân. Chính việc trì hoãn quá lâu làm cho nhiều nạn nhân phải nản chí và bỏ cuộc giữa chừng.

Còn theo một nam điều tra viên, các vụ việc thường không được trình báo ngay mà thường sau 1, 2 ngày, thậm chí cả tháng sau khi vụ việc xảy ra, nên rất khó thu nhập bằng chứng vật chất như tinh dịch, bao cao su, vết cào cấu… Đặc biệt, nạn nhân nhỏ tuổi thường rất lâu sau mới kể lại với gia đình và gia đình thường trình báo rất muộn với cảnh sát bởi sự nhạy cảm của vấn đề và tâm lý hoảng loạn của nạn nhân.

“Cần xây dựng và cung cấp dịch vụ tư pháp cụ thể có chất lượng nhằm giải quyết rào cản mà nạn nhân gặp phải khi tham gia vào quá trình tố tụng hình sự: khắc phục sự thiếu gắn kết của nạn nhân; giảm tỷ lệ bỏ cuộc của các vụ bạo lực tình dục; và tăng cường khả năng ứng phó của tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục” - Báo cáo nghiên cứu đưa ra khuyến nghị.

Còn theo ông Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ cản trở sự phát triển chung của con người, và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. “Chúng ta cần lan tỏa một thông điệp rõ ràng rằng bất kỳ hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nào cũng là không thể chấp nhận được. Các nhà cung cấp dịch vụ tư pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình”, ông Malhotra nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/bi-xam-hai-nhieu-nan-nhan-khong-theo-duoi-qua-trinh-to-tung-hinh-su-112602.html