Bị 'úp sọt' nhà đầu tư chứng khoán thua lỗ thảm

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam 'đỏng đảnh', đảo chiều trong chớp mắt, nhà đầu tư chưa kịp định thần lại thì đã gánh chịu những khoản thua lỗ thảm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong thời kỳ vô cùng “đỏng đảnh”, đảo chiều liên tục khiến không nhà đầu tư hay chuyên gia nào dự báo được xu hướng. Kết quả tất yếu là nhà đầu tư phải gánh những khoản thua lỗ nặng nề.

Cụ thể, trong phiên ngày 11/10, VN-Index khiến giới đầu tư và giới chuyên gia sốc nặng khi giảm hơn 48 điểm khiến vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam “đánh rơi” hơn 160.000 tỷ đồng. Tới phiên 12/10, trong khi nhà đàu tư tin rằng VN-Index sẽ tiếp tục giảm sâu thì tới cuối phiên chỉ số này bất ngờ bất mạnh và tăng hơn 24 điểm.

Diễn biến này của VN-Index khiến nhà đầu tư lại có niềm tin vào một phiên hứng khởi đầu tuần này. Thế nhưng, VN-Index lại không diễn ra như kỳ vọng. Đầu phiên, VN-Index giảm khá nhẹ. Nhưng càng tới gần cuối phiên, chỉ số này càng giảm sâu khi nhà đầu tư ồ ạt xả hàng trên diện rộng.

Sau phiên bật tăng cuối tuần, VN-Index bất ngờ lao dốc. (Ảnh minh họa)

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (15/10), VN-Index giảm 18,44 điểm, tương ứng 1,9% xuống 951,64 điểm. VN-Index ngày càng rời xa mốc quan trọng 1.000 điểm. Thanh khoản sụt giảm so với phiên lịch sử 11/10. Chỉ có hơn 144 triệu cổ phiếu, tương đương 3.456 tỷ đồng được trao tay. Toàn sàn ghi nhận chỉ có 111 mã tăng giá, 41 mã đứng giá và 191 mã giảm giá.

Hôm nay, “tội đồ” của thị trường là cổ phiếu nhỏ chứ không phải blue-chips. Vì thế, cổ phiếu vốn hóa lớn có tốc độ giảm nhẹ hơn tốc độ giảm của toàn thị trường. Chốt phiên, VN30-Index giảm 14,94 điểm, tương ứng 1,58% xuống 928,55 điểm.

Trong nhóm VN30, có tới 26 mã giảm giá và chỉ 4 mã tăng giá. 4 mã tăng giá ít ỏi đó là BMP, ROS, SAB và NVL. NVL bứt phá mạnh nhất khi tăng 1.800 đồng/CP lên 69.800 đồng/CP.

Nhiều nhà đầu tư đã bị “úp sọt” khi hào hứng mua vào đầu phiên với mức giá cao chót vót nhưng tới cuối phiên thua lỗ nặng bởi VN-Index quay đầu giảm sâu.

Cụ thể, GAS của Tổng công ty khí Việt Nam tiếp tục là mã gánh chịu mất mát lớn nhất khi giảm 4.900 đồng/CP xuống 115.000 đồng/CP. Điều đáng chú ý, đầu phiên, GAS tăng khá mạnh lên mức cao nhất 120.000 đồng/CP. Vì vậy, những nhà đầu tư nào mua GAS ở mức “đỉnh” này sẽ thua lỗ 5.000 đồng/CP, chứ không phải 4.900 đồng/CP nữa. Thiệt hại của nhà đầu tư là rất lớn.

Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV cũng rơi vào cảnh “đầu xuôi, đuôi không lọt”. Đầu phiên, BID tăng tới 34.000 đồng/CP. Nhưng tới cuối phiên, do đà rơi của VN-Index cộng với việc khách hàng ồ ạt đến một phòng giao dịch rút tiền do tin đồn phòng giao dịch này bị phá sản, BID đảo chiều giảm mạnh.

Chốt phiên đầu tuần, BID giảm 1.200 đồng/CP xuống 32.600 đồng/CP. Thế nhưng, so với mức “đỉnh” trong ngày, BID đã giảm 1.400 đồng/CP.

Tương tự, VNM giảm 2.800 đồng/CP xuống 125.700 đồng/CP. Nhưng nhiều nhà đầu tư sẽ gánh khoản lỗ lên tới 3.300 đồng/CP nếu mua đúng “đỉnh” 129.000 đồng/CP.

Cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tiếp tục là mã có khối lượng giao dịch nhiều nhất với gần 8 triệu cổ phiếu được trao tay. Đứng sau là FLC, MBB, HPG, SCR,…

Công ty chứng khoán FPTS vẫn chưa đưa ra cái nhìn lạc quan cho thị trường chứng khoán. FPTS nhận định VN-Index vẫn đang duy trì những tín hiệu cảnh báo không mấy khả quan đối với biến động ngắn hạn. Một bộ phận không nhỏ các cổ phiếu đang kiểm định vùng nền giá do đã đánh mất tiêu chuẩn xu hướng trong phiên liền trước.

Do đó, FPTS khuyên đây chưa phải thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời cho những vị thế ngắn hạn. Thay vào đó, nhà đầu tư được khuyến nghị đứng ngoài quan sát và chờ đợi tín hiệu dòng tiền tìm kiếm nhóm cổ phiếu dẫn dắt cho pha tăng điểm mới.

Vy Vy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/bi-up-sot-nha-dau-tu-chung-khoan-thua-lo-tham-d70917.html