Bị tù giam lỏng vẫn thiết lập hệ thống kinh doanh xuyên quốc gia

Vào một ngày tháng 1/1908, thực dân Pháp bất ngờ ập vào trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thu hồi giấy phép của trường, khám xét, tịch thu tài liệu, đồ dùng giảng dạy.

Cách buôn bán thời đó của gia đình cụ cử can cũng hết sức đặc biệt. Bởi vì đang sống trong sự kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, đang thực hiện nghĩa vụ của một bản án - hay nói đúng ra Lương Văn can đang là một tù nhân giam lỏng, nên chuyện buôn bán không được công khai. Hàng hóa được chuyển từ trong nước sang nam Vang bằng một con đường bí mật do bà cử can thiết lập.

Phnompenh đầu thế kỷ 20, thời điểm cụ cử Can phải chịu án 10 năm biệt xứ lưu đày.

Phnompenh đầu thế kỷ 20, thời điểm cụ cử Can phải chịu án 10 năm biệt xứ lưu đày.

Bản án đi đày xa xứ cho người yêu nước

Trong Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du, Lý Tùng Hiếu viết: “Song song với việc phát động phong trào mở trường, lập hội kinh doanh, một số thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục còn có những hoạt động ám trợ cho phái Đông Du - bạo động.

Các cụ Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí tích cực vận động và tuyển chọn người để gửi đi du học. Các cụ Vũ Hoành, Lê Đại, Nguyễn Quyền, Nguyễn Hữu Cương hăng hái vận động những người ghét Pháp và cùng với các binh lính người Việt đóng trong thành Hà Nội cũ bàn kế hoạch nổi dậy hưởng ứng lời kêu gọi bạo động cứu nước của Phan Bội Châu...”.

Không khó gì để thực dân Pháp đánh hơi được sự nguy hiểm của Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ Lương Văn Can, một con người luôn chọn cách ứng xử rất khôn khéo, kín kẽ trước kẻ thù, đã tiên liệu trước được nguy cơ này. Theo tác giả Nguyễn Hiến Lê, một số chí sĩ đã hành động vượt hẳn ra ngoài đường lối của Đông Kinh Nghĩa Thục như mua và chở khí giới về Hà thành, đưa thanh niên lên Yên Thế gia nhập nhóm nghĩa quân của Đề Thám...

Cụ Can đề chủ trương tách hội viên làm hai phe ôn hòa và bạo động. Người theo chủ trương ôn hòa sẽ ở lại điều hành Đông Kinh Nghĩa Thục, phái bạo động sẽ tách ra, lập một tổ chức riêng để hoạt động. Như vậy mới giữ được sự an toàn cho nhà trường. Mọi người đồng tình với ý kiến trên, song chưa kịp thực thi phương án tách nhóm thì trường đã bị đóng cửa.

Trong một bản báo cáo, Pháp đã đề cập tới những ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục như sau: “Hàng loạt thơ ca truyền miệng đã đưa vào tới những vùng thôn quê hẻo lánh. Có những áng văn, những bài thơ đả kích từ ngoài nước bí mật chuyển về, đem rải khắp trong đô thị...

Các cuộc thẩm vấn ở tòa đại hình cho chúng ta biết phương pháp hành động của bọn phát ngôn cho phong trào chống chọi ấy. Họ đọc thuộc lòng những đoạn thơ ca đượm một tinh thần yêu nước rất kích động. Họ đi khắp Đông Dương, tổ chức những buổi họp bí mật và đọc những điều răn mà khẩu khí hùng hồn làm cho thêm phần linh hoạt, và một mặt nữa, vẻ bí mật bao phủ xung quanh họ cũng làm cho câu chuyện họ nói có một sức quyến rũ hơn nữa”.

Vào một ngày tháng 1/1908, thực dân Pháp bất ngờ ập vào trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thu hồi giấy phép của trường, khám xét, tịch thu tài liệu, đồ dùng giảng dạy. Pháp lấy lý do trường có xu hướng chính trị chống “mẫu quốc” và có nhiều dấu hiệu cho thấy có liên quan tới các hoạt động chống Pháp của tổ chức mà cụ Phan Bội Châu đang điều hành ở nước ngoài.

Trước đó, ngày 11/11/1907, Pháp ra lệnh đóng cửa tờ Đăng cổ tùng báo, cơ quan ngôn luận của Đông Kinh Nghĩa Thục. Những người sáng lập ra trường đã có có dự cảm rằng một ngày không xa trường sẽ bị khám xét, nên đã giấu đi hầu hết những tài liệu bí mật. Pháp không có được bằng chứng gì để kết tội những người trong tổ chức của Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng cũng triệu tập cụ Can thẩm tra.

Theo Nguyễn Hiến Lê, cụ cử Can ôn tồn đáp: “Chúng tôi mở Nghĩa Thục để giúp chính phủ khai hóa dân trí, và chính phủ đã cho phép. Từ khi chính phủ rút phép thì chúng tôi thôi, không hoạt động gì cả.”

Việc hai con xuất dương được đưa ra làm “bằng chứng buộc tội”, cụ bình tĩnh giải thích, rằng việc hai con trốn ra nước ngoài, cụ đã thông báo rộng rãi trên báo. Trước thời gian trước đó, cụ Can đã móc nối liên lạc với các chí sĩ yêu nước của Việt Nam Quang Phục Hội, có những cuộc mật đàm với tổ chức này.

Bước vào tuổi 59, cụ cử Can nung nấu quyết tâm làm một chuyến xuất dương để được sát cánh cùng cùng những người đồng chí hướng. Kế hoạch đổ bể sau một vụ đánh bom nhằm vào một đối tượng bán nước. Cụ Can bị Hội đồng đề hình của thực dân tuyên mức án 10 năm lưu đày sang Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia). Con trai cụ là Lương Ngọc Bân cũng bị phạt 10 tháng tù giam.

Hệ thống kinh doanh bí mật

Những tháng ngày bị lưu đày trên đất khách của nhà chí sĩ yêu nước Lương Văn Can là những tháng ngày đầy rẫy gian truân. Ở tuổi 59, sau một thời gian nằm trong nhà lao Hỏa Lò, rồi phải chịu những thiếu thốn vất vả của thân phận tù đày... là những thử thách rất lớn.

Thời đó, khi bị đi đày biệt xứ, do lạ thổ nhưỡng, rồi phải chịu cảnh đói khát, nóng lạnh bất thường... rất ít người sống sót trở về, hoặc khi trở về thì sức đã cùng lực đã kiệt. Nhưng dường như những khổ ải kể trên đã không hề làm cụ nản lòng.

Chuyến ra đi biệt xứ của cụ Cử hoàn toàn không như mọi người hình dung. Không phải chỉ là chuyện làm sao để có thể sống sót lay lắt chờ đợi ngày trở về cố quốc, mà cụ Can đã tạo dựng một cuộc sống ổn định, đàng hoàng. Và hơn thế nữa, cụ còn làm được điều mà ngay cả những người sống trong hoàn cảnh bình thường cũng khó có thể thực hiện nổi.

Nam Vang khi đó là thủ phủ Campuchia, một vùng đất cũng nằm trong trong tầm kiểm soát của thực dân Pháp thời đó. Những người đi đày bị ném vào một thành phố xa lạ, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, một thách thức lớn với bất kỳ ai trên con đường đi đày, phải làm sao để xoay xở lo lấy miếng ăn, nơi ở. Và tại đây, những người bị đi đày vẫn bị chính quyền thực dân quản thúc.

Trong thời gian kiếm kế sinh nhai tại Nam Vang, cụ đã phát hiện ra nơi đây chính là một thị trường đầy tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ. Hàng hóa sơ sài và việc buôn bán cũng không mấy được chú trọng phát triển. Lập tức, cụ đã tìm cách xoay xở làm kinh tế, trước hết để hai cha con đủ sống và lo cho Lương Ngọc Môn có điều kiện ăn học.

Ngoài ra, có thể cụ Cử còn nuôi một ý đồ lớn: muốn gây dựng ngay tại nơi lưu đày một căn cứ của Cách mạng. Điều này cho ta thấy ở Lương Văn Can một sự nhạy bén khác thường trong lĩnh vực kinh doanh. Cụ Can bí mật liên lạc với gia đình, thành lập một đường dây buôn bán xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia.

Để mở được đường dây buôn bán này là cả một quá trình tìm hiểu thị trường rất cặn kẽ, giá cả các mặt hàng hiếm ở Nam Vang và so sánh với giá cả hàng hóa ở Việt Nam. Cụ thuê một căn nhà trên đường An Dương, lập hiệu buôn mang tên Đại Thanh, chuyên buôn bán các loại hàng hóa mang từ Việt Nam sang. Khi đó, người con gái thứ 7 của cụ là Lương Thị Trí cũng sang để phụng dưỡng cha và tham gia vào việc kinh doanh.

Cụ Can còn thu xếp được cho Lương Ngọc Môn đi học trường Tây tại Nam Vang, sau này người con trai út của cụ tốt nghiệp trung học, đi dạy học, rồi về Hà Nội học tiếp ở trường Cao đẳng Đông Dương. Không chỉ dừng lại ở thành công của tiệm buôn Đại Thanh, Lương Văn Can còn mở thêm hiệu buôn mang tên Hưng Thạnh và giao cho con dâu Nguyễn Thị Hồng Đính (vợ của Lương Ngọc Quyến) trông nom. Cách buôn bán thời đó của gia đình của cụ Cử Can cũng hết sức đặc biệt.

Bởi vì đang sống trong sự kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, đang thực hiện nghĩa vụ của một bản án - hay nói đúng ra Lương Văn Can đang là một tù nhân giam lỏng, nên chuyện buôn bán không được công khai. Hàng hóa được chuyển sang Nam Vang bằng một con đường bí mật do bà cử Can thiết lập.

Tài năng Lương Văn Can trong thực tế kinh doanh

Tác giả Lý Tùng Hiếu có viết lại sự kiện này: “Theo kế hoạch của cụ, mọi người chia nhau đi nghiên cứu thị trường rồi kín đáo liên hệ với bà Cử Can ở Hà Nội và các thương gia trong nước, thiết lập một đường dây thương mại bí mật xuyên biên giới, dùng tiếng lóng đánh điện tín về Hà Nội và Sài Gòn để đặt hàng đưa sang Nam Vang. Việc buôn bán từ đó phát triển rất nhanh.

Riêng Hưng Thạnh đã phát triển thành một hiệu buôn lớn, tầng trệt bán hàng tấm và tạp hóa, tầng trên đóng giày và làm mũ. Thường xuyên có từ 13-14 công nhân là con cháu của Nguyễn Mậu Kiến và Án sát Nguyễn Ngọc Tương, chí sĩ Cần Vương, do Nguyễn Thị Hồng Đính đưa sang. Nhờ đó, Lương Văn Can và con gái, con dâu đã có một nguồn tài chính dồi dào để trợ giúp các chiến sĩ”.

Có lẽ đây là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của cụ Lương Văn Can, cụ tham gia vào việc làm kinh doanh và thành công ở ngay trên đất khách, trong hoàn cảnh của một người tù bị giam lỏng. Điều đó cho thấy tài năng của cụ trong việc kinh doanh.

Trước đây, cụ cùng những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục hô hào chấn hưng thực nghiệp, cổ vũ nghề kinh doanh buôn bán, thì nay, cụ có điều kiện để thực hành những lý thuyết mà các cụ đề xướng. Từ sự thành công của cụ cử Can, một phong trào buôn bán ở thị trường Campuchia dần dần được hình thành và phát triển rầm rộ.

Sau này, khi cụ mất, một thương nhân ở Sài Gòn đã viết bài báo nhan đề Thương giới Việt Nam đối với lễ truy điệu Lương chí sĩ, đăng trên Đông Pháp thời báo. Trong bài viết có đoạn: “...Ấy đương trong vòng đầy ải đó, không còn cách sanh kế gì nữa, cụ mới lập nhà buôn... thế là cụ đã mở đường cho nhiều người Việt Nam trước kia sợ Cao Miên “ma thiêng nước độc” bây giờ cũng bắt chước sang buôn bán, sau này trở nên rất giàu có. Coi đó thì biết công của cụ không riêng ở phần gốc, mà có cả ở phần ngọn, không riêng ở chánh giới mà có ở thương giới nữa...”.

Như vậy, dù trong cảnh đi đày nhưng Lương Văn Can vẫn không nguôi những nung nấu về đất nước. Cụ đã kinh doanh để kiếm tiền góp phần ủng hộ các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Tinh thần yêu nước đã giúp Lương Văn Can tạo ra những công cụ đấu tranh mới đầy sáng tạo. Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ tồn tại trong 9 tháng. Nhưng 9 tháng đó các chí sĩ yêu nước đã làm cho dân tộc đạt được những bước tiến dài, có thể so sánh bằng bước tiến của nhiều thế kỷ trước.

Đông Kinh Nghĩa Thục như ngọn đuốc sáng soi vào sự tăm tối, gióng một tiếng chuông mạnh mẽ làm thức tỉnh lương tri, ý thức tự cường, nỗi đau mất nước. Đông Kinh Nghĩa Thục cũng giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của thực nghiệp.

Lần đầu tiên trong lịch sử nghề kinh doanh buôn bán được đề cao, như một công cụ để vươn lên, tranh đua cùng các cường quốc trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà nho vứt bỏ phẩm hàm để chuyển sang làm kinh doanh, buôn bán.

Ngôi trường làm việc nghĩa ấy đã có sự đóng góp công sức to lớn của cá nhân Lương Văn Can, với vai trò của người gắn kết các chí sĩ dưới một mái nhà chung để thành lập nên Đông Kinh Nghĩa Thục.

Cũng chính cụ và toàn bộ gia đình đã tận tụy hết lòng, góp công và góp của cho ngôi trường: hiến nhà làm cơ sở cho trường, bán gia sản của ông cha để đóng góp, duy trì hoạt động của trường; 3 người con làm giáo viên tình nguyện cho Đông Kinh Nghĩa Thục.

Bản thân cụ Lương Văn Can vừa là giáo viên, vừa là thục trưởng, vừa là người giữ tiền, vừa soạn sách, tham gia diễn thuyết... Toàn bộ tâm sức của gia đình cụ cử Can đã dồn hết cho mái trường, cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí. Dưới ngọn cờ Đông Kinh Nghĩa Thục, Lương Văn Can hiện lên với tư cách của một nhà giáo đầy tâm huyết, một nhà cách mạng yêu nước tiến bộ.

Lương Văn Can có một nỗi đau riêng: ông có 5 người con trai thì 5 người đều chết từ rất trẻ. Ngoài Lương Ngọc Quyến ghi danh với cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, Lương Ngọc Nhiễm - một du học sinh trong phong trào Đông Du cũng qua đời khi mới ở tuổi 28.

Con trai trưởng là Lương Trúc Đàm, một trong những sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục, người tham gia giảng dạy, viết sách và diễn thuyết, cũng đã qua đời vào 5/1908. Tới năm 1921, con trai thứ 6 là Lương Ngọc Bân chết bệnh. Ít năm sau, tháng 5/1924, Lương Ngọc Môn, con trai út và là người con trai cuối cùng của cụ Can cũng qua đời.

Những người con gái, con dâu của cụ Can đã tiếp tục làm rạng danh cho gia tộc của dòng họ Lương. Người vợ của Lương Ngọc Quyến là Nguyễn Thị Hồng Đính, con của một nhà nho từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục.

Ngay từ thời thiếu nữ, Nguyễn Thị Hồng Đính đã là một phụ nữ lanh lợi, hoạt bát, lại được học hành chu đáo, nổi tiếng về tài cầm kỳ thi họa. Bà từng là người đi tiên phong trong phong trào cắt tóc, để răng trắng. Sau khi kết hôn, Nguyễn Thị Hồng Đính đã cùng chồng đi làm cách mạng, lênh đênh nhiều nơi ở xứ người...

Khi Lương Ngọc Quyến bị bắt ở Hương Cảng và bị thực dân Pháp giải về nước, bà rơi vào cảnh rất bi đát: Đang lúc bụng mang dạ chửa, lại hai nách hai con nhỏ. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một vài người quen, Nguyễn Thị Hồng Đính tìm cách sang Nam Vang với cha chồng, tham gia vào việc buôn bán.

Ban đầu, Lương Văn Can giao cho con dâu trông nom hiệu buôn Hưng Thạnh. Dưới bàn tay quán xuyến của bà, hiệu buôn này làm ăn rất phát đạt. Không dừng lại ở đó, chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ sự khéo léo, nhanh nhẹn, Nguyễn Thị Hồng Đính còn mở thêm một hiệu buôn nữa lấy tên là Nam Gia.

Sau này, khi Lương Văn Can về nước, người con dâu của cụ vẫn tiếp tục hoạt động mà cụ đã gây dựng trên đất khách. Một số hoạt động đáng ghi nhận của bà là vận động Việt kiều ở Nam Vang đấu tranh để yêu cầu Pháp thả cụ Phan Bội Châu (1925) và vận động quyên tiền các kiều bào để gửi về ủng hộ. Bà trở về nước năm 1931, là một trong những người ủng hộ rất tích cực trong các phong trào Tuần lễ vàng, Tấm áo mùa đông binh sĩ...

Có thể nói, cuộc đời của Nguyễn Thị Hồng Đính là chuỗi tháng ngày cống hiến tâm sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 20/1/1995, Chính phủ đã truy tặng bà tấm bằng “Có công với nước”. Năm 2002, nhà nước truy tặng bà Huân chương Độc lập. Một người con dâu khác của nhà cụ cử Can cũng có nhiều đóng góp là bà Nguyễn Thị Vân Thiềm, vợ của Lương Ngọc Bân.

Góa chồng khi tuổi mới ngoài 20, bà buôn bán và đóng góp tài chính cho các chiến sĩ cách mạng. Ngôi nhà số 32 Hàng Ngang của bà trở thành một trong những địa chỉ lui tới của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ đầu đầy gian khó. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình bà được Tổng bộ Việt Minh trao tặng Đồng tiền vàng và tấm bằng “Có công với nước”.

Hoàng Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/bi-tu-giam-long-van-thiet-lap-he-thong-kinh-doanh-xuyen-quoc-gia-d105030.html