Bị từ chối giải hạn vì 'thiếu lễ': Giáo hội Phật giáo nói gì?

Trong bài báo 'Bị từ chối giải hạn vì thiếu lễ 50 nghìn đồng' đã đề cập đến việc chùa Phúc Khánh (Hà Nội) quy định mỗi cá nhân đóng tiền dâng sao giải hạn phải đóng đủ 150 nghìn/người như quy định. Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.

Người dân tập trung đông tại một ngôi chùa để cúng dâng sao giải hạn, mặc dù việc cúng này là trái với giáo lý nhà Phật.

Người dân tập trung đông tại một ngôi chùa để cúng dâng sao giải hạn, mặc dù việc cúng này là trái với giáo lý nhà Phật.

Trong bài báo "Bị từ chối giải hạn vì thiếu lễ 50 nghìn đồng", PV Báo Lao Động đã ghi nhận tại chùa Phúc Khánh, mỗi cá nhân đến đăng ký cúng dâng sao giải hạn phải đóng đủ 150 nghìn đồng/người. Trong đó, có một gia đình 3 người nhưng chỉ đem theo 400.000 và đã bị từ chối vì thiếu 50.000 như quy định.

Sáng 16.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, Hòa thượng (HT) Thích Huệ Thông - Phó Tổng thư Ký (TTK) Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN cho biết, bản thân HT và nhiều lãnh đạo GHPGVN rất quan tâm về thông tin cúng sao giải hạn trong những ngày qua tại một số chùa đã có vấn đề làm ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo.

Người đàn ông bị từ chối cúng dâng sao vì còn thiếu 50.000 đồng. Ảnh: Trần Tuấn.

Theo HT Thích Huệ Thông, quy trình về việc cúng sao giải hạn tổ chức tại một số chùa như Chùa Hà và Phúc Khánh (Hà Nội) mà báo chí phản ánh không phải là nghi lễ hay văn hóa của Phật giáo. Đồng thời, hiện có nhiều ngôi chùa ở Việt Nam không thuộc sự quản lý của GHPGVN mà thuộc sự quản lý của làng xã.

"Hiện Chùa Hà và một số chùa khác không có sư trụ trì, mà chỉ thành lập một Ban tự quản để quản lý chùa. Chùa mà không có sư thì cũng khó để thực hiện công tác hoằng pháp, cũng như thực hiện đúng với quy định của GHPGVN" - HT Thích Huệ Thông nói.

HT Thích Huệ Thông phát biểu tại lễ Tổng kết công tác từ thiện của Phật giáo Bình Dương.

HT Thích Huệ Thông cũng cho biết thêm thông tin, bên Phật giáo có cúng cầu an, tụng kinh dược sư đầu năm chứ không có tổ chức cúng sao giải hạn. Việc cúng cầu an này, là nhằm nguyện cầu cho quốc thái dân an để người dân có thêm niềm tin và sự an lạc trong cuộc sống. Người dân và Phật tử có thể cúng dường theo tùy hỷ, chứ không có bắt buộc phải cúng và cũng không có quy định mức tiền cúng là bao nhiêu.
Trao đổi với PV Lao Động, HT Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS GHPGVN - cho biết, GHPGVN đã nắm được thông tin về việc cúng sao giải hạn tại một số chùa mà báo phản ánh trong mấy ngày qua.

Người dân tham gia lễ cầu an đầu năm tại Quan Âm Tu Viện.

"HĐTS GHPGVN đã có chỉ đạo các Ban, ngành của Giáo hội phối hợp cùng Ban trị sự GHPGVN thành phố Hà Nội để làm rõ những thông tin phản ánh liên quan đến việc cúng sao giải hạn tại một số chùa và thông báo đến báo chí để rộng đường dư luận" - HT Thích Thiện Nhơn nói.
Cũng trong sáng 16.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Tấn Hùng - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ - cho biết, cả nước có hàng chục nghìn ngôi chùa, trong số đó nếu có một vài ngôi chùa không thực hiện đúng chủ trương của GHPGVN thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo.

"Phật giáo chỉ tổ chức cúng cầu an đầu năm, còn cúng dâng sao giải hạn là sự biến hóa của tín ngưỡng dân gian. Nếu việc cúng sao đấy lại biến thành thương mại hóa tại một số chùa như báo Lao Động phản ánh là đi ngược với giáo lý của nhà Phật. Tôi nghĩ, các Ban ngành liên quan của GHPGVN nên vào cuộc chấn chỉnh và giải quyết sự thương mại hóa này, để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của Đạo Phật" - ông Trần Tấn Hùng nói.

Theo Lao động

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/bi-tu-choi-giai-han-vi-thieu-le-giao-hoi-phat-giao-noi-gi-post290586.info