Bị Trung Quốc vượt mặt, ngành ô tô Hàn Quốc ngày một ảm đạm

Ngành ô tô Hàn Quốc trước đây chỉ đứng sau Mỹ, Nhật Bản và Đức, nhưng dần dần bị Trung Quốc, Ấn Độ hay thậm chí là Mexico vượt mặt.

Lợi nhuận ngày một teo tóp

Sản xuất ô tô tại Hàn Quốc đã giảm năm thứ 3 liên tiếp, gây thêm áp lực cho các nhà cung cấp linh kiện khi hãng xe khổng lồ Hyundai Motor chuyển hoạt động lắp ráp ra nước ngoài.

Sản lượng giảm 2% xuống còn 4,03 triệu xe vào năm ngoái, giảm từ mức cao nhất 4,66 triệu vào năm 2011, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc.

Hàn Quốc từ lâu đã được xếp hạng là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản và Đức. Nhưng sau khi nhượng lại vị trí đó cho Trung Quốc, Ấn Độ vượt qua vào năm 2017 và hiện có thể thua cả Mexico, theo Maeil Business Newspaper.

Hyundai Motor, kiểm soát 70% thị trường nội địa cùng với công ty con Kia Motors, đã chuyển sản xuất sang Mexico và Ấn Độ. General Motors gần đây đã đóng cửa một nhà máy ở thành phố Gunsan phía Tây Nam.

Những khó khăn mà Hyundai và các nhà cung cấp phải đối mặt là do những hệ quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc và chi phí chuẩn bị cho công nghệ thế hệ tiếp theo như công nghệ lái xe và chia sẻ tự động, phương tiện kết nối và điện khí hóa.

Điều này đã thúc đẩy kêu gọi thay đổi trong lĩnh vực ô tô của Hàn Quốc khi các nhà cung cấp lớn trên toàn thế giới đang hình thành các liên minh. Một ý tưởng trong số đó là việc Samsung Electronics, SK Hynix hợp tác với Hyundai để sản xuất các linh kiện ô tô khác ngoài chất bán dẫn và pin.

Năm 2018, lợi nhuận hoạt động hợp nhất của Hyundai đã giảm trong năm thứ sáu liên tiếp, giảm 47% xuống còn 2,42 nghìn tỷ won (2,16 tỉ USD) do xuất khẩu vào Mỹ sụt giảm. Doanh số tăng 1% lên 97 nghìn tỷ won. Lợi nhuận hoạt động quy IV.2018 đạt dưới 1 nghìn tỷ won (890 triệu USD) lần thứ năm liên tiếp.

Hyundai xuất khẩu khoảng 60% xe ô tô sản xuất trong nước sang Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông. Khả năng sinh lợi tại các nhà máy và các công ty con của Hàn Quốc dường như đã suy giảm trong bối cảnh doanh số suy yếu ở các khu vực đó. Điều này cũng gây tác động tiêu cực ra ngoài ngành công nghiệp ô tô của đất nước, vì ô tô chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Hàn Quốc.

Nhà cung cấp phải xin bảo hộ phá sản

Một nhà cung cấp thiết bị lái cấp một đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối tháng 12 với một tòa án ở phía đông nam thành phố Ulsan, nơi đặt trụ sở chính và một nhà máy lớn của Hyundai.

Hai nhà cung cấp khác của Hyundai đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 11 - một nhà sản xuất linh kiện nội thất và nhà sản xuất các bộ phận truyền động.

Leehan, một nhà cung cấp các bộ phận nạp khí, cũng chuẩn bị được tái cấu trúc dưới sự quản lý của ngân hàng.

Ngoại trừ Kumho Tyre, được một công ty Trung Quốc mua lại vào năm ngoái, đây là lần đầu tiên các nhà cung cấp của Hyundai làm ăn thua lỗ kể từ khi nhu cầu ô tô sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, theo truyền thông Hàn Quốc.

"Chuỗi hồ sơ bảo vệ phá sản này phản ánh một cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc đang lan rộng," Maeil Business Newspaper nhận định.

Hàn Quốc có khoảng 850 nhà cung ứng cấp một và 8.000 nhà cung cấp cấp hai và cấp ba đang hợp tác với các nhà sản xuất ô tô. Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc tính toán rằng 80% doanh số tại các nhà cung ứng cấp một của đất nước đến từ Huyndai.

Ngoài ra, Hyundai đã sử dụng vị trí thống lĩnh của mình để yêu cầu các nhà cung cấp này cắt giảm chi phí. Ngược lại, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hợp tác với các nhà cung cấp và chia sẻ lợi ích nếu phát triển công nghệ hoặc cắt giảm chi phí thành công.

Ở Hàn Quốc, các nhà cung cấp không nhận được một phần lợi ích thu được và họ phải đối mặt với những hạn chế trong việc làm ăn với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài. Toyota Motor khuyến khích các nhà cung cấp hợp tác với các nhà sản xuất ô tô khác.

Nguồn Nikkei Asian Review

Mạnh Đức

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/bi-trung-quoc-vuot-mat-nganh-o-to-han-quoc-ngay-mot-am-dam-3327978/