Bị 'tố' hủy hoại tài sản người dân, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng đó là việc cá nhân

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng việc làm trên là của cá nhân, không liên quan đến Công ty Lê Thành. Tuy nhiên, bản chất vụ việc có đúng như vậy?

Không liên quan công ty?

Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin trước đó, theo tố cáo, vào khoảng 14h ngày 14/5, trong lúc cả gia đình ông Thạch Quang đi vắng, ông Lê Hữu Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành - viết tắt là Công ty Lê Thành) đã chỉ đạo một nhóm người (mặc áo của Công ty Lê Thành) tự ý phá khóa vào nhà rồi mang đồ đạc ra ngoài, dùng phương tiện phá hủy toàn bộ căn nhà của ông Quang đã ở 20 năm qua.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin đến báo chí, ông Lê Hữu Nghĩa một lần nữa khẳng định, đây là đất do cá nhân ông đứng tên mua chứ không phải Công ty Lê Thành. “Việc một số người vào gỡ chòi và rào lại trên diện tích đất của tôi mà mặc áo của Công ty Lê Thành thì không thể khẳng định họ là người của Công ty Lê Thành. Họ có thể mặc áo gì là quyền của họ, đây là việc của cá nhân tôi và tôi thuê người làm chứ không phải Công ty Lê Thành”, ông Nghĩa nói.

Lý giải về việc cho người và phương tiện phá hủy căn nhà như phản ánh, ông Nghĩa cho rằng: “Vào chiều 14/5, tôi có cho rào lại khu đất để đảm bảo an ninh, chống trộm cho công trình xây dựng liền kề của tôi đang có nhiều đồ đạc, máy móc, thiết bị đắt tiền để trong công trình. Trong quá trình làm hàng rào tạm bằng lưới B40, tôn cũ, có chòi tôn đã bị tháo dỡ trước đó một phần sắp sập và có dây điện nguy hiểm dễ xảy ra chập điện khi trời mưa, gây nguy hiểm cho con người nên các công nhân cho tháo dỡ và cắt dây điện để đảm bảo an toàn”.

Nhóm người mặc áo Công ty Lê Thành vào nhà phá khóa, mang đồ đạc ra ngoài, cho phương tiện vào san phẳng căn nhà ông Quang đang ở

Nhóm người mặc áo Công ty Lê Thành vào nhà phá khóa, mang đồ đạc ra ngoài, cho phương tiện vào san phẳng căn nhà ông Quang đang ở

“Về việc ông Thạch Quang phản ánh tôi đập phá nhà cửa, tôi xin khẳng định tôi không biết ông Quang là ai. Tôi khẳng định bây giờ khu đất tôi đã mua lại của bà Nga hợp pháp và tôi có quyền sử dụng trên mảnh đất đó. Nếu ai có giấy tờ hợp pháp trên khu đất này thì kiện ra tòa để xử lý”, ông Nghĩa cho hay.

Hiểu sai hợp đồng?

Theo ông Nghĩa, ngày 25/3/2019, tại Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan (187 - 189 An Dương Vương, Phường 8, Quận 5), ông Nghĩa và vợ chồng ông Khưu Văn Hưng, bà Huỳnh Thu Nga có ký 4 hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất tại địa chỉ thuộc Phường 16, Quận 8 với tổng giá trị hơn 54 tỷ đồng. Các thủ tục mua bán trên đã được đăng bộ qua tên ông vào ngày 22/4/2019. Trong Hợp đồng công chứng có ghi rõ phần đất ngoài Giấy chứng nhận ông được hưởng.

Ông Lê Hữu Nghĩa tại buổi tiếp xúc trao đổi với báo chí tiếp tục khẳng định, toàn bộ phần đất trên là của ông

Cụ thể, ông Nghĩa đưa ra lập luận và viện dẫn một đoạn trong Điều 1 của hợp đồng: “Phần diện tích ngoài chủ quyền (nếu có) Bên A đồng ý để bên B quản lý, sử dụng hoặc tiến hành thủ tục để được công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu sang cho bên B mà Bên A không đòi hỏi thêm tiền, hay thắc mắc, tranh chấp, khiếu nại về sau…”. Do đó, căn cứ vào nội dung điều khoản này, ông Nghĩa cho rằng, toàn bộ phần đất dư ra cũng là của ông.

Làm rõ vấn đề này, phóng viên đã liên hệ Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan (đơn vị công chứng hợp đồng trên) để xác thực, tuy nhiên, công chứng viên Hoàng Xuân Hoan từ chối cung cấp thông tin với lý do: “Khách hàng (ông Nghĩa) vừa đến đây họ đề nghị tôi không cung cấp gì thêm cho báo chí nữa, nên bây giờ tôi không thể cung cấp cho ai, ý kiến gì hết… Bây giờ trong hợp đồng có tranh chấp thì để tòa án giải quyết”.

Trong khi đó, trả lời báo chí trước đó về nội dung “Điều khoản hợp đồng” nêu trên, đại diện Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan khẳng định, ông Nghĩa hiểu sai điều khoản trong hợp đồng. Công chứng viên Hoan giải thích, đây là điều khoản mẫu của Phòng công chứng cho thêm vào phòng trường hợp sau khi Nhà nước bỏ quy hoạch lộ giới có dư ra vài ba mét thì bên mua được hưởng và chỉ áp dụng cho chính thửa đất giao dịch trong 4 hợp đồng (thửa 267, 457, 413, 33) chứ không áp dụng cho một thửa khác (thửa 42 bị “cưỡng chế” phá nhà nêu trên).

Vị trí khu đất (phần bôi vàng) thuộc một phần thửa 42, tờ bản đồ số 36 trước đây thuộc hành lang bảo vệ kênh rạch, nơi được cho là đang tranh chấp

Còn theo ông Hưng nhận định: “Ông Nghĩa đã “cố tình” hiểu sai điều khoản này để chiếm 476 m² đất tại thửa số 42, tờ bản đồ số 36 của gia đình, thửa này không nằm trong các thửa đã chuyển nhượng. Trên thực tế, phần đất này chúng tôi đang thương thảo và chưa đồng ý bán”.

Đáng nói, theo ông Hưng, mặc dù hai bên chưa thống nhất giá bán đối với phần đất trên, nhưng ông Nghĩa đã tự ý cho người và phương tiện vào “cưỡng chế” nhà và khu đất do ông Quang quản lý và sử dụng 20 năm qua. Việc này hoàn toàn đi ngược lại với thông báo của ông Nghĩa đã ra trước đó gửi ông Hưng và bà Nga vào ngày 22/4 để yêu cầu hai ông bà bàn giao phần đất trong và ngoài chủ quyền: “Trường hợp quý ông, bà không thực hiện yêu cầu này xem như quý ông, bà đã vi phạm các hợp đồng đã ký và tôi sẽ yêu cầu cơ quan thẩm quyền buộc ông, bà phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng, kể cả việc yêu cầu ông, bà phải bồi thường các thiệt hại phát sinh cho tôi”.

Thông báo là vậy, thế nhưng sau đó ông Nghĩa đã tự mình thay mặt cơ quan chức năng thực hiện việc “cưỡng chế”, khiến người dân bức xúc.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 6/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có công văn chuyển đơn tố cáo của ông Thạch Quang đến Giám đốc Công an TP HCM để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Cũng ngay sau đó một ngày (ngày 7/6), Ban tiếp Công dân Trung ương (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cũng có văn bản về việc chuyển đơn của ông Quang sang cơ quan điều tra Công an TP HCM để điều tra làm rõ.

Công văn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chuyển đơn của ông Thạch Quang sang Cơ quan điều tra Công an TP HCM xem xét xử lý

Dấu hiệu hình sự

Liên quan đến vụ việc trên, theo Luật sư Nguyễn Hoàng Diễm, Đoàn Luật sư TP HCM nhận định: Theo quy định của pháp luật, trong trường có xảy ra tranh chấp, thì một trong hai bên phải gửi đơn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra tòa án để được giải quyết. Chỉ khi nào có bản án của Tòa án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật thì việc tổ chức cưỡng chế được giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện và phải tuân thủ theo một trình tự luật định. Nếu tổ chức, cá nhân tự ý thực hiện việc “cưỡng chế” thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố theo quy định của pháp luật hình sự.

Cũng theo Luật sư Diễm phân tích: Trong vụ việc này, khi các bên có tranh chấp, nhưng chưa đưa vụ việc khởi kiện ra tòa và chưa có bất cứ một bản án hoặc quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền, nhưng nhóm công nhân, bảo vệ xuống nhà người dân đang ở phá khóa vào nhà rồi mang đồ đạc ra ngoài, dùng máy móc đập phá, san phẳng nhà của người dân là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật hình sự, cụ thể là “Tội xâm phạm chỗ ở người khác” được quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự và “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả gây ra mà có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Trọng Vũ

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bi-to-huy-hoai-tai-san-nguoi-dan-giam-doc-cong-ty-le-thanh-cho-rang-do-la-viec-ca-nhan-d2068328.html