Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì để mẹ khỏe, con phát triển tốt?

Dinh dưỡng trong suốt thai kỳ là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên với những người bệnh tiểu đường thai kỳ thì việc cân bằng dinh dưỡng lại không hề dễ!

Mặc dù đã cảnh báo nhiều lần từ bác sĩ, trường hợp thai nhi chết lưu do mẹ bị tiểu đường thai kỳ vẫn diễn ra hằng năm. Mẹ nên hết sức cẩn thận, theo dõi thai kỳ thường xuyên để bé cưng được chào đời khỏe mạnh.

Nhiều trường hợp, người mẹ khi đã quyết định sinh mổ ngay từ đầu, đều có quan niệm rằng đã sinh mổ thì ăn cho thật nhiều chất bổ, tẩm bổ cho em bé nặng ký để sinh con ra cho tròn trịa, bụ bẫm. Tuy nhiên nếu mẹ và con cùng tăng cân nhanh trong thời gian mang thai, dẫn đến nhiều nguy cơ, trong đó em bé có thể bị béo phì, tiểu đường và trường hợp xấu nhất là thai chết lưu hoặc chết ngay sau khi lọt lòng mẹ được vài giờ.

Dinh dưỡng cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ để mẹ khỏe con phát triển toàn diện. Ảnh minh họa

Ăn uống đúng cách khi bị tiểu đường thai kỳ

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ được khuyến khích ăn từng lượng nhỏ một cách thường xuyên và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh. Lựa chọn thực phẩm đa dạng và hấp dẫn giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều chất xơ.

Để kiểm soát mức đường trong máu, phải phân bố các thực phẩm chứa carbohydrate đều vào ba bữa chính và 2-3 bữa phụ mỗi ngày. ảnh minh họa

Carbohydrates

Carbohydrates là thực phẩm được cơ thể chuyển hóa thành đường glucose, bao gồm trái cây, gạo, ngũ cốc, bánh mì nguyên hạt, mì ống, khoai tây, khoai lang, bắp ngô, các loại đậu, trái cây, sữa, sữa chua... Để kiểm soát mức đường trong máu, phải phân bố các thực phẩm chứa carbohydrate đều vào ba bữa chính và 2-3 bữa phụ mỗi ngày.

Các loại thực phẩm chứa carbohydrate ít giá trị dinh dưỡng, hạn chế dùng là đường, nước ngọt, nước ép trái cây, bánh ngọt, bánh quy.

Chất béo

Ưu tiên chất béo chưa bão hòa như dầu oliu, bơ, các loại hạt. Hạn chế ăn thịt mỡ, da và các thức ăn chế biến sẵn. Ưu tiên uống sữa giảm béo.

Chất đạm

Nên ăn hai phần nhỏ mỗi ngày thực phẩm nhiều đạm như thịt nạc, gà bỏ da, cá, trứng. Các loại thực phẩm này không làm tăng đường máu. Sữa, sữa chua, các loại đậu là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng nhưng cũng chứa nhiều carbohydrate.

Canxi và chất sắt

Nhu cầu canxi và chất sắt của cơ thể tăng trong thai kỳ. Nên dùng 2-3 bữa thực phẩm giàu canxi mỗi ngày như sữa, sữa chua hoặc phô mai. Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, gà, cá. Nếu bạn ăn chay, có thể cần dùng thêm thuốc bổ sung chất sắt.

Các loại thực phẩm khác

Ăn thoải mái thực phẩm giàu dinh dưỡng không gây tăng cân và tăng đường quá mức như dâu tây, chanh dây và tất cả loại rau củ, ngoại trừ khoai tây, khoai lang, bắp ngô, các loại đậu. Nên ăn nhiều rau, ít nhất hai lần mỗi ngày.

Nước uống và đường ăn kiêng

Thức uống tốt nhất là nước đun sôi để nguội, nước lọc đóng chai hoặc nước khoáng. Tránh nước ngọt, nước có ga, nước có chứa cafein. Nước ngọt dành cho người ăn kiêng hoặc các chất tạo ngọt không năng lượng như đường ăn kiêng, đường thuốc thật sự không phải vô hại, vì vậy hạn chế sử dụng.

Duy trì vận động

Hoạt động với cường độ trung bình nhằm duy trì mức đường trong máu ổn định. Cường độ hoạt động "trung bình" có nghĩa là mức hoạt động đủ làm tăng nhẹ hơi thở và nhịp tim ghi nhận được. Nếu không có bệnh lý sản khoa hoặc nội khoa nào đặc biệt, bạn có thể tập thể dục một cách an toàn khi mang thai.

Sau khi sinh

Thông thường tiểu đường thai kỳ sẽ hết sau khi sinh. Thông thường 6 tuần sau khi sinh, người mẹ phải kiểm tra đường máu để đảm bảo đã trở về bình thường. Phụ nữ tiểu đường thai kỳ sẽ tăng nguy cơ phát triển tiểu đường tuýp 2, nên kiểm tra tầm soát ít nhất 2-3 năm một lần.

Duy trì trọng lượng thích hợp, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên.

Có nên cho con bú khi bị tiểu đường thai kỳ?

Khuyến khích tất cả bà mẹ cho con bú, bao gồm mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Bú sữa mẹ là khởi đầu hoàn hảo nhất cho em bé và có thể giúp bạn giảm cân.

Một số lưu ý dành cho mẹ

– Không nên ăn quá nhiều trong một lúc vì có thể làm đường huyết tăng đột ngột cũng như tạo thời gian cho insulin chuyển hóa năng lượng. Theo đó, trong 3 bữa chính bầu chỉ nên ăn ít và ăn thêm vài bữa phụ.

– Tuyệt đối không kiêng khem quá mức vì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.

– Trong sữa bầu có rất nhiều đường vì vậy cần cân nhắc trước khi uống. Sữa tươi không đường vừa tốt cho mẹ mà vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

– Tránh xa các loại thức ăn có đường như bánh, kẹo, nước ngọt…

– Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý bầu cần phải dành thời gian để tập luyện thể dục vừa giúp kiểm soát bệnh vừa giúp cơ thể có sức khỏe tốt hơn.

Và bạn cũng đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất cứ vấn đề nào bạn băn khoăn trong chế độ ăn như tiểu đường thai kỳ nên ăn gì hay việc luyện tập của mình có an toàn cho thai nhi không? Dù bị tiểu đường thai kỳ nhưng bạn vẫn có thể có thai kỳ an toàn, sinh con khỏe mạnh nếu biết cách chăm sóc bản thân và con yêu một cách khoa học.

Thu Hà t/h

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/dinh-duong-cho-cac-me-bau-bi-tieu-duong-thai-ky-de-me-khoe-con-phat-trien-toan-dien-523783.htm