Bị thương vì nghịch súng của CA xã: Làm rõ trách nhiệm khi cất giữ công cụ hỗ trợ

Anh Hữu mở cốp xe của ông Mạnh phát hiện khẩu súng bắn đạn cao su bèn cầm đi và nghịch. Bất ngờ súng cướp cò phát nổ khiến anh này bị thương nặng.

Nghịch súng cao su của công an xã, một người nguy kịch

Ngày 23/10, ông Nguyễn Đức Tuần, Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong (H.Chư Sê, Gia Lai), xác nhận trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ một người dân bị thương do súng bắn đạn cao su cướp cò.

Đạn cao su (Hình minh họa).

Theo thông tin ban đầu của UBND xã Bờ Ngoong, khoảng 23h30 ngày 20/10, anh Lê Văn Hữu (20 tuổi, trú làng K’pó, xã Bar Măih, H.Chư Sê) ngồi chơi với ông Vũ Văn Mạnh, Phó trưởng Công an xã Bờ Ngoong, tại một quán cà phê ở đối diện UBND xã.

Thấy điện thoại hết pin, anh Hữu hỏi mượn cục sạc thì ông Mạnh bảo mở cốp xe máy của mình lấy. Anh Hữu mở cốp xe của ông Mạnh phát hiện khẩu súng bắn đạn cao su bèn cầm luôn khẩu súng này quay lại quán.

Khi anh Hữu đang nghịch súng thì bất ngờ súng cướp cò phát nổ khiến anh Hữu bị thương nặng ở đầu và phải cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Để tìm hiểu những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, báo Người Đưa Tin xin giới thiệu bài viết của luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Làm rõ trách nhiệm khi cất, giữ công cụ hỗ trợ trong cốp xe máy

Luật sư Vũ Quang Bá.

Theo pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các loại súng dùng để bắn đạn cao su được xem là công cụ hỗ trợ. Về nguyên tắc, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ theo quy định.

Theo đó, người được giao công cụ hỗ trợ phải có trách nhiệm bàn giao lại công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao. Trong trường hợp do yêu cầu công tác, chiến đấu, được cơ quan, đơn vị cho phép mang về nhà riêng phải cất giữ cẩn thận, bảo đảm an toàn. Do đó, cần làm rõ việc Phó trưởng công an xã cất giữ súng đạn cao su trong cốp xe khi đang thực hiện công vụ hay không? Hoặc được phép mang về nhà riêng hay không.

Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm khi cất, giữ công cụ hỗ trợ trong cốp xe máy, trong khi đồng ý cho anh Hữu mở cốp nơi để công cụ hỗ trợ.

Hiện nay, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định việc xử phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đống đối với hành vi cho mượn công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 9 tháng đến 12 tháng.

Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) có quy định về tội Thiếu trách nhiệm trong việc giữ công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 235.

Theo đó, người nào được giao công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Tuy nhiên, theo quy định nêu trên thì sẽ xảy ra bất cập khi chỉ xác định hậu quả gây ra đối với “người khác” mà không quy định đến trường hợp người sử dụng công cụ hỗ trợ gây hậu quả cho chính mình. Do đó, thiết nghĩ cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp này.

Đối với hành vi mượn công cụ hỗ trợ cũng sẽ bị xem xét áp dụng mức phạt tiền tương ứng như hành vi cho mượn công cụ hỗ trợ được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Ls.Vũ Quang Bá

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bi-thuong-nang-vi-nghich-sung-cao-su-cua-cong-an-xa-a344275.html