Bị thương, không có mảnh kim khí trong người không giải quyết!?

Bị thương nặng trong lúc làm nhiệm vụ san lấp hố bom mở đường thông xe quốc phòng năm 1968, bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1944, trú tại thôn Đông Vinh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được đồng đội đưa đi cấp cứu và thoát chết. Trở lại đời thường, mang nhiều vết thương trên cơ thể, bà đã được các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương hoàn tất thủ tục theo quy định để trình cấp có thẩm quyền giải quyết chế độ thương binh. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ cho bà Hồng đã vấp phải rào cản của sự quan liêu: Vết thương dứt khoát phải có mảnh kim khí trong người mới được giải quyết!?

Bài 1: Chạy theo Thông tư

Nhận được đơn đề nghị của bà Hồng gửi đến Báo Biên phòng, phóng viên đã vào cuộc điều tra, xác minh và được biết cụ thể sự việc như sau: Bà Nguyễn Thị Hồng tham gia cách mạng, là chiến sỹ dân quân tại địa phương từ năm 1964 đến tháng 5-1965. Từ tháng 6-1965 đến tháng 7-1978, bà là công nhân Lâm trường Cẩm Kỳ (nay là Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ), chuyên làm đường quốc phòng, san lấp hố bom tại đường 22, thuộc địa bàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng và các vết thương trên 2 cánh tay do bị thương vào sáng 9-4-1968 trong lúc làm nhiệm vụ san lấp hố bom. Ảnh: X.H

Sáng 9-4-1968, bà thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom tại Khe Ly Bi, cột số 14, đường 22 cùng đơn vị Thanh niên xung phong và bộ đội để thông xe quốc phòng phục vụ chiến đấu. Đến khoảng hơn 8 giờ, máy bay địch phát hiện mục tiêu, trút bom xuống khu vực công nhân, Thanh niên xung phong và bộ đội đang san lấp hố bom. Trận bom làm nhiều đồng chí hy sinh và bị thương. Bà Hồng bị thương rất nặng, được đồng chí, đồng đội kịp thời đưa đi cấp cứu nên đã thoát chết. Theo hồ sơ, bà Hồng bị 5 vết thương: 1 vết ở đầu; 2 vết ở tay phải; 2 vết ở tay trái; gãy ngón tay út phải; gãy cánh tay trái.

Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh, bà Hồng được trở lại đơn vị tiếp tục công tác. Tuy nhiên, sau khi bị thương, sức khỏe yếu, bà Hồng được đơn vị cho nghỉ mất sức lao động theo quy định tại Nghị định 163/CP, ngày 4-7-1974 và được chi trả chế độ hàng tháng với thời gian bằng ½ thời gian công tác kể từ ngày 1-4-1978 đến 16-1-1985 và thôi cho hưởng chế độ ngay sau đó khi hết thời gian quy định.

Trở về địa phương, do ít hiểu biết về chế độ chính sách, nên bà Hồng chưa kê khai để làm chế độ chính sách được Nhà nước ưu đãi. Đến năm 1982, trong một trận bão lớn, căn nhà tranh tre vách đất ọp ẹp của bà bị bão hất tung, cuốn theo toàn bộ giấy tờ về vụ việc bị thương của bà. Thế là bà Hồng không làm được chế độ chính sách theo quy định.

Năm 2003, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại Thông tư 16/1998/TT-BLĐTBXH-BQP-BCA, ngày 25-11-1998, bà Hồng đã làm hồ sơ kê khai theo quy định và đã được các cơ quan chức năng từ thôn xóm, các hội, chính quyền địa phương, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ... hoàn tất các thủ tục đúng theo quy định, đồng thời trong hồ sơ, bà Hồng còn có đầy đủ đơn xác nhận của các nhân chứng sống đã từng công tác và chứng kiến việc bà bị thương, đưa bà đi cấp cứu....

Hồ sơ còn được các cơ quan chức năng liên quan bổ sung một số giấy tờ gốc quan trọng như: Biên bản khám nghiệm thương tật, được Hội đồng khám nghiệm là Đội sản xuất của Lâm trường Cẩm Kỳ lúc đó lập tại hiện trường vào ngày 9-4-1968, có đầy đủ thành phần liên quan như: Đội trưởng, Đội phó, Bí thư Chi đoàn, Phụ trách Dân quân tự vệ, Phụ trách Phụ nữ. Biên bản được ông Hồ Văn Khương, Đội trưởng thay mặt Hội đồng ký tên. Đặc biệt, trong biên bản còn ghi rõ tên, số người chết, số người bị thương, trong đó có ghi tên bà Nguyễn Thị Hồng bị thương nặng và các vết thương, vị trí vết thương trên thân thể bà Hồng. Hồ sơ của bà cũng còn được bổ sung Biên bản giám định y khoa, được lập vào ngày 25-4-1978, của Ty Y tế Nghệ Tĩnh, có ghi rõ bệnh do vết thương cũ tái phát; cùng nhiều giấy tờ khác liên quan thể hiện quá trình công tác, bảo hiểm, nghỉ mất sức lao động của bà Hồng...

Khi có đầy đủ các thủ tục theo quy định, hồ sơ của bà Hồng được chuyển lên cơ quan quản lý theo quy định tại Thông tư 16 là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, sau khi xem xét hồ sơ, cơ quan chuyên môn xác định hồ sơ đầy đủ, đúng đối tượng được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Cơ quan này đã hoàn tất thủ tục, đồng thời có Công văn số 1015, ngày 19-4-2005, trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xin ý kiến.

Ngày 4-5-2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 733, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) căn cứ các quy định hiện hành, hồ sơ cụ thể để xem xét, giải quyết, trả lời Sở NN&PTNT và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-5-2005. Tuy nhiên, không hiểu nguyên nhân vì sao mà Sở NN&PTNT tỉnh này không nhận được trả lời của Sở LĐTB&XH, nên việc giải quyết chế độ cho bà Hồng đã không được thực hiện.

Không được trả lời, cũng không rõ nguyên nhân vì sao chưa được giải quyết chế độ, thời gian cứ trôi dài và bà Hồng cứ thấp thỏm chờ đợi. Bao nhiêu năm trời, chế độ cho bà Hồng vẫn không được giải quyết; mặc cho bà cứ một mình lủi thủi vác tấm thân đầy vết thương của bom đạn chiến tranh cùng chồng hồ sơ, đơn thư kiến nghị đi gõ cửa khắp nơi như “van xin”, mong được giải quyết chế độ chính sách cho mình. Thế nhưng “kêu cầu” mãi, bà Hồng vẫn chỉ nhận được những cái “lắc đầu” vô cảm của một số công chức liên quan. Rồi Thông tư 16 hết hiệu lực mà chế độ của bà Hồng đến nay vẫn không được giải quyết.

Ngày 22-10-2013, Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP của Bộ LĐTB&XH, Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, ra đời. Thêm một lần nữa, bà Hồng tiếp tục lần mò nhờ người làm hồ sơ để mong được hưởng chế độ chính sách của mình theo quy định tại Thông tư này.

Người dân, cán bộ xã Cẩm Bình, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và các cấp cơ sở, các thủ trưởng đơn vị, đồng đội cùng công tác ngày xưa với bà hiện đang còn sống trong tỉnh đã giúp bà Hồng hoàn tất hồ sơ theo đúng quy định tại Thông tư 28. Tiếp nhận hồ sơ, Sở NN&PTNT tỉnh này đã hoàn chỉnh hồ sơ và có Công văn số 750, ngày 25-4-2015 gửi UBND tỉnh và Sở LĐTB&XH tỉnh, đề nghị xem xét cấp giấy chứng nhận bị thương và giải quyết chế độ như thương binh cho bà Hồng theo quy định.

Thế nhưng, lần này cũng chẳng khác gì lần trước, sự im lặng vô cảm lại “tái phát”, mặc cho bà Hồng lặng lẽ ôm tấm thân đầy vết tích chiến tranh đi gõ cửa cầu cứu khắp nơi. Chế độ xương máu của bà vẫn không được giải quyết. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Bài 2: Quan liêu, vô cảm

Xuân Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bi-thuong-khong-co-manh-kim-khi-trong-nguoi-khong-giai-quyet/