Bí thư Yên Bái: 'Người đứng đầu mạnh dạn quyết, anh em bên dưới an tâm làm'

Bên hành lang Quốc hội, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã có cuộc trò chuyện với PV về cách 'chữa bệnh' né trách nhiệm của cán bộ.

Làm tốt công tác tư tưởng "mình làm đúng thì không sợ"

Ông nghĩ thế nào về câu chuyện một bộ phận né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai... mà cử tri và đại biểu Quốc hội đã phản ánh?

Tôi cho rằng có nhiều yếu tố, thứ nhất là hệ thống pháp luật chưa thống nhất và đồng bộ. Ngay trong một bộ luật các giai đoạn khác nhau, thì chế độ chính sách cũng khác nhau, dẫn đến cán bộ thực thi lúng túng.

Ví dụ quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các giai đoạn khác nhau thì có những có quy định khác nhau.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Tiếp đến là cán bộ chưa nắm vững, sâu các quy định của pháp luật, nên đôi khi có những quy định đủ rõ rồi nhưng vẫn băn khoăn, sau đó phải hỏi cấp trên.

Thứ 3 là, có tình trạng khi chúng ta đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nhiều cán bộ sai phạm dẫn đến có trường hợp cán bộ sợ làm sai, sợ trách nhiệm, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy.

Ông có thể chia sẻ câu chuyện thực tế ở Yên Bái về hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm?

Hiện tại thì chúng tôi không thấy đó là câu chuyện phổ biến của Yên Bái. Bởi vì, chúng tôi làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên là "mình làm đúng thì không sợ".

Ngoài ra, nếu cán bộ, đảng viên chưa nắm vững, chưa hiểu rõ, thì có thể hỏi các cơ quan cấp trên để được hướng dẫn, giải đáp.

Sát sao từ tỉnh xuống huyện để "đốc" tiến độ giải ngân đầu tư công

Cá nhân ông có bao giờ phải làm công tác tư tưởng để cho các bộ cấp dưới cảm thấy yên tâm để làm việc không?

Tôi cho rằng, phải có có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, từ cấp ủy, tổ chức đảng cho đến chính quyền, cán bộ công chức bên dưới.

Ví dụ như giải phóng mặt bằng (GPMB), quy định của pháp luật mặc dù là rất đầy đủ chi tiết, nhưng không bao phủ hết tất cả tình huống xảy ra trong thực tế. Để GPMB đảm bảo đồng thuận giữ người dân bị thu hồi đất và Nhà nước, với chủ đầu tư thì cần phải vận dụng cơ chế chính sách.

Khi vận dụng có thể đúng hoàn toàn, có thể đúng một phần. Khi đó bản thân cán bộ, công chức mà cứ chiểu theo đúng pháp luật làm thì sẽ khó mà thực hiện. Tại Yên Bái có những Nghị quyết để chính quyền, cán bộ vận dụng những chính sách như vậy.

Làm sao đúng với tinh thần, khi GPMB thì điều kiện tái định cư bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ nhưng cũng không làm trái với quy định pháp luật, không để gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng phải mạnh dạn quyết đáp cho anh em bên dưới an tâm làm việc. Sau nay, các cơ quan thanh tra kiểm tra thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng phải đứng ra giải trình cùng.

Vậy, có trường hợp nào ông phải đứng ra giải trình chưa?

Trước đây, cũng đã có những trường hợp kiểm toán đề xuất, nhưng khi chúng tôi giải trình thì kiểm toán đánh giá việc vận dụng đó là đúng, phù hợp trong bối cảnh cụ thể.

Đến đầu tháng 4/2023, toàn tỉnh Yên Bái giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 700 tỷ đồng, đạt 18,5% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, cao hơn so với trung bình cả nước. Giải pháp nào đã giúp Yên Bái lọt top những tỉnh, thành phố có tốc độ giải ngân khá, thưa ông?

Để giải ngân tốt vốn đầu tư công, chúng tôi bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực để làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư, tiếp đến là quá trình triển khai dự án luôn luôn được kiểm tra, giám sát. Khi phát hiện vướng mắc thì đưa ra những giải pháp tháo gỡ ngay.

Cụ thể, vừa rồi liên quan đến một dự án giao thông trọng điểm đang vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Để đẩy nhanh công tác GPMB dự án này, tỉnh phải biệt phái cán bộ của các Sở, ngành xuống cấp huyện để cùng huyện thực hiện công tác GPMB.

Một trong những yếu tố quan trọng là khâu chuẩn bị đầu tư, để làm được điều này thì cấp ủy phải luôn luôn quan tâm giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

Cách làm của Yên Bái chúng tôi là mỗi quý họp một lần để yêu cầu UBND tỉnh, Sở, ngành, chủ đầu tư báo cáo về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó có những kết luận, chỉ đạo kịp thời. Ví dụ, chúng tôi yêu cầu xây dựng kế hoạch giải ngân cho cả năm, từng quý, từng tháng, cho từng công trình cụ thể.

Tất nhiên việc đặt ra kế hoạch thì không phải lúc nào cũng đạt được 100%, nhưng có mốc thời gian thì sẽ giúp kiểm tra, giám sát, nếu đơn vị nào giải ngân chậm hơn kế hoạch thì sẽ có những giải pháp khắc phục kịp thời.

Xin cảm ơn ông!

Phùng Đô - Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bi-thu-yen-bai-nguoi-dung-dau-manh-dan-quyet-anh-em-ben-duoi-an-tam-lam-d592089.html