Bí thư Tỉnh ủy: Tiếp tục triển khai sâu rộng các nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Tham dự Đại hội Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định, xây dựng giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân vững mạnh là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Tại diễn đàn này, đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để tổ chức hội và phong trào nông dân hoạt động hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và từng địa phương, đơn vị.

5 năm qua, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển đô thị được tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả tích cực, khơi dậy được vai trò chủ thể, tự giác của người nông dân, nhất là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.

Toàn tỉnh đã có 115 xã đạt chuẩn NTM, trên 230 khu dân cư NTM kiểu mẫu, hơn 2.400 vườn mẫu NTM đạt chuẩn. Thu nhập và đời sống người nông dân được cải thiện đáng kể, từ 14 triệu đồng tăng lên 28 triệu đồng.

Đến nay, không chỉ đạt chuẩn mà có 5 xã phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu; các huyện đang thi đua phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM, trong đó có 3-4 huyện đang nỗ lực để đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018-2020.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn biểu dương và chúc mừng những kết quả đạt được của các cấp hội và hội viên, nông dân toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh một số vấn đề để đại hội thảo luận, xem xét đưa vào nghị quyết nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ tới. Trọng tâm là:

Thứ nhất, các cấp hội phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 và Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Đặc biệt, kết quả chương trình xây dựng NTM chỉ là bước đầu, không có điểm kết thúc, do vậy phải tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong các cấp hội và hội viên, nông dân, đưa phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh đi vào chiều sâu, thiết thực hơn.

Thứ hai, đẩy mạnh các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân phát động, gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh và các địa phương.

Phong trào thi đua phải thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng và thu hút được hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng tham gia; phong trào phải đem lại lợi ích thiết thân cho chính người nông dân, mục tiêu cao nhất là thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân; lấy chỉ tiêu thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân làm thước đo kết quả hoạt động của các cấp hội.

Trong các phong trào chung, tổ chức hội cần chú trọng thực hiện thật sự hiệu quả phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh; phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Tùy từng nơi, phong trào phải tổ chức cho phù hợp, tránh phô trương, hình thức, thiếu thiết thực.

Thứ ba, làm tốt việc tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân, như: Dạy nghề, giới thiệu việc làm, tập huấn, chuyển giao công nghệ, phối hợp cho nông dân vay vốn, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế, hợp tác xã, tổ hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản.

Chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và ngành nghề nông thôn nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao. Chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật. Nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Tăng cường dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh, dịch bệnh. Luôn xác định phát triển sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường.

Thứ tư, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa 12). Tiếp tục thực hiện có chiều sâu việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, hội viên, nông dân.

Xây dựng các cấp hội thực sự là vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân và chương trình xây dựng NTM theo tinh thần Kết luận số 61 của Ban Bí thư về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.

Thứ năm: Tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng, hoàn thiện các chính sách bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Tích cực tham gia phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

Thứ sáu: Quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đề cao vai trò của cộng đồng, các câu lạc bộ trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương; chủ động tham gia và phối hợp quảng bá hàng hóa nông sản, văn hóa Hà Tĩnh trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, không để kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo nông dân dẫn đến vi phạm pháp luật; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn.

Nhóm P.V

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/bi-thu-tinh-uy-tiep-tuc-trien-khai-sau-rong-cac-nghi-quyet-ve-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon/160835.htm