Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình lên tiếng về đại dự án du lịch

"Trước khi triển khai dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình, tỉnh Ninh Bình đã hỏi ý kiến các nhà khoa học và làm việc với các cục, vụ, viện của Bộ NNPTNT... Quan điểm của tỉnh là không vì một dự án du lịch mà “phá vỡ” nhiệm vụ quan trọng của tỉnh là phòng chống thiên tai và giải quyết vùng thoát lũ của sông Hoàng Long".

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã chia sẻ như trên khi trả lời phỏng vấn Báo NTNN/Dân Việt về đại dự án du lịch Kê Ga- Vân Trình mà tỉnh Ninh Bình đang tiến hành khởi động.

Bà Nguyễn Thị Thanh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Thưa bà, bà kỳ vọng như thế nào về đại dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình mà tỉnh Ninh Bình đang triển khai và tại sao tỉnh Ninh Bình lại lựa chọn địa điểm này để làm du lịch?

- Dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình là ý tưởng lớn của doanh nghiệp Hoàng Trường (Ninh Bình). Chúng tôi thấy cảnh quan của vùng này rất phù hợp với một dự án tổng hợp về du lịch. Bởi vậy chúng tôi rất muốn khai thác yếu tố mà trước đây vẫn nói là chiêm khê, mùa úng để mang lại lợi ích cho bà con nơi đây.

Dù mới được xây dựng và đưa vào sử dụng song 2 sân golf của Ninh Bình gồm sân golf hồ Yên Thắng và sân golf Tràng An rất thưa thớt khách. (ảnh chụp ngày 14.2, sân golf hồ Yên Thắng (Yên mô) vắng bóng khách chơi). Ảnh: Trần Quang

Để giải quyết câu chuyện chuyển đổi vùng đất trũng sang các loại hình kinh tế khác, với các địa hình núi non, sông nước phong cảnh hữu tình của vùng Gia Viễn – Nho Quan, nếu có một dự án tổng hợp về du lịch sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chỉ cấy một vụ lúa.

Tôi cũng xin nói rằng, việc thực hiện tất cả các dự án đều nhằm mục đích cho dân được hưởng lợi tốt hơn. Do vậy, đối với các khu dân cư hiện hữu không ảnh hưởng đến dự án, chúng tôi vẫn giữ nguyên. Dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình mang tính chất là dự án du lịch, song vẫn phát huy tối đa văn hóa sở tại, hay có thể nói là vẫn lưu giữ các giá trị truyền thống của vùng đất này. Đối với các vùng dân cư phải chuyển đi trong trường hợp dính vào các công trình như hồ, sân golf… tỉnh mới di chuyển đến nơi tái định cư. Nhưng tinh thần chung là làm sao để đời sống của bà con phải tốt hơn khi dự án chưa vào.

Tỉnh rất ý thức được việc triển khai xây dựng dự án sẽ khiến áp lực lũ trên sông Hoàng Long gia tăng nên tỉnh đã làm việc với các nhà khoa học để giải quyết vấn đề khoa học nắn dòng cũng như các công trình hạ tầng khác, đảm bảo cho dự án này thành công”.

Bà Nguyễn Thị Thanh

Nhiều chuyên gia thủy lợi lo ngại, nếu tỉnh triển khai đại dự án du lịch trên sẽ làm mất đi vùng tích trữ lũ. Điều này có khiến áp lực thoát lũ vào mùa mưa trên sông Hoàng Long theo đó gia tăng?

- Thực ra, trước khi có một dự án lớn như vậy, chúng tôi đã phải tranh thủ tìm hiểu ý kiến của các nhà khoa học và chúng tôi đã làm việc với các cục, vụ, viện của Bộ NNPTNT. Đương nhiên là không vì một dự án du lịch mà phá vỡ một nhiệm vụ rất quan trọng của tỉnh, đó là vấn đề liên quan đến phòng chống thiên tai, bão lũ và giải quyết vùng thoát lũ của sông Hoàng Long cũng như giải quyết vùng thoát lũ của khu vực Hà Nội và các tỉnh phía trên.

Dự án được triển khai trên một diện tích rất rộng lớn và sẽ ảnh hưởng tới nhiều hộ dân. Vậy sau khi thực hiện dự án, tỉnh đã tính toán sẽ tạo công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp được cho bao nhiêu lao động trong vùng bị ảnh hưởng từ dự án, thưa bà?

- Để thực hiện dự án lớn này, chúng tôi đã thuê các chuyên gia, tổ chức quốc tế tư vấn. Nếu nói về việc dự báo cho việc sử dụng lao động thì rất lớn, có thể tới vài nghìn lao động. Tuy nhiên, trước mắt tỉnh phải phân kỳ đầu tư và chia ra các giai đoạn chứ không thể làm cùng một lúc.

Được biết, trong đại dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình có hạng mục công trình sân golf. Theo bà, có thực sự cần thiết làm thêm sân golf nữa không khi Ninh Bình đã có 2 sân golf?

- Hiện nay, Ninh Bình đang có 2 sân golf, trong đó có sân golf hồ Yên Thắng (huyện Yên Mô) đã đi vào hoạt động khá tốt và gần đây, trong tỉnh cũng đã triển khai một dự án sân golf khác là sân golf Tràng An (huyện Nho Quan). Theo chúng tôi đánh giá, việc sử dụng sân golf để bổ trợ cho du lịch ở Ninh Bình là rất phù hợp.

Còn câu chuyện có ít hay nhiều sân golf, tôi cho rằng quan trọng nhất là sân golf đặt ở đâu thì hợp lý và phát huy tác dụng, chứ không phải nhiều hay ít ở một vùng nào. Tôi nghĩ rằng có thêm sân golf cũng rất quan trọng cho quần thể du lịch của Ninh Bình, nhất là đại dự án du lịch Kênh Gà – Vân Trình.

Xin cảm ơn bà!

Bộ NNPTNT: Chưa làm rõ sự phù hợp với quy hoạch chống lũ

Vừa qua, Bộ NNPTNT đã có công văn phúc đáp công văn của Văn phòng Chính phủ đề nghị tham gia ý kiến đối với kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Bình về việc bổ sung sân golf khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình trong quy hoạch phát triển hệ thống sân golf đến năm 2020.

Dự án sân golf Kênh Gà – Vân Trình 18 lỗ dự kiến sử dụng 75,89ha hiện không có trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Ninh Bình. Hồ sơ dự án chưa đánh giá tình hình triển khai thực hiện, hiệu quả đầu tư các dự án sân golf trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 26.5.2014. Do đó, chưa làm rõ sự cần thiết bổ sung dự án sân golf Kênh Gà – Vân Trình vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Công văn cũng nêu rõ, dự án phải đảm bảo an toàn về đê điều, phòng chống lũ và tuân theo quy định của pháp luật về đê điều. Dự án có sử dụng đất bãi sông Hoàng Long, do đó đề nghị tỉnh Ninh Bình bổ sung hồ sơ để làm rõ dự án phù hợp hay không phù hợp với quy hoạch điều chỉnh phòng chống lũ sông Hoàng Long được HĐND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 4.8.2016. Bên cạnh đó, hồ sơ dự án chưa có thông tin về các công trình tiêu thoát nước qua đê, các công trình phục vụ tưới tiêu ở bãi sông và ảnh hưởng của dự án tới các công trình này, do đó Bộ chưa có cơ sở để tham gia ý kiến.

Đăng Quang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/bi-thu-tinh-uy-ninh-binh-len-tieng-ve-dai-du-an-du-lich-761222.html