Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh: Bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết

Đây là nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh tại buổi làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An về những biện pháp cấp bách trước những diễn biến mưa lũ do cơn bão số 4 gây ra.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết do hoàn lưu cơn bão số 4, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung cho công tác đối phó, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Ảnh: Đào Tuấn.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết do hoàn lưu cơn bão số 4 gây ra, nhất là đối với các huyện miền Tây Nghệ An, chiều 17/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã triệu tập cuộc họp tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An.

Cùng chủ trì cuộc làm việc có đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Dự họp có đồng chí Trần Văn Hùng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN), do hoàn lưu của cơn bão số 4 tổng lượng mưa từ ngày 16/8 đến 7 giờ ngày 17/8 phổ biến từ 110 - 250 mm. Đặc biệt, trên khu vực miền Tây Nghệ An nước lũ từ Lào không ngừng đổ về kết hợp với mưa lớn đã gây ngập úng, sạt lở nhiều nơi. Trong khi đó, hiện nay địa bàn Nghệ An cótrên 625 hồ đập lớn nhỏ. Trong đó, hơn 533 hồ do địa phương quản lý hiện đã đầy nước 414 hồ, các hồ còn lại đạt 70 đến 80% dung tích thiết kế; 95 hồ đập do doanh nghiệp thủy lợi quản lý, đến ngày 16/8 có 52 hồ đầy nước; 38 hồ có dung tích trên 70 %. Tỉnh có 2 hồ lớn là Vực Mấu và Sông Sào đều đã tiến hành xả nước, trong đó hồ Vực Mấu xả cửa tràn số 3 với lưu lượng xả 93,38 m3/s; hồ sông Sào xả cửa tràn số 2 với lưu lượng xả 165 m3/s.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Về các công trình thủy điện, dọc theo Quốc lộ 7 từ huyện Con Cuông lên Kỳ Sơn có nhiều công trình thủy điện được xây dựng theo địa hình bậc thang. Trong đó, hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) hiện tại lưu lượng nước về hồ là 3.309,0m3/s. Vào lúc 15h ngày 17/8, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành lệnh vận hành xả lũ với lưu lượng xả từ 1.000 - 2.500m3/s.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó GĐ Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh thông tin nhanh về tình hình mưa lũ. Ảnh: Đào Tuấn

Tại Hồ thủy điện Khe Bố (Tương Dương), lưu lượng về hồ 1.888 m3/s, tổng lưu lượng xả: 1.888 m3/s, trong đó lưu lượng chạy máy: 487,0 m3/s và lưu lượng xả qua tràn: 1401,0 m3/s. Đối với hồ thủy điện Chi Khê (Con Cuông): lưu lượng xả: 2.214,0 m3/s trong đó lưu lượng qua tổ máy: 487,0 m3/s và lưu lượng qua tràn: 1.727,0 m3/s. Tại huyện Quế Phong, Nhà máy thủy điện Châu Thắng: lưu lượng về hồ: 568,37 m3/s; lưu lượng xả: 507,55 m3/s, trong đó lưu lượng qua tổ máy: 72,0 m3/s và lưu lượng qua tràn: 435,55 m3/s;

Các nhà máy thủy điện nhỏ khác trên địa bàn tỉnh đang vận hành bình thường theo đúng quy trình.

Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, hiện một số nhà máy thủy điện đã xả lũ nhưng đây không phải là nguyên nhân gây ngập úng. Ảnh: Đào Tuấn

Do mưa lũ và sạt lở, hiện tại nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị chia cắt. Đáng chú ý là các điểm ngập úng trên Quốc lộ 15, một số vị trí thuộc Quốc lộ 48; 48B, 48E và các tuyến tỉnh lộ như: đường 531B, 534B, 541.

Hiện nay mực nước thượng nguồn sông Cả tiếp tục lên nhanh, có 3 bản của xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) là Chà Ngư, Nhọt Lợt, Xốp Dương bị ngập lụt và chia cắt hoàn toàn. Cũng tại Kỳ Sơn đã có 4 người bị nước lũ cuốn trôi. Do lũ, huyện Quỳ Châu đã di dời 7 hộ dân thuộc xã Châu Phong.

Đại tá Trần Văn Hùng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh cho biết đã sẵn sàng lực lượng và phương tiện để hỗ trợ nhân dân khi cần. Ảnh: Đào Tuấn

Tại huyện Quỳnh Lưu, có 168 hộ dân bị nước tràn vào nhà. Theo báo cáo của huyện có 408 ha lúa và 320 ha hoa màu bị ngập; hàng chục ao hồ, diện tích nuôi cá nằm sâu dưới nước lũ. Đặc biệt tuyến đê biển có nguy cơ vỡ dài 350m; kênh tiêu bị sạt lở, hư hỏng dài 7.200m; đê ngăn bị sạt lở dài 1.400m...

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Sau khi nghe đại diện các sở, ngành báo cáo tình hình mưa lũ và các giải pháp phòng chống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết, từ sáng 17/8 UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương túc trực, theo dõi diễn biến mưa lũ để có biện pháp kịp thời. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tiếp tục cắt cử người bám địa bàn nhằm hỗ trợ người dân vùng ngập lụt, đặc biệt thực hiện di dời kịp thời người dân vùng ảnh hưởng; tập trung bám sát, theo dõi các hồ đập thủy lợi và thủy điện để bảo vệ cũng như đề phòng các tình huống có thể xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu di dời ngay 34 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Nậm Nơn thuộc xã Lượng Minh (Tương Dương); đề nghị các huyện trực 24/24 và cập nhật liên tục tình hình mưa lũ về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An để thống nhất đầu mối chỉ đạo.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, bảo vệ tính mạng, cuộc sống cho người dân là vấn đề quan trọng nhất trong điều kiện hiện nay. Ảnh: Đào Tuấn

Khẳng định, việc bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết, phát biểu chỉ đạo buổi làm việc Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương phải chủ động, sát sao theo dõi tình hình mưa lũ để có phương án kịp thời, hiệu quả. Bí thư Tỉnh ủy còn cho rằng, một trong những việc không kém phần quan trọng là phải quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của người dân vùng bị ngập úng, nhất là trong điều kiện nước từ Lào tiếp tục đổ về khu vực miền Tây gây ra các nguy cơ khó lường. Cho rằng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh giữ vai trò quan trọng trong việc cập nhật thông tin, diễn biến bất thường của mưa lũ, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu Văn phòng cần có sự kết nối chặt chẽ với lãnh đạo các địa phương, tránh bị động, thiếu nắm chắc tình hình.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị rà soát lại những khu vực đã xảy ra ngập lụt và những có nguy cơ để có phương án ứng phó kịp thời. "Nếu mưa tiếp tục kéo dài, nước từ Lào tiếp tục dồn về khu vực miền núi tỉnh ta thì tình huống đặt ra sẽ như thế nào" - Bí thư Tỉnh ủy đặt câu hỏi đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan hết sức tranh thủ thời gian, tiếp cận các khu vực ngập úng và nguy cơ cao để hỗ trợ người dân.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh kết nối chặt chẽ với các địa phương để nắm chắc tình hình mưa lũ. Ảnh: Đào Tuấn

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể, xác định nguyên nhân gây tử vong cho 4 người dân ở huyện Kỳ Sơn ngay khi mưa lũ vừa xảy ra. Qua đó để thông tin, tuyên truyền, cảnh báo người dân các địa phương khác rút kinh nghiệm và phòng tránh. “Tất cả các điểm tràn, vùng có nguy cơ ngập lụt đều phải có cảnh báo và các biện pháp quyết liệt” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo Sở GTVT phải nắm chắc tình hình giao thông các tuyến, vị trí sạt lở nào khắc phục được phải phối hợp với các địa phương tiến hành ngay; Sở Công Thương bám sát theo dõi nhất cử, nhất động tình hình vận hành của các công trình thủy điện nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra. Lưu ý thêm về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng mặc dù việc xả lũ của các hồ thủy điện thường được thông báo trước 4 tiếng đồng hồ, nhưng với đặc thù khu vực miền Tây, người dân đi làm nương rẫy xa nơi ở, khu vực không có sóng điện thoại nên việc liên hệ sẽ khó khăn, chính vì vậy các đơn vị liên quan cần có dự báo, thông báo sớm để người dân biết, tránh các thiệt hại đáng tiếc.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lực lượng vũ trang, nhất là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Các lực lượng công an, biên phòng cũng cần chủ động tham gia hỗ trợ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đào Tuấn

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/bi-thu-tinh-uy-nguyen-dac-vinh-bao-ve-tinh-mang-nhan-dan-la-tren-het-210750.html