Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn: Trọng tâm là chế biến nông sản và du lịch

Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn đã có những chia sẻ với báo chí về những định hướng phát triển của tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn 2020 – 2025.

 Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (bên trái) trao đổi với phóng viên Toán Nguyễn, Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (bên trái) trao đổi với phóng viên Toán Nguyễn, Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Kính thưa Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh, tỉnh Bắc Kạn sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ như thế nào trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, Bắc Kạn đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm. Để triển khai thực hiện, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành khóa XII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) sẽ tập trung chỉ đạo, ban hành một số nghị quyết, chuyên đề để cụ thể hóa 4 nhiệm vụ trọng tâm này làm sao sát với tình hình thực tiễn.

Trên tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ trước, kế thừa và phát huy, nhưng đặt ra yêu cầu cao hơn, cụ thể hơn. Ngoài ra phải ban hành một số cơ chế, chính sách để thực hiện.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ đầu tiên cũng xác định chúng ta phải làm tốt công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức cán bộ. Trong công tác cán bộ cũng xác định trách nhiệm chính về người đứng đầu và đây cũng là khâu đột phá. Có con người tốt, trách nhiệm tốt, người đứng đầu dám nghĩ dám làm thì mới tổ chức được các nhiệm vụ trong tâm đó. Có cơ chế chính sách để hỗ trợ, làm tốt giải phóng mặt bằng để tạo thuận lợi trong xây dựng, phát triển kinh tế.

Thưa Bí thư, định hướng trọng tâm trong việc phát triển kinh tế của Bắc Kạn là gì và giải pháp như thế nào?

Lợi thế của Bắc Kạn là nông - lâm nghiệp và có hồ Ba Bể để phát triển du lịch. Chính vì vậy, sẽ tập trung phát triển rừng và khai thác sản phẩm từ kinh tế rừng.

Ưu tiên phát triển công nghiệp, nhưng tập trung vào công nghiệp chế biến nông nghiệp và sản phẩm lâm nghiệp là chính. Tăng cường chế biến là để tạo chuỗi giá trị sản xuất và tính liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Trước hết phải xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu, mà sản phẩm đó được tốt và có thị trường, thì Bắc Kạn phải cơ cấu lại trong sản xuất. Đầu tiên là phải thành lập thêm các HTX, các tổ hợp tác để liên kết lại trong việc tổ chức sản xuất, vì hiện nay số lượng còn ít.

Bên cạnh việc Nhà nước đầu tư hỗ trợ về chuyện quảng bá các sản phẩm, thì các HTX cũng phải dành một phần nào đó kinh phí cho việc quảng bá sản phẩm của mình.

Ngoài thị trường đang khai thác tốt (như Hà Nội), thời gian tới sẽ phải tập trung khai thác thị trường là các tỉnh lân cận phát triển công nghiệp rất mạnh (như Thái Nguyên, Bắc Ninh) có nhu cầu cao và hướng tới đảm bảo chất lượng, số lượng xuất khẩu.

Trọng tâm phát triển du lịch là hồ Ba Bể, 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Đây là tiềm năng lợi thế của tỉnh Bắc Kạn, nhưng hiện nay chưa khai thác hết được, rất nhỏ. Mà để làm được việc đó, tỉnh Bắc Kạn đã có những bước chuẩn bị từ trước.

Ví dụ như, để khai thác được hồ Ba Bể, đầu tiên là mở tuyến đường mới từ thành phố Bắc Kạn lên hồ Ba Bể, việc này được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư. Ngoài ra, phối hợp với tỉnh Tuyên Quang đề nghị UNESCO công nhận di sản Ba Bể - Na Hang là di sản thiên nhiên thế giới.

Làm được 2 việc này sớm, tốt thì lúc đó sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế của du lịch Bắc Kạn.

Bắc Kạn có nhiều điểm vừa du lịch về sinh thái, vừa du lịch về lịch sử, và có một số điểm du lịch tâm linh,… Tuy nhiên trong những năm vừa qua, Bắc Kạn còn những điểm nghẽn về giao thông kết nối giữa các vùng này chưa được tốt. Bắc Kạn cũng chưa có đầu tư nhiều về chiến lược quảng cáo về các điểm đến du lịch trên địa bàn.

Cho nên chính vì vậy xác định được phải quyết tâm xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường kết nối Bắc Kạn – hồ Ba Bể, huyện Định Hóa – huyện Chợ Đồn – hồ Ba Bể,… để tiếp nối liên thông giữa các điểm, các tour, tuyến du lịch.

Cùng với công nghiệp chế biến nông, lâm sản thì Bắc Kạn sẽ phát huy được hết lợi thế của tỉnh.

Thưa Bí thư, vì sao Bắc Kạn coi 2 nhiệm vụ này là trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh?

Sau hơn 23 năm tái lập tỉnh, Bắc Kạn cũng đã tìm nhiều hướng đi, có nhiệm kỳ cũng đã ưu tiên phát triển công nghiệp, nhưng từ 3 nhiệm kỳ trở lại đây thì xác định hướng phát triển là nông – lâm nghiệp và dịch vụ, đây chính là tập trung khai thác đúng cái tiềm năng, cái lợi thế.

Trong chủ đề Đại hội vừa qua cũng đã nêu phải khai thác tốt các nguồn lực, trong đó chính là nguồn lực đất, rừng và hồ Ba Bể.

Bằng các giải pháp, mà trước tiên là giải quyết về vấn đề giao thông để khai thác các tiềm năng du lịch của hồ Ba Bể và thuận lợi trong việc tiêu thụ, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Về lĩnh vực giáo dục, Bắc Kạn có hướng nào để nâng cao chất lượng giáo dục?

Hiện nay giáo dục đã phổ cấp trình độ tiểu học và trung học cơ sở, trong thời gian tới hướng về giáo dục sẽ tập trung nâng cao về chất lượng nhiều hơn. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giáo viên và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, lớp.

Vừa qua do đã tiến hành sáp nhập một số xã, nên tỉnh sẽ tập trung xây dựng một số trường bán trú đối với bậc tiểu học, còn đối với bậc phổ thông thì tăng cường hướng nghiệp, phân luồng cho các cháu tiếp cận được ngành nghề ngay. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người dân của tỉnh.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Toán Nguyễn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bi-thu-tinh-uy-bac-kan-trong-tam-la-che-bien-nong-san-va-du-lich-d280498.html