Bị thu thuế 10% tiền hỗ trợ dịch Covid-19?

Theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, tổng thu thuế thu nhập cá nhân 9 tháng đầu năm tăng 5%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có ý kiến cho rằng, số thu thuế cá nhân tăng một phần do khoản thu 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thu nhập giảm, thất nghiệp tăng

Số liệu cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt hơn 975 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% so với cung kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 812 nghìn tỷ đồng giảm 8,3%. Thu từ dầu thô đạt 27 nghìn tỷ đồng giảm 37%.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 134 nghìn tỷ đồng giảm 20,1%. Trong nguồn thu nội địa, tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân 9 tháng qua đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến giữa tháng 10, thu ở mức 92 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán năm.

Theo Tổng cục Thuế trong tháng 1 và tháng 2, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường nên số thu ổn. Nhưng bắt đầu từ tháng 3 bị tác động bởi dịch Covid-19, giãn cách xã hội nên số thu thuế thu nhập cá nhân giảm.

Chẳng hạn, số thu thuế bình quân tiền công tiền lương khoảng 7 - 8 nghìn tỷ đồng/tháng nhưng riêng tháng 8 giảm hơn 30%, xuống còn 4 - 4,2 nghìn tỷ đồng do thu nhập của người nộp thuế giảm.

Kể từ đầu tháng 7, Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực. Mức giảm trừ gia cảnh đối với người chịu thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc. Với mức này, có 6,8 triệu người được hưởng lợi và khoảng 1 triệu người không phát sinh số thuế nộp. Từ đó, số thuế thu nhập cá nhân dự kiến giảm hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9 cả nước có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đó là những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn cách, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Tuy nhiên, con số cuối cùng cho thấy, tổng thu thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng 5%. Cụ thể, thu thuế thu nhập cá nhân 8 tháng đạt 77 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tháng 6 thu được gần 7 nghìn tỷ đồng, tháng 7 thu được gần 7,5 nghìn tỷ đồng và tháng 8 là hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Giải thích về điều này, Tổng cục Thuế cho rằng, thuế thu nhập cá nhân có 10 khoản. Ngoài tiền lương thì còn các khoản khác như thu nhập từ hoạt động kinh doanh, chứng khoán, bất động sản, đầu tư vốn, trúng thưởng, quà biếu quà tặng...

Trong đó, số thu từ tiền lương tiền công giảm, chỉ đạt hơn 93% so với cùng kỳ. Khi thực hiện giảm trừ gia cảnh theo mức mới thì số thuế thu nhập cá nhân cũng giảm đi vài nghìn tỷ đồng.

Nhưng bù lại số thu từ chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, đầu tư vốn lại tăng nên bù đắp được phần nào. Từ tháng 7 đến nay, thị trường chứng khoán thanh khoản tăng cao.

Thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhẹ nên thu thuế thu nhập cá nhân từ những nguồn này tăng khá. Ngoài ra, trong tổng thu 9 tháng đầu năm, số thu tăng chủ yếu do những nguồn thu phát sinh từ năm 2019 nộp trong quý I/2020, tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Vì sao thu nhập cá nhân nằm ngoài chính sách giảm thuế?

Trong khi hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai thì người đóng thuế thu nhập cá nhân chưa được hưởng bất cứ hỗ trợ nào. Tới thời điểm này, thuế thu nhập cá nhân vẫn phải đóng đủ mà không được hoãn hay giảm thuế.

Theo quan điểm của Tổng cục Thuế, những người có thu nhập chưa đến 20 triệu đồng/tháng, có 2 con thì gần như chưa đến mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Còn lại những người có thu nhập cao, có khả năng đóng góp thì cũng nên chia sẻ với ngân sách hiện nay.

Mỗi nước có cơ chế tính thuế khác nhau. Với những nước tính thuế từ thu nhập đầu tiên họ có thể giảm trừ thuế để kích thích tiêu dùng. Còn Việt Nam được giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc.

Theo luật sư Phùng Long (Công ty Luật Phùng Gia), nếu hiểu theo logic thông thường thì nguồn doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm, xuất khẩu giảm đồng nghĩa với người lao động mất việc làm thì sẽ giảm các nguồn thuế. Tuy nhiên, thuế thu nhập cá nhân có đặc thù là chỉ đánh vào người có mức thu nhập cao, sau khi giảm trừ gia cảnh (đối với người làm công ăn lương). Đối tượng nộp thuế là người lao động nghèo gần như không phải là người nộp thuế.

Nghịch lý hiện nay, doanh thu của công ty giảm, đồng nghĩa với thu nhập giảm, doanh nghiệp được miễn thuế nhưng cá nhân lại không. Tuy nhiên, luật sư Phùng Long cho rằng, đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân vào thời điểm này không bức thiết bằng việc xem xét hỗ trợ doanh nghiệp miễn, giảm hoặc lùi thời hạn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Bà Đỗ Thị Dung là Giám đốc Công ty Lead, dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp. Theo bà Dung, số thu thuế cá nhân tăng một phần do khoản thu 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Có thể số thuế này được hoàn lại sau khi làm thủ tục quyết toán thuế cho cả năm 2020 vào tháng 3/2021.

Bà Dung cho rằng, trước mắt Chính phủ nên có chỉ đạo ngành thuế xem xét việc không thu 10% thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền mà các công ty hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người lao động cần quy định mức thu nhập vãng lai phải chịu thuế thu nhập cá nhân 10% là 5 triệu đồng thay vì 2 triệu đồng như hiện tại.

Còn đối với đề xuất hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân về thuế thu nhập cá nhân, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, thông qua giải pháp miễn giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán thì một phần đã hỗ trợ cho nhà đầu tư cá nhân trong lúc thị trường khó khăn.

Bởi vậy, muốn áp dụng biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập cá nhân đối với các nhà đầu tư đòi hỏi các nhà quản lý phải tính toán, cân nhắc mang tính tổng thể về các giải pháp giãn thu nhập cá nhân nếu cần đối với nhiều đối tượng, trong đó có nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/bi-thu-thue-10-tien-ho-tro-dich-covid-19-x4C9lthGR.html