Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Cần một giải pháp an ninh trật tự căn cơ, bền vững hơn

Sáng 12-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phát biểu tại phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong vấn đề an ninh trật tự, cần một giải pháp căn cơ, bền vững hơn.

Đặt vấn đề về sự cần thiết của luật này hay không, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, có cần thiết nhưng phải “điều chỉnh cái gì chứ không chỉ tổ chức lực lượng này”. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là nguồn cho lực lượng này, chế độ ra sao?

Chia sẻ thêm, Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, một địa phương để người dân nghĩa hiệp ra tay thì người trách nhiệm quản lý, lực lượng có chức năng chính cảm thấy điều gì.

“Mình là lãnh đạo quản lý địa phương mà để cho ông già, anh bỏ vợ con đi làm hiệp sĩ đường phố, chống tội phạm tự phát là không ổn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói và khẳng định quan điểm về sự cần thiết ra đời cơ sở pháp lý cho lực lượng này, vấn đề cần bàn sâu là chính sách hỗ trợ, tổ chức lực lượng ra sao vì hỗ trợ bình thường khác, hỗ trợ chống tội phạm khác.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, tội phạm sợ nhất là quần chúng vì lực lượng công an không thể có mặt mọi lúc, mọi nơi và dự thảo dường như để tổ chức lực lượng phản ứng tại chỗ. Chính vì thế, vấn đề là “bàn vào chứ không bàn ra” và nghiên cứu cách làm với “cái gì mới hơn, căn cơ hơn khi luật ra đời”.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại phiên họp tổ sáng 12-11

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại phiên họp tổ sáng 12-11

Phát biểu tại phiên họp tổ, một số ĐB bày tỏ sự băn khoăn về dự luật này. Theo ĐB Trần Kim Yến, với dự luật này thì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có được xác định là thi hành công vụ? Chế độ chính sách ra sao? Cũng theo ĐB, cần tránh chính quy hóa lực lượng hành chính, làm thay việc của lực lượng chính quy.

ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ, kinh tế tăng trường thì “đáng ra an ninh tốt hơn” như quy luật của nhiều quốc gia khác. Nói về việc “công an hóa dân phòng”, sẽ “ôm” trách nhiệm vào người khi đầu tư cho họ, ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn về chế độ bảo hiểm, trách nhiệm khi tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và cho rằng, Thủ tướng đang kêu gọi chuyển sang kinh tế số, vì thế, con người vật chất sẽ giảm đi, và chuyển sang ngành nghề nào đó để sử dụng hiệu quả hơn.

Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, lực lượng dân phòng rất quan trọng vì giải quyết được những việc ở khu phố mà công an chưa có mặt, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, điều cần thiết là cần có sự chuyên nghiệp trong hoạt động và đào tạo về văn hóa, công tác dân vận cho lực lượng này.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, sức thuyết phục của dự án luật “chưa mạnh lắm”, “hơi gượng”. Ở TPHCM, đúng là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động khó khăn trong giải quyết vi phạm lòng lề đường, tham gia giải quyết trật tự giao thông… Nhưng nếu gắn với việc xây dựng đô thị thông minh thì chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, khi có luật thì cũng phải tính đến trụ sở, đồng phục, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh tật, tai nạn, chẳng may hy sinh… của người tham gia lực lượng này.

Theo dự thảo, chính sách cho lực lượng này sẽ do HĐND cấp tỉnh xem xét, ban hành. Trong khi đó, chúng ta đang phải tinh gọn bộ máy, chi phí nhưng lại phình ra ở tổ chức khác trong khi nhiệm vụ chưa chắc đã khoa học hơn.

HÀ MY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bi-thu-thanh-uy-tphcm-nguyen-van-nen-can-mot-giai-phap-an-ninh-trat-tu-can-co-ben-vung-hon-697214.html