Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM thu ngân sách bằng 55 tỉnh

Phát biểu bế mạc hội nghị Thành ủy lần thứ 34 khóa X vào ngày 30-11, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, thông tin, ước thu ngân sách của TPHCM trong năm 2019 bằng tổng thu ngân sách của 55 tỉnh trong cả nước, tính từ dưới lên.

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Điều này cho thấy, trách nhiệm của TPHCM đối với cả nước là rất lớn. Việc duy trì mức thu như trên là rất khó khăn, phải có giải pháp đặc biệt, bằng việc tạo động lực mới cho sự phát triển của TPHCM trong thời gian tới

Tạo động lực mới để TPHCM phát triển

Trong bối cảnh TPHCM đang tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2015-2020 và đề ra kế hoạch cho nhiệm kỳ tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến nhiều nội dung không nằm trong kế hoạch đầu nhiệm kỳ, nhưng thời gian qua, thành phố có nhiều nỗ lực thực hiện.

Đơn cử, những năm qua, TPHCM giữ được sự vượt trội về năng suất lao động, cao gấp gần 3 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. Dự kiến năm 2019, năng suất lao động của TPHCM sẽ tăng 6,82%. Kết quả này sẽ là cơ sở để đặt ra chỉ tiêu cho nhiệm kỳ tới, với định hướng tăng từ 7%/năm trở lên. Nếu TPHCM duy trì được mức tăng năng suất lao động này thì trong toàn khóa tới, kinh tế của TPHCM hoàn toàn đạt mức tăng trưởng từ 8%/năm trở lên.

Đặc biệt, năm 2019, TPHCM được Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách (399.125 tỷ đồng) tăng hơn 10% so với năm trước, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế của TPHCM (dự kiến năm 2019 tăng 8,32%). Vì thế, việc TPHCM thu vượt chỉ tiêu (dự kiến thu vượt 3,3%) là một nỗ lực lớn. Kết quả này càng có ý nghĩa, khi năm 2019 là năm đầu tiên TPHCM vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù (theo Nghị quyết 54 của Quốc hội) được trọn vẹn cả năm.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, ước thu ngân sách của TPHCM trong năm 2019 bằng tổng thu ngân sách của 55 tỉnh trong cả nước, tính từ dưới lên. Điều này cho thấy, trách nhiệm của TPHCM đối với cả nước là rất lớn. “Việc duy trì mức thu như trên là rất khó khăn, phải có giải pháp đặc biệt”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.

Từ trăn trở này, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng TPHCM phải tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, như việc khẩn trương hình thành Khu đô thị Sáng tạo phía Đông. Đồng chí đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của UBND TPHCM trong việc hiện thực hóa ý tưởng hình thành Khu đô thị Sáng tạo Đông và yêu cầu cần sớm tích hợp các ý tưởng quy hoạch và lập quy hoạch phát triển Khu đô thị Sáng tạo phía Đông để năm 2020 bắt đầu triển khai.

Ba quận (2, 9 và Thủ Đức) được quy hoạch làm Khu đô thị Sáng tạo phía Đông có tổng diện tích, dân số bằng 1/10 toàn thành phố nhưng yêu cầu đặt ra khu đô thị này đóng góp 30% GRDP của TP. Đó là ý nghĩa, nhiệm vụ đặc biệt của khu đô thị sáng tạo. Cùng với đó, đồng chí đề cập đến việc khẩn trương hình thành khu công nghiệp mới, nâng cấp Khu công nghệ cao (quận 9) để có đóng góp cao vào tổng giá trị xuất khẩu của TPHCM và là các động lực chính cho sự phát triển của TPHCM.

Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu có sự tăng tốc thực hiện đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; vận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội để mở rộng phân cấp, tạo chủ động cho các cấp giải quyết công việc của người dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhóm A (trong đó có các dự án kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi lại khi nhà ga trong sân bay được mở rộng)…

Cùng với đó, đồng chí cho rằng phải tiếp tục phát huy công cụ đặc thù của TPHCM là Quy định 1374-QĐ/TU để rà soát, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

Phát huy công cụ đặc thù phòng chống tham nhũng

Trước các tồn tại, hạn chế hiện nay, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM dành nhiều thời gian đề cập số lượng người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng sụt giảm (giảm 14%) so với năm trước. Do đó, đồng chí yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan có giải pháp đột phá để cải thiện tình hình, góp phần nâng cao vai trò của xe buýt nói riêng và hệ thống vận tải hành khách công cộng nói chung.

Đề cập đến giải pháp, đồng chí nêu ra kinh nghiệm từ Indonesia, đã tạo sự kết hợp giữa xe ôm công nghệ, xe taxi nhỏ của tư nhân với xe buýt, tàu điện ngầm của Nhà nước để hình thành chuỗi phục vụ “sự di động của người dân”. Thông qua sự kết hợp này đảm bảo được người dân khi bước chân ra khỏi cửa nhà là có xe đưa tới những nơi cần đến.

Các đại biểu biểu quyết thông qua tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hoan nghênh việc Sở GTVT ký kết thỏa thuận với Grab để thực hiện thí điểm kết hợp xe ôm công nghệ với xe buýt, tăng số người đi xe buýt, đồng chí gợi ý thêm giải pháp kết hợp với các loại xe 4 bánh nhỏ, xe điện để tạo sự tiện lợi nhất, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích, giao thông của TPHCM chịu áp lực lớn trước sự gia tăng dân số. Trong khi, số lượng phương tiện giao thông cá nhân không ngừng tăng (hiện nay, bình quân 1 người dân TPHCM có hơn 1 chiếc ô tô/xe gắn máy) mà không có giải pháp hạn chế sử dụng, càng gây ách tắc giao thông. Theo đồng chí, kinh nghiệm của các nước đã có, TPHCM cần tham khảo và vận dụng.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến 4 nhóm công việc quan trọng (với 38 nhiệm vụ) trong thời gian tới. Để chuẩn bị tốt, Ban Thường vụ Thành ủy phải xây dựng chương trình giám sát việc chuẩn bị các đề án, chương trình chuẩn bị đại hội.

Trước việc các đại biểu thảo luận, chọn chủ đề năm 2020 liên quan tới văn hóa, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong năm 2020 cần triển khai ngay một số đầu việc theo hướng khẳng định lại và đưa văn hóa trở thành nền tảng vững chắc hơn cho phát triển bền vững.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động văn hóa, TPHCM cũng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vận động người dân không xả rác bừa bãi, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông…

Tiếp tục đề cập đến các nhóm công việc cho nhiệm kỳ tới, đồng chí cho rằng cần bổ sung chương trình chuẩn bị đất cho các dự án và tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy trình rút gọn (đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương).

Đặc biệt, đồng chí phân tích đến những bất cập trong nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp ở 5 huyện của thành phố. Theo đó, quỹ đất nông nghiệp ở 5 huyện này là rất lớn (huyện Củ Chi có 14.000ha đất nông nghiệp/43.000 ha toàn huyện; Hóc Môn có 2.200 ha đất nông nghiệp/11.000 ha; Bình Chánh có 7.900 ha đất nông nghiệp/25.000 ha; Nhà Bè có 350 ha đất nông nghiệp/10.000 ha và Cần Giờ có 60% đất nông, lâm nghiệp) nhưng số hộ dân làm nông nghiệp lại rất thấp và đóng góp vào phát triển kinh tế không bao nhiêu.

Hầu hết những người có đất vốn được giao làm nông nghiệp đã không còn làm nông nghiệp và tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất bất hợp pháp, dẫn đến nhiều hệ lụy. “Đây là bài toán đặt ra đối với công tác quy hoạch”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và yêu cầu các huyện cùng với các sở - ngành liên quan xác định lại nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm trong 10 năm tới và xác định thời điểm đủ điều kiện chuyển từ huyện thành quận hoặc thành quận có nông nghiệp.

Tại phiên bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân điểm lại một số kết quả đạt được trong thời gian qua. Trong đó, liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự kiến đến cuối nhiệm kỳ có 7 chỉ tiêu đạt yêu cầu, 4 chỉ tiêu vượt yêu cầu và 2 chỉ tiêu chưa hoàn thành. Nổi bật là chỉ tiêu về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự kiến đạt chỉ tiêu (tăng 8,3-8,5%). Việc này ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để TPHCM tiếp tục phát triển và chịu trách nhiệm đối với cả nước.

Cũng liên quan chỉ tiêu này, tỷ trọng dịch vụ trong kinh tế TPHCM đạt 60% (cao hơn chỉ tiêu nghị quyết 56-58%), chứng tỏ kinh tế thành phố ngày càng dựa vào dịch vụ để phát triển. Ngoài ra, dự kiến đến cuối nhiệm kỳ, chỉ tiêu đóng góp yếu tố năng suất tổng hợp của TPHCM sẽ đạt 36% (chỉ tiêu nghị quyết là 35% trở lên). Điều này cũng thể hiện, thành phố có đầu tư chiều sâu trong phát triển kinh tế.

Dự kiến đến cuối nhiệm kỳ, chỉ tiêu huy động vốn xã hội cũng vượt so với nghị quyết (là 30%). Điều này cho thấy, dù TPHCM còn có những hạn chế về tính hấp dẫn của môi trường đầu tư nhưng vẫn thu hút được 35% vốn đầu tư toàn xã hội. Kết quả này là đáng trân trọng nhưng là vấn đề phải suy nghĩ. Bởi lẽ, nếu môi trường đầu tư của TPHCM tốt hơn thì kết quả thu hút vốn đầu tư toàn xã hội còn cao hơn, chứ không dừng ở mức nêu trên.

Trong số 2 chỉ tiêu có khả năng không đạt thì chỉ tiêu cải cách hành chính là vấn đề đáng quan tâm. Bởi vì TPHCM là một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nổi tiếng năng động nhưng các chỉ số cải cách hành chính, tính cạnh tranh kinh tế lại không vào top 5 của cả nước.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, kết đây là nhiệm vụ mà Đảng bộ TP còn đang nợ nên sắp tới phải thực hiện quyết liệt, để tạo sự thay đổi.

KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bi-thu-thanh-uy-tphcm-nguyen-thien-nhan-tphcm-thu-ngan-sach-bang-55-tinh-631923.html