Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Không được tiếp tục vừa làm, vừa đặt mục tiêu

Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc vừa thực hiện đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, vừa đặt mục tiêu là chấp nhận trong giai đoạn đầu, vì đây là vấn đề mới đối với TPHCM. Trong thời gian tới, TPHCM không được tiếp tục thực hiện như thế.

Sáng 22-6, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, tham dự hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 18 tháng triển khai đề án.

Cùng dự còn có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, TPHCM phê duyệt đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh sớm so với các tỉnh thành khác trong cả nước.

TPHCM đã xác định đổi mới quản lý, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp khả thi để phát triển TPHCM. “Chúng ta không đợi thật giàu rồi mới xây dựng đô thị thông minh”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và cho rằng, ý tưởng phát triển đô thị thông minh cũng gặp không ít khó khăn, vì đây là vấn đề mới đối với TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đánh giá tổng quát quá trình thực hiện đề án thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, TPHCM vừa cụ thể hóa đề án, vừa mày mò tổ chức thực hiện. Vì vậy, dịp sơ kết này là rất quan trọng, nhằm đánh giá công việc đã thực hiện trong thời gian qua và tiếp tục xác định những công việc trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đề án đô thị thông minh có 5 cấu phần cụ thể, gồm: chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm dự báo mô phỏng, trung tâm điều hành và trung tâm đảm bảo an ninh mạng. Các sở ngành, quận huyện cần nêu rõ những công việc đã đạt được; đồng thời phản ánh đầy đủ những ách tắc, khó khăn hoặc những công việc chưa thực hiện được.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng một số đơn vị nhập cuộc thực hiện đề án khá tốt như Sở Giao thông-Vận tải (GTVT), Sở Y tế, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) hoặc UBND quận 1, UBND quận 12…

Do đó, đồng chí cho rằng các sở ngành, quận huyện cần chia sẻ về kinh nghiệm, bài học thực hiện đề án trong thời gian qua; đồng thời nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn. Một trong những vấn đề cần quan tâm là giải pháp sử dụng camera của người dân, doanh nghiệp, các trường học, bệnh viện… đảm bảo đồng bộ.

Liên quan đến hoạt động của một số đơn vị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiết lộ đã kiểm tra thực tế thông tin trên trang web của một số đơn vị. Đơn cử như mục “Dạy và học thêm” trên trang web của Sở GD-ĐT có nhiều mục rất hay. Tuy nhiên, trong “ruột” thì trống trơn, không có thông tin nên cần phải cập nhập những thông tin cần thiết, để cung cấp cho người dân.

Từ sự việc này, đồng chí cũng gợi ý về việc xây dựng, đề xuất cơ chế tài chính trong việc thực hiện đề án cũng như vai trò hỗ trợ của TPHCM đối với các sở ngành, quận huyện.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, các sở ngành, quận huyện cũng cần đánh giá lại kết quả thực hiện, dự báo khả năng đạt được các mục tiêu kế hoạch vào cuối năm nay. Đồng thời, các đơn vị, các ngành phải hình dung, lượng hóa công việc cụ thể, mục tiêu cụ thể ứng với các mốc thời gian tại thời điểm cuối năm 2019, tháng 6-2020 và cuối năm 2020.

“Tôi có cảm nhận là có lúc chúng ta vừa làm, vừa đặt mục tiêu”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và nhấn mạnh, cách làm này chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu thực hiện đề án. Trong thời gian tới, chúng ta không được làm như thế, vì như vậy thì không biết khi nào đề án mới thực hiện xong.

Đối với việc lựa chọn đối tác thực hiện đề án, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý cần có tham mưu trong lựa chọn đơn vị tư vấn bằng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà thầu hay chỉ định thầu. Cùng đó là cơ chế sử dụng các đơn vị tư vấn là doanh nghiệp Việt Nam - là nguồn lực của người Việt Nam - để TPHCM nắm bắt khoa học, công nghệ thực hiện đề án.

“Đối với công nghệ thì nhà khoa học, doanh nghiệp dẫn dắt chính quyền và chính quyền chỉ có thể tiếp thu và hỗ trợ, tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ vào thực tiễn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 18 tháng triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng để triển khai trong các giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, TP đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng như CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL chứng chỉ hành nghề y… về kho dữ liệu dùng chung đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.

TP cũng thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở (tại http://data.hochiminhcity.gov.vn) và cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục và dịch vụ, các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư công nhằm đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.

Về xây dựng trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh, TP đã thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu từ hơn 1.000 camera giám sát của Sở GTVT, UBND các quận 1, 12, Phú Nhuận và Gò Vấp; kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống một cửa điện tử…

Cùng đó, TP đã hoàn thành một số công việc cụ thể của việc xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; thành lập trung tâm an toàn thông tin.

Ngoài ra, một số đơn vị cũng thí điểm đề án và đạt được một số kết quả bước đầu. Cụ thể, tại UBND quận 1 thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, đã tích hợp hơn 750 camera trên địa bàn, gắn các camera quan sát tầm nhìn xa tại các vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự.

UBND quận 12 cũng xây dựng Trung tâm Chỉ huy hình ảnh và an ninh với việc tích hợp hơn 600 camera hiện hữu; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị; hệ thống trả lời tự động hướng dẫn thủ tục hành chính…

Tháo gỡ dần khó khăn, vướng mắc

Theo đại diện của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, cơ sở dữ liệu cũng như các mô hình phân tích dự báo được viện thực hiện chưa đủ điều kiện để có thể đạt đến mức tối ưu. Nguyên nhân là do điều kiện dữ liệu hiện hữu cũng như khả năng thu thập còn khó khăn.

Còn theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP, người phụ trách xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, khó khăn lớn nhất hiện nay là triển khai một số CSDL quốc gia còn chậm; việc tích hợp dữ liệu tự động với CSDL quốc gia, hệ thống thông tin hiện có của các bộ - ngành cũng không dễ dàng.

Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, Đề án đô thị thông minh là đề án có nhiều nội dung triển khai trên phạm vi toàn thành phố với quy mô lớn và mới; phải thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát triển ứng dụng cơ sở hạ tầng hiện tại, không phải là xây dựng mới. Đồng thời, trong quá trình thực hiện phải tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của các thành phố tiên tiến trên thế giới để vận dụng vào đặc điểm cụ thể của TPHCM. Do đó, trong thời gian vừa qua, thành phố chỉ mới tập trung trong việc xây dựng mô hình, kiến trúc tổng thể, đồng thời thực hiện triển khai thí điểm, thử nghiệm một số nền tảng, hệ thống ứng dụng để từ đó có sự đánh giá, điều chỉnh phù hợp.

“Quy trình thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước lại phức tạp, thời gian kéo dài, dẫn đến việc khi dự án được thông qua thì giải pháp công nghệ không còn phù hợp. Do đó, song song với việc xây dựng mô hình, kiến trúc và triển khai thí điểm, các sở ngành, quận huyện cũng đồng thời thực hiện hoàn thiện các hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án triển khai Đề án đô thị thông minh để kịp trình phê duyệt theo các mốc thời gian quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước”, ông Đức cho biết thêm.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, nhìn trên tổng thể công việc phía trước vẫn còn khá nhiều, thậm chí còn khó khăn hơn. Do đây là nội dung mới, phức tạp, phạm vi triển khai rộng; quá trình thực hiện vừa phải nghiên cứu, vừa phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế; các giải pháp khoa học và công nghệ thay đổi liên tục, nhưng thành phố chưa áp dụng đa dạng các phương thức triển khai phù hợp như đầu tư công, thuê dịch vụ, đối tác công tư.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng chỉ ra, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, cả về số lượng và chất lượng. Công tác tuyên truyền đề án chưa thực sự hiệu quả. Người dân chưa tích cực tham gia đề xuất các giải pháp, ý tưởng, sáng kiến xây dựng đô thị thông minh, cũng như chưa thường xuyên sử dụng, khai thác các tiện ích, dịch vụ thông minh. “Ban điều hành mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của người dân thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, trong suốt quá trình triển khai thực hiện đề án, để sớm đưa TPHCM trở thành một đô thị thông minh như mục tiêu đã đề ra”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị.

Thay mặt Ban điều hành đề án, đồng chí Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ nỗ lực tăng tốc thực hiện, vượt qua khó khăn, phát huy mọi tiềm lực sáng tạo của người dân thành phố, xây dựng đô thị thông minh đạt đúng yêu cầu, tiến độ đề ra, thể hiện sự đặc sắc của thành phố so với các đô thị thông minh trên thế giới. Đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương triển khai hàng loạt các nội dung cụ thể cho từng đơn vị để tiếp tục thực hiện đề án.

Báo cáo của Sở TT-TT TPHCM cho biết: Trong năm 2019, thành phố tập trung vào các nội dung công việc như xây dựng kiến trúc, mô hình; tạo lập các cơ sở dữ liệu; đồng thời triển khai thí điểm, thử nghiệm một số nền tảng, hệ thống ứng dụng. Do đó, TP đã bố trí 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp của TP để triển khai các nội dung nêu trên.

Đối với nguồn ngân sách đầu tư phát triển, hiện nay các sở ngành (Sở TT-TT, Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH, Sở Du lịch, Sở GTVT, Sở TN-MT) đang hoàn thiện các hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án triển khai Đề án đô thị thông minh theo quy định của Luật Đầu tư công.

KIỀU PHONG - TẤN BA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bi-thu-thanh-uy-tphcm-nguyen-thien-nhan-khong-duoc-tiep-tuc-vua-lam-vua-dat-muc-tieu-600562.html