Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo

Sáng 17/4, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về kết quả công tác năm 2018, quý I/2019 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020.

Cùng đi có các đồng chí: Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố.

Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Năm 2018, Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo sự chỉ đạo của Bộ GDĐT và thành phố; tuyên truyền đến các cơ quan quản lý giáo dục tích cực đẩy mạnh và đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tốt tính tích cực chủ động của học sinh, tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì buổi làm việc

Nhờ đó, GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương năm 2018, 134 giải quốc gia năm 2019; 21 đề tào đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019; 48 giải tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng toán học quốc tế ITMC 2019.

Trong năm 2017, 2018, ngành GD&ĐT Thủ đô đã triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level của Cambridge tại Trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Chương trình song bằng THCS (cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc) tại 7 trường THCS trên địa bàn Thành phố.

Lần đầu tiên ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 (HOMC 2018) có sự tham dự của học sinh quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập quốc tế. Kỳ thi HOMC 2018 có sự tham dự của 09 nước đến từ Châu Á, Châu Âu và 23 đoàn của các tỉnh, thành trên cả nước tham dự, được các nhà khoa học, bạn bè quốc tế đánh giá cao về công tác tổ chức và chất lượng chuyên môn.

Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Xũng báo cáo tại buổi làm việc

Cùng với đó, công tác đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, trường chất lượng cao được đẩy mạnh. Năm học 2018-2019, trên địa bàn Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã xây và thành lập mới 70 trường các cấp. Thành phố đã cải tạo, sửa chữa 387 trường học các cấp với 2.450 phòng học mới xây, 2.552 phòng học cải tạo. Riêng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt thành tích xuất sắc, năm 2018 vượt chỉ tiêu, đạt 150% kế hoạch (120/80 trường). Toàn thành phố hiện có 18 trường chất lượng cao trong đó có 13 trường công lập và 5 trường ngoài công lập.

Bên cạnh đó, công tác an ninh trường học được thực hiện tốt; công tác thanh tra giáo dục tiếp tục được đổi mới, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra.

Đặc biệt, triển khai đề án Sữa học đường, toàn thành phố có 3.754/4.526 cơ sở giáo dục tham gia Đề án đạt tỷ lệ 82,9% và 1.039.458/1.185.179 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia đạt tỷ lệ 87,7%. Trong đó: Có 16 quận, huyện có tỷ lệ học sinh tham gia trên 90% gồm: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thạch Thất, Đan Phượng, Sóc Sơn, Ba Vì, Hoàn Kiếm, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Chương Mỹ; đơn vị có tỷ lệ tham gia cao nhất là huyện Mỹ Đức (100% cơ sở giáo dục và 99% học sinh tham gia).

Bên cạnh những kết quả trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại hạn chế như: Hiện tượng còn chưa đủ trường lớp, đồng thời sự tăng dân số cơ học một cách cục bộ cục bộ ở một số địa bàn đã và đang tạo áp lực không nhỏ đối với công tác tuyển sinh; Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh chưa được giải quyết triệt để; Tình trạng bạo lực học đường tuy đã được kiềm chế những vẫn xảy ra phức tạp tại một số địa bàn, cơ sở giáo dục, còn có những vụ việc liên quan đến xâm hại học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tại buổi làm việc, Sở GD&ĐT kiến nghị, thành phố phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm đáp ứng đủ trường lớp và nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi quận, huyện có 1 trường học được xây dựng theo hướng chuẩn, hiện đại, đạt diện tích từ 4-5 ha.

Sở cũng đề nghị đề nghị thành phố quan tâm, nâng mức đầu tư để xây dựng các trường THPT khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô; phấn đấu đến năm 2025, 100% trường THPT công lập đạt CQG; Phân cấp cho Giám đốc Sở được bổ nhiệm với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc Sở, cho phép bố trí cán bộ chuyên trách, có chuyên môn làm công tác tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông (không sử dụng giáo viên kiêm nhiệm, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác tư vấn tâm lý học đường)…

Báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục thông tin buổi làm việc ...

Tú Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bi-thu-thanh-uy-hoang-trung-hai-lam-viec-voi-so-giao-duc-va-dao-tao-d2065572.html