Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội

Chiều 2/6, tại trụ sở Liên đoàn lao động Thành phố, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động Thành phố (LĐLĐ) để nắm bắt về phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn Thủ đô thời gian qua; lắng nghe ý kiến, đề xuất kiến nghị của tổ chức Công đoàn Thủ đổ về nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận; đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; đồng chí Nguyễn Thanh Minh, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; đồng chí Bùi Huyền Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đã nhận được văn bản của LĐLĐ Thành phố gửi Thường trực Thành ủy về đề xuất một số chương trình sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, lãnh đạo LĐLĐ Thành phố báo cáo tóm tắt tình thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhất là những kiến nghị đề xuất đối với Thành ủy và Thành phố; đồng thời đề nghị đồng chí Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và đại diện các ban ngành của Thành phố giải đáp.

Tại buổi làm việc đồng chí Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác công đoàn 5 tháng đầu năm; kết quả hoạt động “Tháng Công nhân” năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đó LĐLĐ thành phố Hà Nội hiện đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trong đó: có 12 LĐLĐ quận; 18 LĐLĐ huyện, thị xã; 08 Công đoàn ngành; 07 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở) và 26 Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc LĐLĐ Thành phố; với tổng số 8.760 CĐCS và 610.841 đoàn viên; trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có 5.266 CĐCS (chiếm 60,11%), với 389.438 đoàn viên công đoàn (chiếm 63,75%).

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Tổng số cán bộ công đoàn chuyên trách toàn thành phố Hà Nội là 294 người; trong đó: Cơ quan LĐLĐ Thành phố có 63 người; các cơ quan Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức Thành phố và Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội có 49 người; các cơ quan LĐLĐ quận, huyện, thị xã có 182 người.

5 tháng đầu năm 2020 các các cấp Công đoàn Thủ đô có nhiều hoạt động hướng về đoàn viên, người lao động. Trong đó với phương châm đảm bảo tất cả CNVCLĐ đều có Tết, góp phần ổn định tư tưởng CNVCLĐ, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đối với đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn Thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đã có văn bản chỉ đạo đến các CĐCS thực hiện. Trong đó, tập trung vào việc Công đoàn tổ chức chăm lo chu đáo Tết cho CNVCLĐ; tham gia xây dựng phương án trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi trong dịp Tết Nguyên đán và sớm công khai cho CNLĐ biết, để CNLĐ yên tâm làm việc, tránh các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công bất hợp pháp có thể xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, quan tâm nắm bắt kịp thời tình hình, tư tưởng CNVCLĐ và việc chấp hành thực hiện kỷ cương hành chính sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý của các cấp Công đoàn Thủ đô.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc

LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng tổ chức chương trình “Tết Sum vầy 2020”, tham gia chương trình có trên 700 CNVCLĐ trên địa bàn Thành phố. Đã có 45/45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy” cho CNVCLĐ trên địa bàn và có 546 CĐCS đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tại cơ sở, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong CNVCLĐ.

Thông qua Chương trình “Tết Sum vầy” do các cấp Công đoàn tổ chức đã góp phần chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ cho những CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn có “Tết Sum vầy” cùng gia đình. Từ đó đã tạo ra sức lan tỏa rộng rãi, huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia chăm lo cho CNVCLĐ.

Trong dịp Tết, các cấp Công đoàn đã tặng quà cho 75.000 CNLĐ và con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 50 tỷ đồng; trong đó: LĐLĐ Thành phố đã chi trên 7,6 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý.

Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn rà soát các đối tượng CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền và vận động các đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức Công đoàn chăm lo cho người lao động.

Cùng với đó các cấp Công đoàn Thủ đô hỗ trợ trên 95.000 vé xe ô tô đưa CNLĐ về quê đón Tết; trong đó, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức tiễn và hỗ trợ 40 xe ô tô đưa 1.811 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội về quê đón Tết.

Đồng chí Nguyễn Thanh Minh- Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đánh giá cao kết quả đạt được của tổ chức Công đoàn Thủ đô

Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 87 chuyến xe miễn phí đưa CNLĐ về quê đón Tết tại nhiều địa điểm trên địa bàn Thành phố. Nhiều doanh nghiệp đã bố trí xe đưa CNLĐ về quê đón Tết và xe đón CNLĐ trở lại doanh nghiệp làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tiêu biểu là khối các doanh nghiệp FDI. Việc tổ chức, hỗ trợ xe ô tô và phát vé xe miễn phí cho CNLĐ về quê đón Tết là hoạt động mang nhiều ý nghĩa của tổ chức Công đoàn Thủ đô, hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn được sum vầy với gia đình, đặc biệt vào những ngày giáp Tết khi áp lực giao thông đi lại khó khăn.

Đặc biệt do tác động của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố đã có 4.204 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, với 165.007 người lao động bị chịu tác động, mất hoặc thiếu việc làm; trong đó có 1.049 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động . Đồng thời, có 520 trường học tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19; trong đó có gần 300 đơn vị có tổ chức CĐCS, với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống.

Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19. Trong đó, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính Công đoàn và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn thuộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác do Covid-19.

Các cấp Công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 61.971 trường hợp CNVCLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; Trong đó: LĐLĐ Thành phố trích từ nguồn ngân sách Công đoàn Thành phố và “Quỹ Xã hội Công đoàn” hỗ trợ 3.226 trường hợp đoàn viên công đoàn thuộc các CĐCS Khối doanh nghiệp SXKD, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, mắc bệnh hiểm nghèo, mất việc làm do dịch bệnh Covid-19. Các cấp Công đoàn Thành phố đang tiếp tục tập hợp CNVCLĐ bị mất việc hoặc thiếu việc làm và đề xuất Thành phố, Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố có các hình thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của CNVCLĐ.

Công đoàn các cấp tham gia xây dựng phương án chi trả quyền lợi cho CNLĐ bị ngừng việc, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Đồng chí Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu

Căn cứ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, LĐLĐ Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, định hướng các cấp Công đoàn về nội dung tổ chức các hoạt động “Tháng Công nhân” năm 2020 cho phù hợp với tình hình của dịch bệnh. Triển khai thực hiện Văn bản số 318/TLĐ ngày 08/4/2020 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc cung cấp số liệu tình hình doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để có cơ sở tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn, bảo đảm quyền lợi của người lao động; đồng thời, phối hợp với Sở LĐTB&XH tham mưu đề xuất UBND Thành phố hỗ trợ CNVCLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ đoàn viên công đoàn thuộc các doanh nghiệp SXKD, cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn, bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và mắc bệnh hiểm nghèo…

Triển khai các cấp Công đoàn đề xuất khen thưởng đột xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch và chăm lo cho CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch trên địa bàn trình Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng đột xuất 03 cá nhân và Ban Thi đua khen thưởng Thành phố biểu dương khen thưởng, động viên kịp thời.

Tại buổi làm việc thay mặt Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Thị Phương Hoa cũng kiến nghị đồng chí Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ 2 kiến nội dung:

Thứ nhất đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong quá trình lãnh đạo thực hiện tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, quan tâm chỉ đạo Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy; Đảng ủy trực thuộc Thành ủy có chủ trương, định hướng cơ cấu và giới thiệu nhân sự cán bộ chủ chốt Công đoàn được giới thiệu tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 để lãnh đạo phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP báo cáo kết quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô 5 tháng đầu năm 2020

Nội dung thứ 2, trong thời gian tới bên cạnh những thuận lợi cơ bản, phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn, thách thức… Đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm về tổ chức, bộ máy, biên chế cán bộ Công đoàn. Cụ thể giữ nguyên mô hình 07 ban chuyên đề tại cơ quan LĐLĐ thành phố; tiếp tục duy trì mô hình hoạt động của Công đoàn ngành địa phương để tập hợp, bảo vệ người lao động tham gia tổ chức Công đoàn; Chỉ đạo chỉ đạo Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy quan tâm bố trí cán bộ kế toán công đoàn là công chức tại các LĐLĐ quận, huyện, thị xã còn thiếu để đảm bảo bộ máy kế toán của các LĐLĐ quận, huyện, thị xã có đủ số lượng và điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với vị trí việc làm và đảm bảo theo quy định của Luật Công đoàn; Luật Kế toán...

Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đánh giá tổ chức Công đoàn Thủ đô có vị trí vai trò rất quan trọng. Trong thời gian qua hoạt động có một số khó khăn, cụ thể 11 tháng chưa kiện toàn được Chủ tịch, khó khăn do dịch Covid-19, tuy nhiên các cấp Công đoàn đã thực hiện tốt chức năng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, từ đó góp phần tạo quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố

Tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng đã chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI để bảo đảm quyền lợi cho người lao động; Công đoàn cũng đã chủ động bảo đảm các quy định phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động; phối hợp thu nợ bảo hiểm xã hội; thực hiện tốt chức năng quản lý tài chính, tài sản công đoàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, hiện thiết chế cho công nhân khu công nghiệp rất thiếu, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân lao động, kiến nghị Thành phố quan tâm, nhất là nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện,… Bên cạnh đó, do dịch covid-19, nhiều doanh nghiệp kiến nghị giãn đóng bảo hiểm xã hội, rất mong Thành phố sớm có chỉ đạo để giải quyết nội dung này.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã làm tốt các nhiệm vụ, chức năng của mình, nên dù địa bàn có đông công nhân viên chức, người lao động nhưng vẫn luôn giữ được ổn định chính trị. Về nhiệm vụ trong thời gian tới Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị LĐLĐ Thành phố Hà Nội bám sát chỉ đạo của Tổng liên đoàn, Thành ủy, Thành phố Hà Nội, đồng thời bám sát luật; chủ động hơn nữa, tránh việc “hành chính hóa”, cần lăn lộn với thực tiễn, “hòa quyện” với cuộc sống của người lao động.

Bí thư cũng lưu ý các cấp Công đoàn cần quán triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo đối với hoạt động công đoàn; ngày càng phủ khắp được các đối tượng, xây dựng công đoàn vững mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị tổ chức công đoàn Thủ đô quan tâm hơn đội ngũ đoàn viên, CNVCLĐ, trong đó chú trọng các phong trào thi đua, nhất là đối với vấn đề cải cách hành chính, quy tắc ứng xử.

Về các kiến nghị, trong đó việc cải tạo Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách, làm sớm ngày nào tốt ngày ấy, từ đó tăng thu ngân sách, đây cũng là một biểu tượng, nơi thường xuyên sinh hoạt chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội do đó phải làm hết trách nhiệm, phải chuẩn mực, an toàn; thành phố phải tăng cường hỗ trợ cùng Liên đoàn Lao động thành phố sớm hoàn thành nhiệm vụ này.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-vuong-dinh-hue-lam-viec-voi-lien-doan-lao-dong-thanh-pho-ha-noi-108959.html