Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XIII

Sáng 28-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo các văn kiện Đại hội XIII. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội điều hành phiên làm việc.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội điều hành phiên làm việc.

Lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm “thước đo"

Mở đầu với tham luận “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước”, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã xác định, cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước.

Kết quả cải cách hành chính trong thời gian vừa qua tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt; chưa có sự đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, tư pháp. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng... Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Với tinh thần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cho rằng, cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm giải trình, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Đồng thời, phải nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị cần triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải tiên phong, nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung.

Phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương nhất trí cao với nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là các quan điểm về doanh nghiệp nhà nước: “Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế… Nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao”.

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm.

Nêu một số đề xuất của Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhằm định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức Đảng, mô hình các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt doanh nghiệp, nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng.

Đồng thời, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện sở hữu nhà nước, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp một cách rõ ràng hơn, phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay, làm cơ sở cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động, tận dụng được thế mạnh của các doanh nghiệp lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước.

Đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của thế hệ trẻ ngày nay

Phát biểu tham luận, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với thế hệ trẻ, thống nhất rất cao với các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đối với thế hệ trẻ đã được đề cập trong dự thảo văn kiện Đại hội và nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác này. Những giải pháp quan trọng, dài hạn tiếp tục được dự thảo văn kiện xác định và có bước phát triển.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung mới, quan trọng trong công tác thanh niên được dự thảo văn kiện nhấn mạnh, đó là “nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước, với xã hội”; quan điểm phát triển thế hệ trẻ “lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mĩ” và “Chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”. Sự khẳng định này đã đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của thế hệ trẻ ngày nay.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả những chủ trương, quan điểm của Đảng đối với thế hệ trẻ trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác định sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức giáo dục của Đoàn theo tinh thần Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”, trong đó kiên trì và kịp thời đổi mới cách thức phổ biến, học tập lý tưởng cách mạng, lý luận chính trị, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên; đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ và các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên, xem đây là biện pháp trung tâm trong giáo dục, tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; khơi dậy tinh thần sáng tạo, khuyến khích thanh niên đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, nhất là các giải pháp có hàm lượng tri thức, ứng dụng công nghệ cao...

“Ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, với niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam bày tỏ ý chí quyết tâm, bằng hành động cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ”, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn nêu rõ.

Tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, các nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thể hiện đậm nét, đồng bộ, hệ thống, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược, đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, bảo đảm được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và cả từ các hạn chế trong giai đoạn trước đây, và có tính đến các bối cảnh mới ở trong nước, quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Quán triệt các nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao.

Cứ 1.000 người dân sẽ có 1 doanh nghiệp công nghệ số

Trong tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số, đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau... Các nền tảng “Make in Vietnam” sẽ gánh vác trên vai sứ mệnh lớn lao, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) thực hiện chuyển đổi số, góp phần vào hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế quốc gia. Tiếp cận được với các doanh nghiệp này, doanh nghiệp nền tảng sẽ có cơ hội tiếp cận với 98% doanh nghiệp Việt Nam. Đây là thị trường không nhỏ mà doanh nghiệp nền tảng Việt Nam cần phải tập trung khai thác triệt để.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cứ 1.000 người dân sẽ có 1 doanh nghiệp công nghệ số.

Ngành Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. “Với năng lực làm chủ tới hơn 90% hệ sinh thái vào năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào và tin tưởng rằng, hệ sinh thái Make in Vietnam sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng và cùng với các nền tảng số Việt Nam vươn ra toàn cầu. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước, doanh số tăng trưởng 25-30%/năm” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Chiều nay, Đại hội thảo luận về công tác nhân sự

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, tham luận tại Đại hội, đại diện Đảng bộ các thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Bến Tre, Kon Tum, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương… đều bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung các văn kiện trình Đại hội.

Đại diện các đảng bộ đều thể hiện quyết tâm chính trị sẽ biến những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đề ra gắn với Nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu kết thúc phiên làm việc sáng nay, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về các văn kiện Đại hội, đã có 36 đại biểu phát biểu tham luận. Đối với những đại biểu đã đăng ký tham luận, nhưng chưa có điều kiện phát biểu trực tiếp, Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo tiếp thu đầy đủ và đưa vào kỷ yếu Đại hội.

Chiều nay, Đại hội tiếp tục làm việc với các nội dung về công tác nhân sự.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/989738/can-bo-cap-chien-luoc-phai-tien-phong-neu-guong-dam-nghi-dam-lam