Bí thư Nhân: TP.HCM đủ năng lực chữa trị 1.600 ca nhiễm cùng lúc

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM không thiếu cơ sở cách ly tập trung và đã sẵn sàng năng lực để chữa trị 1.600 ca cùng lúc.

Tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo thành phố về tình hình phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM chiều 16/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu hơn 20 phút nói về kinh nghiệm phòng dịch quốc tế và chỉ ra bài học, giải pháp cho thành phố trong thời gian tới.

Mở đầu bài phát biểu, Bí thư Nhân nêu 2 bài học từ phương án phòng chống dịch của Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Hai bài học từ kinh nghiệm quốc tế

Qua khảo sát, Bí thư Nhân cho biết châu Âu có hệ thống y tế phát triển nhưng khi virus corona xuất hiện, họ không coi việc đeo khẩu trang là cần thiết và chưa coi trọng việc cách ly người có nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, khi có dịch, tốc độ ca nhiễm tăng rất lớn.

Lãnh đạo Thành ủy đúc kết rằng khoảng 3-4 ngày thì số ca nhiễm tăng gấp đôi và bình quân số ca nhiễm tăng gấp 10 lần mỗi tuần. Ví dụ như số ca nhiễm ở Italy tăng từ 8.000 lên 16.000 trong vòng 3,5 ngày.

 Toàn cảnh buổi họp giao ban trực tuyến. Ảnh: HMC.

Toàn cảnh buổi họp giao ban trực tuyến. Ảnh: HMC.

Riêng tại Nhật Bản, trong vòng 30 ngày, số ca nhiễm từ 100 tăng lên chưa tới 1.000 dù xuất hiện người nhiễm từ khá sớm. Nhật đã kiềm chế tốt tốc độ tăng ca nhiễm nên số người vào viện ít hơn hẳn.

Còn tại Hàn Quốc, lúc đầu quốc gia này vẫn để du khách từ vùng dịch nhập cảnh trong thời gian dài nên số ca nhiễm tăng nhanh, từ 100 ca lên 4.000 ca chỉ trong 11 ngày. Sau đó, Hàn Quốc đã quyết liệt đóng cửa trường học, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm ca nghi nhiễm nên đã kéo giảm tốc độ lây lan. Trong 12 ngày, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng gấp đôi từ 4.000 lên 8.000.

"Bài học số 1 của Nhật là làm tốt từ đầu thì số ca nhiễm không lớn lên. Bài học số 2 của Hàn Quốc là khi số ca nhiễm lớn nhưng làm quyết liệt thì vẫn kìm lại được", Bí thư Nhân tổng kết.

Ông Nhân nhận định khi Hàn Quốc, Nhật Bản thực hiện đeo khẩu trang, cách ly, đóng cửa trường học, cấm đi lại thì một số nước châu Âu không đồng tình, nhưng sau này nhìn lại thì thấy hợp lý. Người đứng đầu Thành ủy chỉ ra bài học cho TP.HCM là nếu làm tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay, phát hiện cách ly sớm thì sẽ giữ được trật tự.

Sẵn sàng cách ly tập trung 20.000 người

Phân tích năng lực cách ly và chữa trị tập trung của thành phố, ông khẳng định "không sợ thiếu" và dẫn chứng rằng đến tháng 5, TP.HCM sẵn sàng cách ly tập trung cho hơn 20.000 người cùng lúc nếu số ca nhiễm tăng.

Ông Nhân nhắc lại báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh trước đó về việc ngành y tế đã tiến hành huấn luyện cho các bác sĩ nội khoa để có thể chữa trị bệnh truyền nhiễm. Như vậy, thành phố sẽ có khoảng 1.000 đến 1.400 bác sĩ có thể chữa bệnh dịch Covid-19.

Số giường bệnh chữa trị cũng tăng từ 600 giường (của khoa nhiễm các bệnh viện) lên 1.600 giường trên toàn thành phố (thêm 2 bệnh viện chữa trị tập trung). Thành phố cũng đã đặt thêm 200 máy thở để bổ sung cho 1.000 máy thở hiện có.

Bệnh viện huyện Cần Giờ sẵn sàng hoạt động để chữa trị cho các ca nhiễm Covid-19 của TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bí thư dẫn chứng theo tổng kết của châu Âu, tỷ lệ người nhiễm nặng là 10% ca nhiễm. Như vậy, với 1.600 giường để chữa trị người bị nặng, thành phố có thể đáp ứng tương đương 16.000 ca nhẹ.

"Có 3 cái đồng bộ hóa thì chúng ta có thể nói sẵn sàng cho mức bị nhiễm cao hơn rất nhiều. Nhưng hy vọng không phải dùng đến năng lực này", bí thư chia sẻ và nhấn mạnh cần hạn chế để số ca nhiễm không vượt quá 100.

Bí thư khẳng định thành phố đang thực hiện tốt mục tiêu 5 tại chỗ trong phòng chống dịch Covid-19 gồm: Nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, nhân lực tại chỗ và kinh phí tại chỗ.

Ông gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo UBND, người dân và đặc biệt là các y bác sĩ, điều dưỡng viên vì hơn 1,5 tháng phòng dịch quyết liệt về kêu gọi cả thành phố cùng chung tay giữ vững kết quả này.

Cách ly chung cư Hòa Bình tại quận 10 vì từng có ca nhiễm Covid-19 lưu trú. Ảnh: Chí Hùng.

Kết luận tại buổi họp về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế cần sàng lọc, chia khu cách ly đối với từng cấp độ nghi nhiễm khác nhau. Bên cạnh đó, ngành y của thành phố phải chuẩn bị phương án ứng phó với từng kịch bản diễn biến của dịch bệnh.

"Việc sàng lọc, chia khu cách ly với từng cấp độ nghi nhiễm nhằm hạn chế tới mức tối thiểu khả năng lây nhiễm chéo. Có nhiều trường hợp gần hết thời gian cách ly mới phát bệnh", Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay.

Thời gian tới, những khu cách ly của quân khu 7 sẽ được sử dụng để thu dung người đến từ vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế đảm bảo nguồn lực trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM giao các đơn vị sớm hoàn thiện quy trình, phương án tiếp nhận công dân Việt Nam về nước từ vùng dịch và đưa nhóm người này về nơi cách ly đảm bảo an toàn, tránh ùn tắc, quá tải cho khu vực nhập cảnh.

Tính đến sáng 16/3, TP.HCM có tổng cộng 8 trường hợp dương tính với Covid-19. Trong đó, 3 người đã khỏi bệnh, xuất viện. 5 bệnh nhân đang được điều trị bao gồm: Bệnh nhân 32 - cô gái trở về từ London (Anh) từng tiếp xúc bệnh nhân 17; bệnh nhân 45 và 48 - hai ca lây nhiễm từ bệnh nhân 34 ở Bình Thuận; bệnh nhân 53 - người Cộng hòa Czech; bệnh nhân 54 - người Latvia.

Tổng số trường hợp nghi ngờ đến 8h sáng 16/3 là 129 người (trong đó có 128 trường hợp âm tính, một người đang đợi kết quả). 822 trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố và tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện là 434 trường hợp. Ngoài ra, 482 người đang thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú.

Đồ họa: Minh Hồng, Hoài Thanh.

Thu Hằng - Quang Huy

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bi-thu-nhan-tphcm-du-nang-luc-chua-tri-1600-ca-nhiem-cung-luc-post1060110.html