Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: 'So với thế giới, Việt Nam chậm 80 năm về giảm giờ làm'

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngay cả khi thực hiện lộ trình giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần trong vòng 10 năm thì đến năm 2030, Việt Nam vẫn chậm hơn các nước tới 80 năm.

Ông Nguyễn Thiện Nhân

Ông Nguyễn Thiện Nhân

Giảm giờ làm là xu hướng chung

Phát biểu tại nghị trường chiều 23/10 về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn lịch sử để chứng minh xu hướng giảm giờ làm trên thế giới.

Theo ông, vào thời đại của Karl Marx, người lao động làm bình quân 10 – 16 giờ/ngày. Điều này đã khiến công nhân biểu tình đòi ngày chỉ làm 8 giờ.

Đến Henry Ford – nhà sáng lập Công ty Ford Motor, ông thực hiện chế độ 1 tuần làm 5 ngày, mỗi ngày 8 giờ, tức 40 giờ/tuần. Nhiều nước đã áp dụng chế độ làm việc này và năm 1940 nước Mỹ ban hành đạo luật quy định một tuần làm 40 giờ. Chế độ làm việc này tiếp tục được duy trì những năm sau Thế chiến II.

Tại Việt Nam, từ năm 1960, ở miền Bắc, công chức làm 6 ngày/tuần, 8 giờ/ngày. Đến năm 1999, Việt Nam mới chuyển sang làm việc 5 ngày/tuần.

Như vậy hiện nay tại Việt Nam có hai nhóm người: người làm cho nhà nước thì lao động 5 ngày, người làm cho doanh nghiệp thì 6 ngày.

“Điều này là không bình đẳng. Ở các nước khác, không có Luật Lao động nào lại tách riêng công chức làm ít giờ, còn công nhân làm nhiều giờ, họ chỉ quy định giờ chung cho đất nước tùy mỗi nước có điều tiết”, ông Nhân cho hay.

Theo ông Nhân, thế giới từ sau năm 2000 đã tiếp tục giảm giờ làm. Trong 36-38 nước của Tổ chức Kinh tế thế giới chỉ còn hai nước trên 40 giờ là Mexico (48 giờ/tuần) và Hàn Quốc (43 giờ/tuần), còn những nước khác đều đã xuống dưới 40 giờ, như: Chile 37 giờ, Pháp 28,5 giờ một tuần, đặc biệt Đức có 26,2 giờ.

“Những nội dung trên cho chúng ta thấy có vấn đề phải thảo luận. Chúng tôi cho rằng nên có lộ trình để chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng khoảng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ và sau đó đến năm 2030 chỉ còn làm 5 ngày một tuần với mọi người lao động. Như vậy, so với thế giới chậm 80 năm”, ông Nhân nói.

Nói người lao động tự nguyện làm thêm giờ là không thực tế thật sự

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng làm thêm giờ, về ngắn hạn người chủ và người lao động đều gia tăng thu nhập, tuy nhiên hậu quả là sức khỏe lao động giảm sút mà năng suất cũng không tăng lên.

“Người Việt Nam muốn gì? Về mặt kinh tế mong muốn là có thu nhập, có việc làm, có nhà, nhưng 95,4% muốn có gia đình hòa thuận, 73% là con cháu ngoan, tiến bộ và 60% là họ hàng tốt. Nếu chúng ta làm việc một ngày 9 -10 tiếng trong cả năm thì sẽ không có gia đình hạnh phúc. Trên thế giới đã từ bỏ điều này 133 năm nay”, ông Nhân dẫn chứng.

Ông Nhân cũng cho rằng quan điểm người lao động tự nguyện làm thêm giờ là “không thực tế thật sự”.

“Một dây chuyền may nếu một nửa số công nhân nghỉ, nửa còn lại không may được cái áo. Một dây chuyền làm giầy, một nửa nghỉ vì không muốn làm thêm giờ, không làm được đôi giày. Nên sẽ có một cuộc đấu tranh trong công nhân gây sức ép làm hay không làm. Chúng ta nói rằng tự nguyện đấy là một phần thôi, không phải tự nguyện đâu”.

Theo ông Nhân, cái gốc của việc tăng năng suất lao động là đổi mới công nghệ, thiết bị mới, còn tăng giờ làm suy giảm năng suất lao động.

“Việc này ai cũng thấy, làm thêm giờ là mệt, năng suất lao động giảm. Cho nên muốn thực hiện mục tiêu tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và hướng tới giảm giờ làm chứ không phải giảm ngược lại”.

“300 giờ/năm nghĩa là gì? 1 năm có 52 tuần, trừ ngày lễ nghỉ còn tương đương 50 tuần. Có nghĩa là 300 giờ/năm thì mỗi tuần làm thêm 6 giờ, đồng nghĩa là trong 6 ngày làm việc đều có một tiếng làm thêm và làm trong cả năm.

“Một ngày làm 9 tiếng mà làm suốt cả năm, các đồng chí thấy người lao động như vậy có khỏe không? Thời giờ gia đình còn không? Một ngày 9 tiếng mà làm quanh năm…” ông Nhân nêu quan điểm.

Lê Nguyễn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bi-thu-nguyen-thien-nhan-so-voi-the-gioi-viet-nam-cham-80-nam-ve-giam-gio-lam-20180504224230522.htm