Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: 'Hãy chọn 10 doanh nghiệp gặp khó khăn nhất, thành phố sẽ cùng họ tháo gỡ'

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thay vì nói chung chung, HUBA có thể đưa cho thành phố danh sách 10 doanh nghiệp 'khó khăn tiêu biểu', để cả hai bên phối hợp giải quyết dứt điểm vấn đề.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân

Rất nhiều trăn trở từ các doanh nhân đã được gửi tới lãnh đạo TP. HCM trong sự kiện Cafe Doanh nhân của Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình vừa được tổ chức cuối tuần qua.

Các câu chuyện đầy bức xúc được nêu ra trong buổi gặp gỡ về giấy phép con ở các lĩnh vực xây dựng – y tế, tình trạng gian lận thương mại – hàng gian – hàng giả vẫn còn nhiều, không ít doanh nghiệp sau khi xây dựng xong thương hiệu mạnh lại bán cho nước ngoài…

Đặc biệt, các doanh nghiệp tại TP. HCM rất không hài lòng với sự đối xử thiếu công bằng của một số cơ quan quản lý Nhà nước nhất là việc ưu ái các doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp FDI vốn đã có nhiều thế mạnh về vốn – công nghệ - thị trường, đã vậy họ còn được sự hỗ trợ hết mực của Nhà nước. Nếu doanh nghiệp FDI gặp khó khăn, ngoài được doanh nghiệp mẹ ‘cứu', còn được các cơ quan Nhà nước hỗ trợ ngay.

Trong các dự án lớn dùng vốn ODA, hầu hết nhà thầu chính đều là công ty nước ngoài, tuy nhiên, không ít doanh nghiệp FDI đã tìm cách ‘chuyển giá’.

Trước rất nhiều bức xúc và kiến nghị của các doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một giải pháp khá thú vị. Theo ông, thay vì chọn lấy 10 vấn đề mà các hội viên của HUBA muốn thành phố thay đổi, thì nên chọn 10 doanh nghiệp cụ thể.

“Hiệp hội có thể chọn 10 doanh nghiệp đang có nhiều dự án ở thành phố gặp nhiều khó khăn, thành phố sẽ cùng họ tháo gỡ, từ đó rút kinh nghiệm cho những doanh nghiệp khác. Thành phố hứa sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp giải quyết dứt điểm tất cả vấn đề. Theo đó, 2 bên cùng có lợi, thành phố, 10 doanh nghiệp trong cuộc và 100 doanh nghiệp đứng bên ngoài có vấn đề tương tự cũng được lợi.

Vào ngày 15/8, HUBA có thể đưa danh sách đó cho lãnh đạo thành phố. Nếu chúng tôi nhận được danh sách đúng thời điểm như đề nghị, đến Diễn đàn kinh tế của thành phố, sẽ báo cáo lại cho doanh nghiệp là thành phố đang giải quyết đến đâu. Năm sau, HUBA có thể kiến nghị 10 doanh nghiệp khác”, Bí thư TP. HCM đề nghị.

Bên cạnh đó, ông Nhân cũng tỏ ra rất tâm đắc với slogan của Công ty cơ khí Lập Phúc mà Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong nhắc đến trong bài phát biểu trước đó: giá rẻ hơn Trung Quốc và chất lượng tương đương Nhật Bản. Theo ông, chất lượng bằng Hàn Quốc cũng đã rất ổn, đây nên là chiến lược thực hiện cho tất cả doanh nghiệp trong thành phố.

Về vấn đề chuyển giá, quốc gia cũng đã bàn, thành phố cũng đã thấy nhưng chưa bàn sâu. Thế nên, ông Nhân gợi ý HUBA nên có một đề tài nghiên cứu về chuyển giá tại TP. HCM như thế nào, để kiến nghị lên Nhà nước. Không ai bức xúc bằng doanh nghiệp khi thấy nhiều công ty nước ngoài thực hiện hành vi ‘chuyển giá’.

Coca Cola nhiều năm luôn bị nghi ngờ 'chuyển giá'

Về sản phẩm chủ lực, sản phẩm chủ lực nên có ở hiện tại, chứ không chỉ tương lai. Nếu không có thương hiệu lớn, không ai công nhận sản phẩm của doanh nghiệp đó là chủ lực, nhưng đó có thể là sản phẩm chủ lực tiềm năng. Sản phẩm chủ lực tiềm năng gắn với tương lai, nên thành phố cần phải đi bằng 2 chân.

Ngoài ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cung cấp một số thông tin về chủ trương cũng như hoạt động của thành phố trong năm 2018.

Hàng quý và 6 tháng, Thường vụ và Thành ủy đều có giám sát những việc lớn thành phố phải làm. Ví dụ: vấn đề đấu thầu rạch xuyên tâm trong quý III triển khai, sản phẩm chủ lực và chính sách trong quý III triển khai, hình thành trung tâm báo chí trong quý IV triển khai.

TP. HCM cũng đang triển khai chương trình Đô thị thông minh sáng tạo. Trong quý III này, thành phố sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư cho chương trình Đô thị thông minh.

Từ đây đến năm, có 11 đầu việc mà Thường vụ nhất trí Ủy ban triển khai, cấp Ủy giám sát để có thể dứt điểm.

Trong đó có nội dung quy hoạch logictis thành phố 2018 – 2025. Thành phố chưa có hệ thống logistic hiện đại, làm cản trở phát triển. Hoặc là, chọn một số quy trình liên quan đến người dân/doanh nghiệp, vừa dính đến quận huyện vừa dính đến sở, để ủy ban chuẩn hóa lại và có thời hạn kết thúc một quy trình như thế. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung giám sát tiến độ tuyến đường sắt số 1 và tàu điện ngầm số 2.

Việt Nam đang ngày càng ý thức rõ ràng hơn áp lực và thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thế nên, HCM cần phải đẩy mạnh hơn nữa các ký kết hợp tác trong các lĩnh vực với các đối tác quốc tế.

Tháng 3 vừa qua, lãnh đạo thành phố có dẫn đoàn đi thăm thành phố Saint Petersburg (Nga) và Israel. Qua trao đổi, họ cũng đã có một vài ý tưởng và kế hoạch sẽ nhanh chóng trình lên lấy ý kiến thành phố như hình thành trung tâm hỗ trợ cả về văn hóa, du lịch và kinh tế với Saint Petersburg, giống một cửa sổ vào Nga.

“Thành phố phải đi lên bằng sức sáng tạo và tăng trưởng lao động, đi lên bằng vốn của doanh nghiệp và xã hội, bằng chỗ nhân dân phải tham gia và giám sát”, ông Nhân khẳng định.

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bi-thu-nguyen-thien-nhan-hay-chon-10-doanh-nghiep-gap-kho-khan-nhat-thanh-pho-se-cung-ho-thao-go-1533650871484.htm