Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn: Bảo vệ môi trường phải thay đổi từ nhận thức

Thạch Thất là huyện có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, cùng với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung, môi trường sản xuất, kinh doanh, làng nghề nói riêng được huyện rất quan tâm.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình
Thạch Thất là địa phương có nhiều thế mạnh về sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và làng nghề. Ông có thể nói rõ hơn về thế mạnh này của địa phương?
- Trong những năm qua, Thạch Thất có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đặc biệt là phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và làng nghề. Với 23 xã, thị trấn, Thạch Thất hiện có 7 cụm công nghiệp đã cơ bản lấp đầy các DN đầu tư. Huyện có hơn 1.000 DN và hơn 2.000 hộ sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề. Đáng chú ý, với lợi thế về đất đai, thuận tiện về giao thông, Thạch Thất là địa phương được Chính phủ lựa chọn đầu tư các dự án lớn như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu Công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai… Sự phát triển đồng bộ này đã góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Tính đến hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của Thạch Thất đạt 52 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 13% (năm 2008) nay giảm xuống 1,18%. Thạch Thất đang phấn đấu hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,7%.

Sự phát triển nhanh các cụm tiểu thủ công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn liệu có phát sinh các vấn đề liên quan đến môi trường, thưa ông?
- Đúng là như vậy! Sự phát triển về kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất của Nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó sự phát triển nhanh cũng đang gia tăng các vấn đề về môi trường như chất thải, rác thải, nước thải và đặc biệt là môi trường tại các làng nghề. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền huyện Thạch Thất luôn xác định BVMT là một việc làm hết sức cấp bách và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trước thực trạng đó, để BVMT, huyện Thạch Thất đã thực hiện những giải pháp gì?
- Chúng tôi xác định, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở một số địa phương trên địa bàn huyện có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người. Vì vậy, việc đầu tiên là phải tuyên truyền, đối thoại để thay đổi và nâng cao nhận thức về BVMT của mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Mục tiêu đầu tiên là mỗi cá nhân phải nhận thức được rằng, BVMT là bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình mình đồng nghĩa với bảo vệ cộng đồng, xã hội. Có nhận thức được như vậy thì mỗi người mới có ý thức giữ gìn BVMT, mà đầu tiên là thực hiện “sạch nhà - sạch đường - sạch xóm - sạch đồng” tức là xây dựng một môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Muốn đạt được điều này, cần phát huy đồng bộ nhiều giải pháp cùng sự tập trung vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội cùng toàn thể Nhân dân.

"Đặc trưng của làng nghề huyện Thạch Thất là không phát sinh chất thải nguy hại, chất thải hầu hết có thể tái chế, tái sử dụng được.Tuy nhiên, do ý thức của người sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc việc phân loại chất thải, thường đổ lẫn chất thải sản xuất và chất thải sinh hoạt dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm tập kết rác thải. Thời gian tới,cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về công tác BVMT." - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên

"Đến nay, cả 23/23 xã, thị trấn của huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án về thu gom rác thải; quy chế BVMT; các nội dung về vệ sinh môi trường trong quy ước làng văn hóa. Tỷ lệ thu gom rác thải trong ngày đạt 97% phấn đấu trong thời gian tới sẽ đạt 100%." - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Sơn Hà

Xây dựng các mô hình hiệu quả
Như ông nói, để xây dựng một môi trường sống trong sạch, lành mạnh cần phát huy đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể đó là những giải pháp nào, thưa ông?
- Đó là việc tập trung chỉ đạo thực hiện phân cấp quản lý, quy định rõ trách nhiệm quản lý công tác BVMT cho các cấp chính quyền. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về BVMT theo quy định của pháp luật. Đối với bộ máy và cán bộ quản lý Nhà nước về công tác môi trường phải thường xuyên được củng cố, bổ sung kiện toàn, hoạt động có trách nhiệm, hiệu quả. Bố trí đủ cán bộ làm công tác môi trường cấp huyện và 23 xã, thị trấn.
Một trong những giải pháp quan trọng có tính quyết định là hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định về BVMT, đặc biệt là Luật BVMT năm 2014 bằng các hình thức phong phú, đa dạng. Bởi như tôi đã trao đổi, việc đầu tiên là mọi tầng lớp Nhân dân phải được nâng cao nhận thức về công tác BVMT. Từ nhận thức đúng mới có hành động đúng về vấn đề này.
Song song với tuyên truyền, giáo dục là việc xây dựng các mô hình điểm về hoạt động BVMT. Trên địa bàn huyện hiện đã xuất hiện các “con đường bích họa” với sự chung tay của toàn dân nhằm tiến tới “đường có hoa - nhà có số”, các mô hình về tổ, đội thu gom rác hiệu quả. Đây là kết quả của việc cấp ủy, chính quyền luôn sát dân, lắng nghe ý kiến người dân thông qua các cuộc đối thoại, hội nghị, hội thảo...
Những năm qua, Thạch Thất thường tổ chức nhiều hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Theo ông, hiệu quả của hoạt động này?
- Có thể khẳng định ngay là hiệu quả sau đối thoại rất tốt! Việc này thể hiện rõ thông qua trách nhiệm của người dân tham gia đóng góp xây dựng chính quyền hết sức tập trung, trách nhiệm. Mấy năm trước, Thạch Thất tổ chức đối thoại, trao đổi, đóng góp về phát triển chung kinh tế - xã hội để Nhân dân hiến kế, kiến nghị nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả nhất. Ví dụ, muốn phát triển kinh tế, chính quyền cần quan tâm, giải quyết vấn đề gì? Cơ chế chính sách đã phù hợp với thực tế tại địa phương chưa? Người dân phải thực hiện sản xuất thế nào cho đạt hiệu quả...
Sau khi đối thoại, lắng nghe ý kiến Nhân dân, cấp ủy, chính quyền mới chắt lọc những ý kiến, những kiến nghị, giải pháp đóng góp phù hợp xây dựng ban hành nghị quyết để toàn dân cùng thực hiện. Những chủ trương này luôn đúng, trúng và được Nhân dân đồng tình ủng hộ nên hiệu quả đạt rất cao, điển hình như Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới (NTM). Mục tiêu, kế hoạch đề ra phấn đấu đến hết năm 2020 Thạch Thất hoàn thành xây dựng NTM. Thế nhưng thực tế đến nay, cả 21/21 xã trong quy hoạch xây dựng NTM của Thạch Thất đều đã về đích.
Liên quan đến hoạt động BVMT, Thạch Thất có tổ chức đối thoại với dân để lắng nghe và đề ra giải pháp thực hiện không, thưa ông?
- BVMT chính là chủ đề năm 2018 này cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Thất lựa chọn để tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Chúng tôi muốn thông qua hội nghị để các địa phương trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc các giải pháp, giới thiệu những mô hình, cách làm hay về BVMT tại địa phương mình, qua đó nhân rộng ra toàn huyện. Đồng thời, thông qua đối thoại để cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể nắm bắt thực trạng, tâm tư nguyện vọng của người dân, của hội viên nhằm đưa ra giải pháp phù hợp. Đặc biệt là tại hội nghị để đại biểu Nhân dân các xã đóng góp ý kiến về việc xây dựng các mô hình điểm về BVMT. Bởi quan điểm của chúng tôi là xây dựng mô hình điểm, kiểu mẫu không khó, nhưng quan trọng là duy trì và nhân rộng mô hình mới là điều cần được làm rõ.
Xin cảm ơn ông!

Đàm Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bi-thu-huyen-uy-thach-that-nguyen-doan-hoan-bao-ve-moi-truong-phai-thay-doi-tu-nhan-thuc-325950.html