Bị thu hồi đất, doanh nghiệp đòi 4.300 tỷ: Không phức tạp

Nếu DN không đồng ý với khung giá Nhà nước nêu ra thì có thể đề xuất một cơ chế khác, quyết thế nào là quyền của luật pháp.

Quyết tâm lấy lại bờ biển làm công viên, quảng trường ven biển phục vụ người dân, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt quy hoạch, thu hồi một phần đất của các dự án du lịch ven biển.

Trong buổi làm việc với quận Ngũ Hành Sơn mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành rà soát các dự án ven biển chậm triển khai để kịp thời điều chỉnh, thu hồi đất ưu tiên cho mục đích công cộng.

TP đang tích cực đẩy nhanh các thủ tục để thu hồi hơn 8ha và một dự án khác đang trong quá trình tố tụng rộng 3,7ha ở ven biển để quy hoạch thành công viên công cộng, phục vụ cộng đồng chứ không sử dụng đất làm công trình thương mại.

Về khu đất dự án Khu du lịch ven biển DAP-DAP1-DAP2 rộng hơn 8ha nói trên, chủ đầu tư dự án Công ty TNHH DAP vừa có văn bản kiến nghị UBND TP Đà Nẵng nếu thu hồi dự án, thu hồi đất thì phải bồi thường số tiền hơn 4.375 tỷ đồng vì đất này đã giao cho doanh nghiệp hơn 10 năm trước.

Trao đổi với Đất Việt, LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá cao quyết tâm thu hồi đất, trả lại bãi biển cho người dân của TP Đà Nẵng và tin rằng các tỉnh, thành khác cũng sẽ làm như vậy.

Khu đất của dự án DAP-DAP 1 - DAP 2 được Đà Nẵng đưa vào danh sách thu hồi. Ảnh: Lao động

Khu đất của dự án DAP-DAP 1 - DAP 2 được Đà Nẵng đưa vào danh sách thu hồi. Ảnh: Lao động

Theo vị luật sư, đòi lại bờ xôi ruộng mật, những khu đất công trước đây trót biến thành "của ông" là điều hết sức bình thường và đương nhiên cũng phải tính toán hậu quả của nó.

Trong trường hợp cụ thể của dự án Khu du lịch ven biển DAP-DAP1-DAP2 tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH DAP đòi bồi thường hơn 4.300 tỷ đồng, LS Trương Anh Tú tin rằng có sự khác biệt lớn với quan điểm của Đà Nẵng. Dù vậy, ông khẳng định, bồi thường phải dựa trên nguyên tắc thu hồi đất.

"Việt Nam đã có cả hệ thống quy định pháp luật về thu hồi đất. Thu hồi là theo giá của Nhà nước về công trình xây dựng, về đất và một số chi phí khác.

Chúng ta đã có "barem" nên chắc chắn sẽ không phức tạp lắm, chẳng qua vì nó mới. Ngày hôm qua doanh nghiệp thu hồi đất của nhân dân hoặc đất không của Nhà nước với giá rất rẻ và nói họ làm đúng luật, theo khung giá đất của Nhà nước. Nhưng nay, khi Nhà nước thu hồi thì doanh nghiệp lại có thái độ khác, cho rằng phải theo giá thị trường, rõ ràng là ứng xử hai mặt với một vấn đề.

Doanh nghiệp phải xem lại điểm này, không thể nào đi thu hồi đất của người dân với khung giá của Nhà nước, giờ lại đòi Nhà nước trả cho doanh nghiệp theo giá thị trường", LS Trương Anh Tú chỉ rõ.

Chủ tịch Công ty TAT Law Firm cho hay, doanh nghiệp có quyền thắc mắc vì thành phố đã có quy hoạch và cho phép thì doanh nghiệp mới làm. Bây giờ thành phố thu hồi thì trách nhiệm sẽ thế nào?

"Nếu doanh nghiệp không đồng ý với khung giá của Nhà nước nêu ra về giá công trình xây dựng, về giá đất thì có thể nghiên cứu một cơ chế bồi thường nhà nước nào đó nằm ngoài cơ chế về thu hồi đất. Đó là quyền của doanh nghiệp, còn quyết thế nào là quyền của luật pháp.

Trong trường hợp doanh nghiệp và chính quyền không thỏa thuận được thì chính quyền có quyền cưỡng chế, bởi khi quyết định hành chính đã đưa ra thì mọi chủ thể phải bình đẳng trước pháp luật, doanh nghiệp cũng như người dân đều phải chấp hành. Nếu không chấp hành việc giao đất thì sẽ bị cưỡng chế", LS Trương Anh Tú nói.

Được biết, trước đề nghị bồi thường hơn 4.300 tỷ đồng của Công ty TNHH DAP, TP đã giao Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) xem xét.

Báo Lao động dẫn lời ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết: “Đây mới chỉ là kiến nghị của doanh nghiệp, thành phố mới đây cũng đã có cuộc họp về việc này và đang giao các ngành để xem xét giải quyết các kiến nghị trên.

Tuy nhiên, để ra được số tiền mà Đà Nẵng phải chi trả lại cho doanh nghiệp để thu hồi số đất trên là cả một bài toán lớn mà hiện nay còn phải đợi doanh nghiệp chốt lại việc điều chỉnh quy hoạch phần dự án chứ không thể trả lời trong ngày một ngày hai”.

Đến nay, TP Đà Nẵng cũng đã họp và yêu cầu các sở, ban ngành liên quan kiểm tra rà soát lại các cơ sở pháp lý về giao đất, quy hoạch, về thu hồi đất ở dự án nêu trên. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc triển khai, thời gian thực hiện dự án khu du lịch này để báo cáo lại cho TP giải quyết.

Thời gian qua, UBND tình Bình Định cũng có chỉ đạo liên quan đến việc di dời 3 khách sạn ven biển tại đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, gồm Hải Âu, Hoàng Yến, Bình Dương để lấy đất xây dựng công viên, phục vụ cộng đồng.

Trong công văn hồi tháng 2/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan làm việc với khách sạn Hoàng Yến để thống nhất phương án di dời và bồi thường, hỗ trợ, tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15/3/2020.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bi-thu-hoi-dat-doanh-nghiep-doi-4300-ty-khong-phuc-tap-3398076/