Bí thư Hà Nội: Tăng cường giám sát quy hoạch, xây dựng đô thị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu tăng cường giám sát công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch, xử lý chất rác thải sinh hoạt…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại kỳ họp

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại kỳ họp

Sáng 6/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dự, phát biểu tại Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hà Nội. Theo ông Huệ, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng, tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Kinh tế Thủ đô giảm sâu trong tháng 4, phục hồi trở lại giữa tháng 5 và tăng trưởng khá mạnh vào tháng 6. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn khá nhiều, gấp 1,82% so bình quân chung của cả nước.

Công tác cải cách hành chính của thành phố được đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ ách tắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hà Nội cũng tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác và đầu tư phát triển", trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với tổng vốn đầu tư 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD), ký 38 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư có tổng giá trị 28,6 tỷ USD.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, 6 tháng đầu năm, trong tình hình dịch bệnh, HĐND thành phố đã chủ động, bám sát chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của thành phố, tổ chức thành công 2 kỳ họp bất thường, 2 cuộc giám sát và 1 phiên giải trình; đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên một số lĩnh vực trọng tâm của thành phố, tạo điều kiện để các cấp, các ngành tổ chức phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như cơ chế, chính sách về mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố năm 2020 đợt 1; sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố...

Theo ông Huệ, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng cần sớm khắc phục 8 thiếu sót, hạn chế. Cụ thể, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế còn thấp, có thể phấn đấu cao hơn; số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp tăng; chỉ số giá được kiểm soát nhưng tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) còn ở mức thấp; tỷ lệ cấp đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đầu tư công; các hoạt động văn hóa, xã hội bị dừng trong thời gian dài do thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19; tình hình tội phạm vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trước bối cảnh, tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020 của thành phố còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố phải tiếp tục thực hiện tốt "nhiệm vụ kép"; vẫn phải phòng, chống dịch hiệu quả, không để lây lan, bùng phát trở lại; vừa phải đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp quận, huyện, thị xã và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Đồng thời, thành phố phải chuẩn bị các công việc cho bầu cử thành công đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội" và một số chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua cho Hà Nội tại kỳ họp thứ chín vừa qua.

Ông Huệ yêu cầu bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành để tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận số 77 ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Cần khai thác tối đa thị trường trong nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.

Khai thác triệt để các nguồn lực của mỗi quận, huyện với phương châm "góp gió thành bão" để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, phấn đấu GRDP tăng gấp 1,3 lần so với mức bình quân chung cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu 285.000 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 mà Quốc hội và Chính phủ đã giao cho thành phố.

Cùng với đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, quốc phòng, an ninh của thành phố 6 tháng đầu năm, làm rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm 2020 phù hợp yêu cầu và tình hình thực tiễn của Thủ đô.

Đặc biệt, đối với các nghị quyết chuyên đề quan trọng, các cơ chế có tính chất đặc thù của thành phố, đề nghị HĐND phân tích kỹ, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, xác định các nội dung cụ thể và phương thức thực hiện khả thi để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Ông Huệ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Thường xuyên rà soát, rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; thực hiện số hóa, phát triển thành phố thông minh và ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát triển một số nền tảng công nghệ dùng chung, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch, xử lý chất rác thải sinh hoạt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp hiện còn thiếu, tiếp tục chỉnh trang đô thị, hạ ngầm cáp điện, cáp thông tin trên các tuyến phố theo kế hoạch đề ra; quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh; phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ ổn định vững chắc, bảo đảm tuyệt đối không chủ quan, không để tái phát dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

“Phấn đấu từ nay đến cuối năm, tạo được những chuyển biến căn bản và rõ rệt về những vấn đề dân sinh, nhất là cung cấp nước sạch nông thôn ở những địa bàn còn khó khăn, cải thiện chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông và quản lý, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố, gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân theo đúng quy định pháp luật và chủ trương của thành phố; đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các kết luận, báo cáo giám sát của HĐND và tái giám sát nếu cần thiết”, ông Huệ yêu cầu.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bi-thu-ha-noi-tang-cuong-giam-sat-quy-hoach-xay-dung-do-thi-1683859.tpo