Bí thư Đoàn năng động của thanh niên Như Cố

Với cái nhìn nhạy bén, chàng trai người dân tộc Tày Lường Đình Hùng, 29 tuổi, Bí thư Đoàn xã Như Cố, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn phát hiện ra quê hương mình có nhiều tiềm năng, nhưng chưa ai biết cách khai thác hiệu quả. Hùng mạnh dạn sáng lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thanh niên Như Cố, dấn thân vào con đường mới lạ với những thuận lợi và không ít thử thách.

Nhà kính trồng các loại dưa truyền thống của HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố. Ảnh: M.H

Nhà kính trồng các loại dưa truyền thống của HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố. Ảnh: M.H

Lối nói chuyện sôi nổi, giàu nhiệt huyết của Lường Đình Hùng có sức lôi cuốn kỳ lạ với những người đối diện. Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về người Bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt tình này.

Ngã rẽ quan trọng nhất trên con đường lập nghiệp, khẳng định bản thân của Hùng khởi nguồn từ cái nhìn tinh ý về sự trù phú của quê hương. Trước khi đến với nông nghiệp, Hùng là cử nhân sư phạm của Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Trở về công tác tại quê hương, trên cương vị là Bí thư Đoàn xã Như Cố, với sự năng nổ và sáng tạo của tuổi trẻ, Hùng đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đoàn viên, thanh niên trong xã vào công tác an sinh xã hội thiết thực như xây bể chứa rác, tặng quà cho gia đình chính sách, học sinh nghèo, vận động các nguồn lực xây dựng cầu dân sinh...

Đầu năm 2017, chàng Bí thư Đoàn xã Như Cố thực hiện bước đi táo bạo là sáng lập Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp (tiền thân của HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố) dựa trên ý tưởng tận dụng nguồn đất đai dồi dào của địa phương để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên, thanh niên trong xã. Với 9 thành viên ban đầu, tổ hợp tác thí điểm chuyển đổi 6.000m2 đất ruộng sang trồng rau tại thôn Nà Chào, xã Như Cố.

Sau khi trồng thành công các loại rau, HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố trồng thêm các loại dưa truyền thống của địa phương như: Dưa hấu, dưa lê, dưa chuột và mới đây là cây thanh long ruột đỏ. Để mở rộng vùng trồng, HTX liên kết với người dân qua phương thức HTX hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người dân góp đất, góp nhân công.

Anh Hùng cho biết: “Ngay từ buổi đầu, chúng tôi xác định trồng rau theo quy trình sản xuất sạch, nói “không” với hóa chất để có sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Quá trình sản xuất, các thành viên trong HTX thực hiện rất nghiêm túc quy trình an toàn, ghi chép đầy đủ các bước chăm sóc, thu hoạch. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm định nông sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất của HTX”.

Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, ngoài việc vận động các thành viên liên kết với HTX áp dụng kỹ thuật cao trong canh tác, sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc, Hùng và các thành viên trong HTX nghiên cứu, thiết kế logo, nhãn mác cho sản phẩm. Để sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng, HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm: Rau, củ, quả, chè sạch Như Cố, trà mướp đắng rừng, bún khô, mật ong hoa rừng, rượu men lá Khuổi Chù.

Thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mới đây, HTX Như Cố xây dựng thêm mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp, cá sạch, gà lai ri bán hữu cơ, chè sạch. Hùng đã xây dựng trang facebook mang tên "Đoàn xã Như Cố" để bán các sản phẩm nông sản của HTX trên mạng. Bền bỉ xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng sản phẩm, đến thời điểm này, một số sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, điển hình là thương hiệu Dưa lê Như Cố bắt đầu xuất hiện ở thành phố Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Hùng cho biết: “Mỗi ngày, HTX Như Cố cung cấp ra thị trường 2-3 tấn rau, củ, quả. Đến nay, HTX đã có 17 thành viên, cùng với đó là các vệ tinh, bao gồm: Tổ hợp tác trồng rau bò khai, rau củ an toàn; nhóm sở thích chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, tổ hợp tác trồng dưa lê”... Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài, nhưng HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố đang thể hiện được vai trò đầu tàu trong việc kết nối các nguồn vốn hỗ trợ, quảng bá, marketing, tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Hùng cho biết: “Mục tiêu hướng tới của chúng tôi là mở rộng quy mô sản xuất và tăng thêm số lượng mặt hàng. Chúng tôi đang triển khai bước đi dài hơn là canh tác theo mô hình nhà lưới công nghệ cao, quy mô lớn để đảm bảo chuỗi cung ứng. Thực hiện điều này, HTX đứng ra thuê đất của người dân, kết nối các kỹ sư nông nghiệp để hỗ trợ cho các thành viên cùng sản xuất. Sau khi thuê đất của bà con, HTX sẽ hợp đồng để bà con trở thành người lao động của HTX. Việc thuê đất sản xuất tập trung như vậy không chỉ giúp HTX giám sát được quy trình sản xuất nghiêm ngặt và thu hoạch được các sản phẩm chất lượng, mà còn đảm bảo để bà con có được thu nhập cao hơn cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện giờ. Bên cạnh đó, chúng tôi dự định đầu tư chế biến chè sạch. Hiện, toàn xã có 100ha cây chè. Chúng tôi sẽ thu mua toàn bộ chè tươi của bà con, chế biến thành chè khô”.

Hiện tại, khó khăn lớn nhất mà Hùng và thành viên trong hợp tác xã gặp phải là nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và xúc tiến thương mại. Đây là những yếu tố cốt tử đối với mỗi doanh nghiệp mà những HTX non trẻ như HTX Như Cố rất cần sự giúp sức từ Nhà nước. Theo tính toán của Hùng, để mở rộng sản xuất, hợp tác xã cần nguồn vốn khoảng 1 đến 1,5 tỉ đồng. Về kênh phân phối sản phẩm, Hùng đang nghiên cứu, xây dựng website: htxnnthanhniennhuco.com.vn, nếu trang web được phê duyệt và đi vào hoạt động sẽ là kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến hữu ích, giúp quảng bá sản phẩm của HTX rộng rãi hơn nữa.

Thanh Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bi-thu-doan-nang-dong-cua-thanh-nien-nhu-co/