Bí thư Đà Nẵng: Sân vận động Chi Lăng theo phán quyết của tòa không thể thực thi nổi

Sáng ngày 30/6, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri thành phố để báo cao kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trả lời ý kiến cử tri liên quan đến sân vận động Chi Lăng ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP cho rằng: Đà Nẵng có cơ hội lấy lại sân vận động Chi Lăng và việc thực thi theo phán quyết của tòa án là bất khả thi, không thể thực thi nổi.

Theo ông Trương Quang Nghĩa, Đà Nẵng còn cơ hội lấy lại sân vận động Chi Lăng. Ảnh: Nguyễn Thành

Theo ông Trương Quang Nghĩa, Đà Nẵng còn cơ hội lấy lại sân vận động Chi Lăng. Ảnh: Nguyễn Thành

Phần tiếp thu ý kiến, giải trình các câu hỏi của cử tri, ông Trương Quang Nghĩa cho hay: Hiện nay, Đà Nẵng đang giải quyết rất nhiều hậu quả do quá trình phát triển nóng liên quan đến sai phạm đất đai, trong đó nổi bật và được nhiều cử tri đặt câu hỏi liên quan đến việc Đà Nẵng có chủ trương thu hồi, lấy lại sân vận động Chi Lăng để phục vụ mục đích công cộng.

Ông Nghĩa chia sẻ: Liên quan đến, sân vân động Chi Lăng, nhiều cử tri, cán bộ hưu trí của TP Đà Nẵng đã hỏi ông rất nhiều về câu chuyện thu hồi. Tại sao nói như thế mà bây giờ vẫn vậy? “Chúng ta không thể nói là thu hồi được ngay. Tư cách của Đà Nẵng đối với sân vân động Chi Lăng hiện nay là gì?”. Bí thư Đà Nẵng nêu câu hỏi và trả lời: Đà Nẵng đã bán sân vận động Chi Lăng và giao dự án cho doanh nghiệp rồi. Doanh nghiệp lại mang sân vận động đi thế chấp ngân hàng. Tòa án xử đây là tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Đà Nẵng muốn thu hồi cũng phải theo đúng trình tự, quy định.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng giải trình ý kiên cử tri. Ảnh: Nguyễn Thành

“Với nguyện vọng của người dân muốn lấy lại sân vận động Chi Lăng. Vậy, Đà Nẵng còn cơ hội hay không ? Chúng tôi xem xét mọi chuyện và thấy rằng Đà Nẵng còn cơ hội lấy lại sân vận động Chi Lăng” ông Nghĩa nói.

Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng giải thích cụ thể hơn về cơ hội lấy lại sân Chi Lăng để phục vụ công cộng, bởi lẽ: sân vận động Chi Lăng được TP Đà Nẵng giao cho doanh nghiệp nhưng đến thời điểm hiện nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, quy hoạch khu vực dự án này chưa có. “Cơ sở đâu có 14 sổ đỏ để doanh nghiệp mang đi thế chấp ngân hàng. Và sổ đỏ đó có hợp pháp hay không ? Và khả năng mang sân vận động Chi Lăng ra thực hiện đấu giá như kết luận của Tòa án là hoàn toàn không được.” ông Nghĩa phân tích thêm

Theo Bí thư Đà Nẵng, số phận sân vận động Chi Lăng, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào Đà Nẵng. Nhưng cái khó hiện nay là tòa đã ra phán quyết, quyền lợi giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang giằng co. Đà Nẵng đang đề xuất lấy Sân vận động Chi Lăng với cách thức của mình, nghĩa là chỉ có có cách là trả lại tiền, trả lại lãi suất ngân hàng nhưng việc này phải được nhân dân đồng ý. Không phải khơi khơi mấy ông lãnh đạo bảo trả là trả lại ngay.

“Chúng ta sẽ phê duyệt quy hoạch khu vực sân vân động Chi Lăng mà hiện nay chưa có. Nếu như không có quy hoạch thì làm sao mang ra đấu giá, đấu thầu được. Việc thực thi theo phán quyết của tòa án là bất khả thi, không thể thực thi nổi” ông Nghĩa cho biết.

Chia sẽ với các cử tri thành phố về việc họ sốt ruột, mong ngóng Đà Nẵng nhanh chóng lấy lại sân Chi Lăng, ông Nghĩa cho hay: chúng ta không đề cập đến việc vì sao giai đoạn trước lại bán sân vận động Chi Lăng đi. Nhưng với gia đoạn hiện nay, chúng ta đang cố gắng đề nghị giải quyết để Đà Nẵng lấy lại được sân vận động Chi Lăng bởi đây là địa chỉ mà người Đà Nẵng đã khắc sâu từ lâu rồi.

“Sai lầm của một số lãnh đạo giai đoạn trước nay đã nghỉ rồi. Bây giờ chúng tôi đang cố gắng khắc phục lại việc này. Nhưng với mỗi quyết định đưa ra phải tuân thủ đúng quy định pháp luật và phải theo đúng trình tự” ông Nghĩa cho biết.

Cử tri Đà Nẵng phản ánh ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Nguyễn Thành

Như Tiền Phong đã đưa tin, năm 2010, UBND TP Đà Nẵng dưới thời ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch đã chỉ đạo lập thủ tục giao đất SVĐ Chi Lăng cho Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh triển khai thực hiện dự án. Ngày 10/11/2010, UBND TP Đà Nẵng có công văn số 7120 chấp thuận đề nghị tách thửa cho các Cty thành viên. Từ đó đến nay, dự án chưa được triển khai, khu đất SVĐ Chi Lăng được chia thành 14 lô. Tháng 1/2011, UBND TP Đà Nẵng đã cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Năm 2013 và 2014, các công ty này thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn tại các ngân hàng.

Ngày 11/5/2018, UBND TP Đà Nẵng nhận được báo cáo về việc thụ lý, tổ chức thi hành án dân sự vụ Phạm Công Danh và Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Theo đó, Cục thi hành án dân sự thành phố báo cáo việc căn cứ quyết định ủy thác thi hành án số 310 của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng đã thụ lý và ra quyết định thi hành án số 82 ngày 7/5/2018 cho thi hành án đối với Cty TNHH Thiên Thanh (có trụ sở tại 302 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TPHCM) và ông Phạm Công Danh (trú tại cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh). Số tiền phải thi hành án là hơn 3.600 tỷ đồng cộng tiền lãi được tính theo mức lãi suất tại các hợp đồng tín dụng.

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bi-thu-da-nang-san-van-dong-chi-lang-theo-phan-quyet-cua-toa-khong-the-thuc-thi-noi-1680817.tpo