Bí thư Đà Nẵng: Lấy lại những gì còn có thể để làm các công trình công cộng!

Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lên tiếng trước việc để thu hồi một số dự án 'ngâm' ở ven biển và khu vực trung tâm làm công viên, vườn dạo, bãi đỗ xe…, Đà Nẵng đang vấp phải sự phản ứng tiêu cực của một số chủ đầu tư, và dự kiến TP phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để bồi thường!

Sao không điều chỉnh quy hoạch để chỉ thu hồi phần đất TP cho thuê?

Như tin đã đưa, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo 331-TB/TU ngày 31/01/2018 liên quan tới 7 nhóm vấn đề, dự án lớn mà dư luận xã hội rất quan tâm, UBND TP Đà Nẵng đang có kế hoạch thu hồi một số dự án “ngâm” ở ven biển và khu vực trung tâm TP làm công viên, vườn dạo, bãi đỗ xe…. , nhưng đang vấp phải sự phản ứng tiêu cực của một số chủ đầu tư, và dự kiến TP phải bỏ ra nhiều ngàn tỉ đồng để bồi thường.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng thông tin về việc chủ đầu tư khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu chưa thống nhất với chủ trương của lãnh đạo TP thu hồi đất thực hiện dự án Công viên biển Ngũ Hành Sơn (Ảnh: HC)

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng thông tin về việc chủ đầu tư khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu chưa thống nhất với chủ trương của lãnh đạo TP thu hồi đất thực hiện dự án Công viên biển Ngũ Hành Sơn (Ảnh: HC)

Nổi lên trong đó là việc thu hồi một phần dự án Khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu để làm Công viên biển quận Ngũ Hành Sơn. Hiện chủ đầu tư Hòn Ngọc Á Châu chưa đồng ý với chủ trương của TP, mặc dù dự án này đã “ngâm” rất nhiều năm không triển khai, hoặc chỉ khởi động rồi lại… nằm im kéo dài.

Tương tự, với dự án bãi tắm kết hợp công viên công cộng phía Bắc dự án khu du lịch ven biển của Công ty DAP (quận Ngũ Hành Sơn), Sở TN-MT Đà Nẵng đang kiểm tra, tham mưu về thủ tục thu hồi đất và dự kiến chuẩn bị đầu tư trong tháng 9/2019. Tuy nhiên hiện Công ty DAP cũng đang có kiến nghị chứ chưa thống nhất. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đang chỉ đạo các đơn vị xem xét, rà soát củng cố về thủ tục pháp lý làm cơ sở thu hồi đất theo đúng quy định.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, lãnh đạo TP đã xác định việc thực hiện Thông báo 331-TB/TU sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua mặc dù các cơ quan hữu quan có quyết tâm nhưng tiến độ còn chậm. Cơ bản đến nay về mặt quy hoạch đã xong, và đang trong giai đoạn ráp giá để đền bù, giải phóng mặt bằng và lập dự án. Tuy nhiên tính khả thi của việc triển khai cần được thảo luận kỹ.

“Có những chỗ thu hồi đất đền bù tới 300 – 400 tỉ, vậy tại sao không nghĩ ra cách điều chỉnh lại quy hoạch để chỉ thu hồi phần đất TP cho các dự án đó thuê thôi? Chỗ Hòn Ngọc Á Châu hay DAP, mình cắt những phần đất họ đã trả tiền một lần rồi thì đương nhiên tiền đền bù phải cao, trong khi phần đất TP cho họ thuê chiếm tới 70 – 80%. Vậy thì cần thuyết phục chủ đầu tư đổi lại quy hoạch, dồn phần đất trả tiền một lần qua một bên, còn TP thu hồi lại phần đất cho thuê trả tiền hàng năm thôi thì không tốn tiền gì cả!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Lại cho Viễn Đông Medirian chuyển nhượng dự án?

Liên quan đến một số dự án chậm triển khai tại khu vực trung tâm TP, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho hay, hiện nổi lên dự án khu vườn đạo phía Đông nhà hát Trưng Vương trên cơ sở thu hồi dự án Viễn Đông Medirian Tower (khu đất 84 Hùng Vương) với quy mô 11.170m2. Bồi thường về đất theo giá quy định chung của TP là 454 tỉ đồng; còn theo giá thị trường khoảng 1.041 tỉ đồng, chưa kể vật kiến trúc. Tuy nhiên chủ đầu tư đang kiến nghị cho chuyển nhượng dự án để tiếp tục triển khai (dù dự án này từng chuyển nhượng một lần), còn nếu TP Đà Nẵng thu hồi thì phải đền bù phần đất đai, kiến trúc, xây dựng khoảng 2.300 tỉ đồng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2019 của UBND TP hôm 23/01 vừa qua... (Ảnh: HC)

Theo ông Tô Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, sau gần 10 năm Viễn Đông Medirian “đắp chiếu”, TP Đà Nẵng đã gia hạn thời gian sử dụng đất đối với dự án này từ năm 2017 và theo Luật Đất đai thì 24 tháng sau khi gia hạn, TP có thể tiến hành việc thu hồi dự án. Tuy nhiên ông Tô Hùng cho rằng nên xem xét lại quy hoạch tổng thể của khu vực.

“TP đã có kế hoạch thu hồi dự án Vũ Châu Long gần đó làm công viên, bãi đỗ xe và khu vực đó sẽ tiếp tục quy hoạch triển khai quảng trường công cộng. Vậy thì có thể xem xét có dự án Viễn Đông Medirian tại 84 Hùng Vương và điều chỉnh lại quy hoạch, tăng diện tích công cộng và yêu cầu chủ đầu tư đưa phần diện tích công cộng của dự án thành diện tích công cộng chung, cũng như tăng cường diện tích bãi đỗ xe của dự án. Như vậy tổng thể của khu vực cũng rất hợp lý, nên cần cân nhắc lại đối với dự án ở 84 Hùng Vương!” – ông Tô Hùng nói.

Tương tự, ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng nêu quan điểm nên xem xét lại chủ trương thu hồi đối với một số dự án, bởi hiện nay nguồn lực cân đối của TP cần phải ưu tiên cho nhiều công trình cấp thiết hơn. Trong đó, ông đặt vấn đề: “Có cần thiết thực hiện việc thu hồi dự án Viễn Đông Medirian ở 84 Hùng Vương hay không?”.

Theo ông Trần Phước Sơn, hiện nay nhà đầu tư cũng đang có văn bản đề xuất, kiến nghị với TP có hai hướng để giải quyết. Trước hết, nếu TP thu hồi phải đền bù cho nhà đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng. Nếu TP không thực hiện việc đền bù thì cho phép nhà đầu tư được chuyển nhượng dự án để tiếp tục triển khai theo quy hoạch của TP.

“TP thu hồi dự án Vũ Châu Long làm bãi đỗ xe và công viên với mức đền bù 300 – 400 tỉ thì có thể cân nhắc, xem xét cân đối. Tuy nhiên thu hồi thêm khu 84 Hùng Vương thì phải bỏ ra 2.300 tỉ nữa; rồi còn đền bù mở rộng Công viên APEC, dự án bến du thuyền phía Nam cảng Sông Hàn… thì nguồn cân đối ngân sách TP giai đoạn 2016 - 2020 có cáng đáng nổi không? Quan điểm của Sở KH-ĐT cũng mạnh dạn đề xuất cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng dự án 84 Hùng Vương để thực hiện đầu tư theo quy hoạch!” – ông Trần Phước Sơn nói.

Cần nhiều ngàn tỉ bồi thường các dự án “đắp chiếu”?

Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, chủ trương xuyên suốt tại Thông báo số 331-TB/TU là điều chỉnh lại quy hoạch không gian đô thị, cho nên nhiều khi có tốn kém thì cũng phải tìm cách làm cho đạt được mục tiêu tổng thể. Những dự án triển khai chậm quá thì nghiên cứu áp dụng Luật Đất đai để thu hồi, chứ còn cứ nghe đền bù lên tới hàng ngàn tỉ thì sẽ thấy rối. Cần phải nghĩ ra cách để làm cho được, phải tìm giải pháp tháo gỡ và có quyết tâm thực hiện cho được theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy!

Ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: "Quan điểm của TP là lấy lại những gì còn có thể để làm các công trình công cộng!" (Ảnh: HC)

“Còn với dự án cụ thể ở khu 84 Hùng Vương thì phải xem xét cả quá trình pháp lý nữa, vì dự án này đã kéo dài bao nhiêu năm không triển khai. Bây giờ nếu để cho nhà đầu tư tiếp tục chuyển nhượng nữa thì quá trình triển khai sắp tới có được không, hay qua một nhà đầu tư khác cũng chỉ là cách để kéo dài chứ dự án vẫn tiếp tục chậm trễ, trong khi cả khu vực quan trọng giữa trung tâm TP thì nhếch nhác như thế.

Quy định quản lý nhà nước về đất đai rất rõ ràng. Tôi đề nghị các ngành, các cấp trước hết cần triển khai nghiêm túc theo chủ trương của lãnh đạo TP tại Thông báo 331-TB/TU, còn vướng ở đâu thì sẽ tìm cách tháo gỡ ở đó. Và cái này cần phải làm khẩn trương lên!” – Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2019 của UBND TP hôm 23/01 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án, công trình được dư luận quan tâm tại Thông báo 331-TB/TU của Ban thường vụ Thành ủy nhằm sớm giải quyết các vấn đề bà con cử tri, nhân dân TP thường xuyên quan tâm theo dõi, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.

Đối với việc xử lý dự án 84 Hùng Vương, ông Trương Quang Nghĩa nêu rõ quan điểm: “Tôi xin nói là còn dài lắm, đừng vội lo năm nay có tiền hoặc nhiệm kỳ này có tiền bỏ ra mua lại cái 84 Hùng Vương hay không? Không phải! Cái chúng ta làm bây giờ là sửa lại cái 84 Hùng Vương có còn là các cao ốc không, chứ không phải mua cái đó để làm gì. Vấn đề bây giờ là phải rà soát lại ngay khu vực trung tâm TP, những dự án nào bất cập thì phải xử lý!”.

Đồng thời Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng chỉ rõ hướng xử lý đối với các dự án ven biển: “Một TP nhìn ra phía Đông là biển. Biển là cái rất gần gũi, thân quen với người dân Đà Nẵng, nhưng mà cũng chẳng còn nhìn ra được biển, tắm cũng khó khăn. Đây là một trong những nội dung mà nếu còn kịp thì chúng ta phải điều chỉnh lối xuống biển, các dự án ven biển…

Quá trình làm tất nhiên là rất khó khăn. Vừa rồi tôi phải tiếp nhiều người, nhưng quan điểm của TP là lấy lại những gì còn có thể để làm các công trình công cộng. Đặc biệt, tôi đang nghe có một số dự án sát mặt biển mà làm nhà cao tầng này nọ thì đề nghị rà soát lại hết, hạn chế tối đa việc tạo ra các “bức tường” bê tông ngăn phía biển, không ai nhìn thấy gì cả. Cái đó phải hết sức lưu ý!”.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/bi-thu-da-nang-lay-lai-nhung-gi-con-co-the-de-lam-cac-cong-trinh-cong-cong-post288920.info