Bí thư Đà Nẵng: Lãnh đạo không nghe lời dân nên sai phạm

'Có những việc lãnh đạo Đà Nẵng không tham vấn ý kiến của người dân. Anh cứ tự mình quyết các vấn đề nên dẫn đến sai phạm, khuyết điểm', ông Trương Quang Nghĩa nói.

Sáng 10/4, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, có buổi làm việc với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thành phố.

Góp ý lãnh đạo cũng không nghe

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, nói rằng Ủy ban MTTQVN đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người dân. Ở vai trò ngược lại, MTTQVN là "là cầu nối" giữa người dân với Đảng, Nhà nước thì đang bị xem nhẹ. "Tức là lãnh đạo nói thì dân nghe, nhưng ý nguyện của người dân thì lãnh đạo lại không quan tâm xem xét", ông Tiếng bức xúc.

Ông Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông nêu lại việc 2 năm trước, lãnh đạo Đà Nẵng cương quyết di dời trụ sở Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng về số 12 Trần Phú để lấy lại ngôi nhà ở số 70 đường Bạch Đằng nhằm mở rộng trụ sở Thành ủy.

"Ngôi nhà này nó giá trị lịch sử hơn 100 năm. Khi đó, tôi và rất nhiều người dân bức xúc phản đối, nhưng các anh lãnh đạo thành phố vẫn cố tình xóa bỏ một công trình lịch sử quan trọng", ông Tiếng nói.

Ông Trần Đình Liên, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, dẫn chứng lại việc người dân phường Nam Ô (quận Liên Chiểu) tụ tập đông người phản đối dự án chặn lối đi xuống biển.

Theo ông, nếu như các cấp chính quyền lắng nghe ý kiến người dân trước khi bán đất cho Tập đoàn Trung Thủy (chủ đầu tư dự án) thì không xảy ra việc làng nghề nước mắm Nam Ô bị xóa sổ.

Vụ việc này đang khiến người dân, dư luận bức xúc. Nếu các anh lãnh đạo lắng nghe người dân thì không có chuyện ở một thành phố biển nhưng không có đường xuống tắm.

"Ở các nhiệm kỳ lãnh đạo trước, chúng tôi có góp ý thì các anh ấy cũng không nghe. Nếu nói thẳng thắn thì các vị ấy lại phật ý, tự ái", ông Liên nói.

Không nghe dân dẫn đến sai phạm

Ông Bùi Chí Loan, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, nhắc lại vụ một số lãnh đạo cao nhất của địa phương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý kỷ luật thời gian qua. "Việc sai phạm, khuyết điểm của các vị lãnh đạo nói trên là hậu quả của việc không chịu lắng nghe người dân góp ý", ông Liên thẳng thắn.

Ông Phạm Hà Bắc, Phó trưởng Ban Nội chính thành phố, thừa nhận người dân vẫn còn e dè với công tác phòng chống tham nhũng. Lý do là dân sợ bị người có chức, có quyền trả thù.

Ông Trần Đình Liên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Mặt khác, vai trò của các cơ quan chức năng, tổ chức mặt trận đoàn thể chưa được phát huy dẫn đến người dân chưa thật sự tin tưởng vào công cuộc phòng chống tham nhũng.

Ông kiến nghị các cơ quan Trung ương tạo khung pháp lý và cơ chế chính sách để mọi người dân tham gia vào "chiến dịch" chống tham nhũng.

Ông Nghĩa thừa nhận qua kiểm điểm có phát hiện tình trạng một số lãnh đạo tự quyết nhiều việc mà không hỏi ý kiến người dân. Đơn cử như việc sai phạm trong lĩnh vực đất đai mà Thanh tra Chính phủ kết luận năm 2013.

"Khi đó, trước khi anh ban hành chủ trương mà hỏi ý kiến người dân, doanh nghiệp thì đâu có sai như vậy", ông Nghĩa nói.

"Tôi mong các anh, chị nói cho tôi thấy những vấn đề gai góc, chỉ ra cho Thành ủy thấy lãnh đạo nào có thái độ xa dân, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đó là những ý kiến khó nghe nhưng tôi rất mong các vị thẳng thắn, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ", ông Nghĩa chốt lại buổi làm việc.

Đoàn Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bi-thu-da-nang-lanh-dao-khong-nghe-loi-dan-nen-sai-pham-post833214.html