Bí thư Đà Nẵng: Cán bộ Hội phải 'Nghe nông dân nói, làm nông dân tin'

Ngày 25.9, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023 chính thức khai mạc. Dự Đại hội có Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam - Đinh Khắc Đính, Bí Thành ủy Đà Nẵng- Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ...

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Đại hội đại biểu ND lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023

Phát biểu tại Đại hội, ông Trương Quang Nghĩa- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, những thành tích quan trọng mà các cấp Hội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua thể hiện rõ nét ở các phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo nông thôn Đà Nẵng ngày càng khang trang, khởi sắc và phát triển kinh tế biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương. Tổ chức Hội được kiện toàn, nâng cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện khá tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người nông dân.

Đáng ghi nhận là các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với định hướng của thành phố về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sản xuất nông sản sạch.

Bước đầu xây dựng và hình thành được khá nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân thành phố, hằng năm thu lợi nhuận từ trăm triệu đến hàng tỷ đồng như: sản xuất lúa hữu cơ, nấm, rau sạch công nghệ.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tặng mô hình ứng dụng công nghệ cao tại Đại hội đại biểu Hội ND thành phố lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023.

“Tuy nhiên, nông nghiệp thành phố hiện nay vẫn chưa thật sự phát triển tốt, nông thôn vẫn còn khó khăn và nông dân còn nhiều vất vả; hoạt động của Hội có mặt chưa đáp ứng với lòng mong mỏi của hội viên, nông dân. Do đó, Hội cần xác định rõ vai trò, chức năng của tổ chức mình để có giải pháp chuẩn xác, đột phá thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đến, phối hợp với các ngành chức năng liên quan bám sát, cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra…”, ông Nghĩa phát biểu.

Tại hội nghị, ông Nghĩa đã nêu ra một số vấn đề đề nghị Đại hội đại biểu nghiên cứu, thảo luận và quan tâm thực hiện tốt hơn trong thời gian đến.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, gắn với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch, chú trọng các tiêu chí về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng về nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ nông dân tiếp cận các giải pháp kỹ thuật, nguồn vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩn, kiếm soát tốt chất lượng nông sản.

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, phát triển ngư nghiệp; động viên bà con ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, khai thác tại các ngư trường truyền thống nhằm bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư cải thiện, nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nâng tầm lên nông thôn mới kiểu mẫu. Hội nông dân các cấp cần phải ra tay, vào cuộc mạnh mẽ; phải thật sự tuyên truyền, vận động để đảm bảo 100% hộ nông dân có nếp sống văn hóa, văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên, nông dân.

Bên cạnh đó, tạo dựng và duy trì tình làng, nghĩa xóm đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Phát huy cái hay, cái đẹp, ngăn chặn, giảm thiểu những cái xấu, cái không tốt đang xâm nhập vào đời sống nông dân.

Thứ ba, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần. Chú trọng chăm lo tốt hơn nữa đời sống của hội viên, nông dân ở những nơi còn ít hoặc không còn đất canh tác do quá trình đô thị hóa. Hội cần đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn vay, giới thiệu việc làm cho những hội viên nông dân khó khăn.

Thứ tư, điều cốt lõi của mọi vấn đề vẫn là tập trung chăm lo xây dựng tổ chức Hội, đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp. Các cấp hội phải phát huy cho được vai trò đoàn kết, tập hợp nông dân; khắc phục bằng được “bệnh hành chính” trong công tác Hội. Tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhất là trên lĩnh vực về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tập trung kiện toàn tổ chức Hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cán bộ Hội phải sâu sát địa bàn, “nghe nông dân nói, nói nông dân thông và làm cho nông dân tin”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị đề nghị các cấp ủy đảng cần tăng cường sự lãnh đạo các hoạt động của Hội. Trước hết, cần tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề lớn, bức xúc đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, dự án nông nghiệp, nông thôn cho sát thực tế, tránh lãng phí tài nguyên đất; tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dịp này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã hỗ trợ Hội Nông dân thành phố dự án xây dụng mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch ứng dụng công nghệ cao với diện tích 4 hecta tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

Kim Oanh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/bi-thu-da-nang-can-bo-hoi-phai-nghe-nong-dan-noi-lam-nong-dan-tin-915846.html