Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi thu hút nông nghiệp, ra tận sân bay đón doanh nghiệp

'Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư vào những vùng khó khăn này. Ví dụ như Gia Lai, đích thân đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi thu hút nông nghiệp, trực tiếp ra sân bay đón doanh nghiệp vào, do đó chỉ trong thời gian ngắn đã khởi công được nhà máy chế biến'… Sáng nay (6/11), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là vị tư lệnh ngành đầu tiên 'ngồi ghế nóng' trong phiên chất vấn và trả lời chất kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đăng đàn trả lời chất vấn

3 năm, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp tăng 3 lần

Ông Cường từng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa này.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bắt đầu dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, diễn ra từ 8h10-14h30.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có hơn nửa ngày trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, xoay quanh các vấn đề: chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản.

Bộ trưởng NN&PTNT cũng sẽ thông tin về công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng cũng như hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu: Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Nông nghiệp được yêu cầu trả lời chất vấn trong kỳ họp. "Chúng tôi cho rằng các nội dung chất vấn này giúp Bộ nhìn nhận lại mình tốt hơn trong hoạt động, qua đó khắc phục được những tồn tại. Chúng tôi coi đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn đây là cơ hội lắng nghe, qua đó có các giải pháp tốt", ông Cường nói.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nêu câu hỏi, trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, phát triển thị trường, do đó đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền trong cả nước; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn - trong đó hầu hết là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước - đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, "số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân".

"Vậy giải pháp căn cơ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp là gì?", bà Trang tiếp tục chất vấn.

Ông Cường nói, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

"Nếu có khuôn khổ pháp lý tốt thì sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hiện nay dù khó khăn nhưng lĩnh vực này vẫn còn dư địa", ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

Kêu gọi đầu tư vào những vùng khó khăn

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn, cà phê, cao su, tiêu là các cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng mấy năm gần đây giá cả bấp bênh, bà con đề nghị được trợ giá, Bộ trưởng cho biết giải pháp tới đây như thế nào?

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận dù có nhiều chính sác hỗ trợ, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Một thực tế do họ sản xuất bấp bênh, kém hiệu quả. Ông nhấn mạnh giải pháp tập trung kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào tổ chức liên kết cho bà con nông dân, phục vụ sản xuất.

"Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư vào những vùng khó khăn này, ví dụ như Gia Lai, đích thân đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi thu hút nông nghiệp, trực tiếp ra sân bay đón doanh nghiệp vào, do đó chỉ trong thời gian ngắn đã khởi công được nhà máy chế biến", ông Cường nói và cho biết thêm, ông chủ doanh nghiệp này cảm động, cho biết sẽ tiếp tục đầu tư một nhà máy nữa để góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Cường cũng khẳng định việc này là trách nhiệm của bộ nên bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây nguyên.

Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, các Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đầu giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan. Và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi, đặc biệt thể hiện trách nhiệm và có giải pháp cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để giám sát.

THANH NHUNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bi-thu-chu-tich-tinh-di-thu-hut-nong-nghiep-ra-tan-san-bay-don-doanh-nghiep-20191106092710611.htm