Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn - Bài 2: Xây dựng bộ máy cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Việc nhất thể hóa Bí thư chi bộ và Trưởng thôn, khu dân cư tại Hải Dương nằm trong các đề án mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra. Bước đầu, việc nhất thể hóa đã thể hiện những mặt ưu việt nhưng vẫn còn đó những băn khoăn, cần kịp thời tháo gỡ để đề án phát huy hiệu quả.

Bầu cử trưởng thôn tại huyện Thanh Miện.

Bầu cử trưởng thôn tại huyện Thanh Miện.

Những băn khoăn

Ông Hồ Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc cho biết: Trước khi thực hiện nhất thể hóa, Gia Xuyên là xã gặp nhiều khó khăn nhất của huyện Gia Lộc do xã có 3 thôn lớn với trên 4.500 dân/thôn. Ví dụ, trước khi sáp nhập, thôn Tranh Đấu có 3 chi bộ với 3 Bí thư, 1 Trưởng thôn và 2 phó thôn; thôn Tằng Hạ có 2 chi bộ; thôn Đồng Bào có 3 chi bộ. Đảng ủy xã đã tổ chức vận động và thực hiện nhất thể hóa thành công nhưng vẫn bộc lộ bất cập khi một chi bộ nhưng nhiều khi phải sinh hoạt phân tách thành hai nơi; việc điều hành trong chi bộ của Bí thư đôi khi còn lúng túng và một số Bí thư chi bộ, Trưởng thôn vẫn e ngại trong khi thực thi nhiệm vụ được giao.

Bà Hồ Thị Xuấn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tằng Hạ chia sẻ: Từ khi sáp nhập, công việc trở nên phức tạp hơn. Ở thôn tôi, trước đây có một chi bộ, một trưởng thôn. Bây giờ mới sáp nhập chi bộ, tôi được bầu làm Bí thư kiêm Trưởng thôn trong khi đó thôn vẫn là 2 cơ sở. Khi tiến hành bàn bạc để triển khai bất cứ công việc gì, tôi vẫn phải tổ chức 2 cuộc họp ở 2 cơ sở; trong khi đó, các ngành đoàn thể lại vẫn tách bạch nên việc vận động, thu chi đóng góp cũng không đơn giản. Ví dụ như việc xây dựng nghĩa trang mới cho thôn thì một nửa thôn trên đồng ý, một nửa thôn dưới không đồng ý; cuối cùng phải ra sức vận động thì nửa đồng ý mới chịu đóng gấp đôi nửa không đồng ý và mãi chúng tôi mới xây dựng được nghĩa trang. Chi bộ thôn giờ lại đông (có tới 68 đảng viên) và địa bàn rộng, trong khi đó, phụ cấp cho Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn lại không tăng lên mấy.

Trước khi nhất thể hóa, Bí thư chi bộ được phụ cấp 1,0, Trưởng thôn được phụ cấp 1,0. Nay tiến hành nhất thể hóa, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn được phụ cấp 1,5, quy ra được khoảng gần 2 triệu đồng/người/tháng. Số tiền phụ cấp này là thấp trong khi công việc thì nhiều gấp đôi. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tằng Hạ mong muốn các cấp, ngành có thể nghiên cứu tăng hỗ trợ cho các Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn bởi ở vùng nông thôn, công việc rất nhiều.

Đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ, việc phụ cấp chưa đáp ứng được công sức của các đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn ở khu vực nông thôn là điều lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng rất trăn trở bởi nguồn ngân sách có hạn. Ở khu vực đô thị thì phần lớn Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư là các cán bộ về hưu có lương và thu nhập ổn định thì ở khu vực nông thôn thì cán bộ chủ yếu làm nông nghiệp. Ở khu vực nông thôn do phong tục tập quán, tình làng, nghĩa xóm nên các gia đình khi có việc dù lớn hay nhỏ đều mời trưởng thôn tham dự. Trong khi đó phụ cấp của họ lại quá thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.

Một vấn đề đặt ra nữa là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, khu dân cư phần lớn tuổi đã cao (ngoài 65 tuổi) nên đảm bảo sức khỏe cho công việc cũng là một trở ngại. Nhiều thôn có tới trên 3.500 dân, địa bàn lớn thì ngay cả việc đi thăm đồng của Trưởng thôn hàng ngày cũng khó đảm bảo.

Theo Đề án của tỉnh Hải Dương thì đối với những thôn, khu dân cư có dưới 3.500 dân và có dưới 100 đảng viên thì chỉ thực hiện mô hình 1 chi bộ. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn của Hải Dương phần lớn thanh niên đều thoát ly xin đi làm trong các khu, cụm công nghiệp và mức phụ cấp thấp không khuyến khích thanh niên ở lại làm công tác ở thôn, khu dân cư.

“Hơn nữa, khi đã đảm nhiệm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn dân cư, hầu như mọi người đều phải bỏ hết các công việc khác chỉ tập trung vào chuyên môn bởi có thế mới có thể gần dân, sát dân. Ở vùng quê, mỗi chi bộ lại có nhiều đảng viên cao tuổi nên chỉ việc 'đả thông' tư tưởng, vận động cũng là một khó khăn không nhỏ đối với người đứng đầu", ông Phạm Đức Thiện, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Quốc Tuấn, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miên chia sẻ.

Không những thế, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Giàng Phùng Ngọc Tân: Ở nhiều vùng quê vẫn tồn tại những mối quan hệ dòng tộc, họ hàng nên nhiều khi xử lý những mâu thuẫn, phát sinh trong đời sống hàng ngày cũng là khó khăn cho đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn.

Dân bầu, Đảng cử

Từ thực tiễn triển khai mô hình này trên địa bàn tỉnh Hải Dương bước đầu cho thấy nhất thể hóa tạo được sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương, chỉ đạo từ chi bộ, tới việc thực hiện, nắm rõ tư tưởng, tình hình của nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, không phải mất nhiều cuộc họp từ xin chủ trương đến triển khai, thực hiện...

Mô hình này cũng phát huy cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở thôn, khu dân cư. Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, khu dân cư sẽ sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao, góp phần gắn kết giữa Đảng với nhân dân, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Để có được đội ngũ cán bộ “2 trong 1” này, theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương, bên cạnh việc có năng lực, uy tín trong Đảng, quan trọng nhất là phải có tiếng nói, được nhân dân trong thôn, khu dân cư tin tưởng, lựa chọn làm người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Đình Xiển, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: Thực tế việc nhất thể hóa ở Hải Dương thực hiện theo quy trình đó là giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu chức danh Trưởng thôn, khu dân cư. Sau đó cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong trong chi bộ theo phương châm “Dân bầu, Đảng cử”. Các bước giới thiệu nhân sự đều được thực hiện công khai, minh bạch, thông qua Ban công tác mặt trận để lấy ý kiến trong nhân dân và đảng viên. Ngoài việc, cấp ủy giới thiệu, lựa chọn thì đảng viên, nhân dân đều có quyền giới thiệu người mình tín nhiệm. Cấp ủy cũng chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giám sát quy trình bầu cử Trưởng thôn, khu dân cư theo đúng luật và đảm bảo công bằng, minh bạch.

Bí thư Huyện ủy Thanh Miện Trần Văn Quân cho biết, để làm tốt công tác bầu cử, lựa chọn những người có uy tín, Thanh Miện đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của nhân dân, từ đó có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan về cán bộ. Mọi ý kiến nhận xét, đánh giá của mỗi người dân đều được ghi nhận, tiếp thu để thực hiện các quy trình bầu cử một cách khách quan nhất. Việc bầu cử này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng cơ sở. Khi tiến hành bầu cử và nhất thể hóa Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, khu dân cư, huyện Thanh Miện cũng đã chủ động mở các tập huấn, từ đó các đồng chí kiêm nhiệm có thể nhanh chóng nắm bắt công việc và có thể bắt tay ngay vào nhiệm vụ sau khi được nhân dân và cấp ủy tín nhiệm bầu.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương để có đội ngũ cán bộ có thể đảm nhiệm tốt công việc, bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tỉnh cũng chỉ đạo cấp ủy các cấp chủ động tìm hiểu kết nạp những quần chúng có năng lực, uy tín trong dân và có khả năng làm trưởng thôn để tiến hành nhất thể hóa. Đồng thời chủ động rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ hiện đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự. Trong đó có những tiêu chuẩn cụ thể là người đảm nhận vị trí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn phải có phẩm chất, năng lực toàn diện, vừa có khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, là người có thể triển khai thực hiện đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, để việc nhất thể hóa đúng theo kế hoạch và hiệu quả, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương thường xuyên kiểm tra đôn đốc cấp ủy các cấp; tổ chức giao ban công tác tổ chức với các địa phương. Đồng thời yêu cầu các địa phương cụ thể việc nhất thể hóa bằng văn bản, đăng ký lộ trình thực hiện và đưa vào công tác đánh giá thi đua hàng năm với các tiêu chí cụ thể. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng tổ chức tuyên truyền cho cán bộ cấp huyện và cơ sở về việc nhất thể hóa; hướng dẫn tổ chức bầu trưởng thôn gắn liền với đại hội chi bộ; đưa ra khung để lựa chọn các bộ có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất năng lực và chuyên môn cũng như uy tín trong dân…

Những kết quả bước đầu việc nhất thể hóa là minh chứng cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Hải Dương; sự đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh với mục tiêu xây dựng bộ máy cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Điều này cũng khẳng định nỗ lực của tỉnh Hải Dương trong việc nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Bài và ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/bi-thu-chi-bo-dong-thoi-la-truong-thon-bai-2-xay-dung-bo-may-co-so-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-20181115233727821.htm