Bị tàn phá nghiêm trọng, ngành giáo dục Hà Tĩnh chật vật sau bão

Sau bão số 10, ước tính toàn tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại trên 6.000 tỉ đồng. Ngành giáo dục tỉnh này đối mặt với hàng loạt khó khăn vì cơ sở vật chất bị bão tàn phá nghiêm trọng.

Theo báo cáo, tỉnh Hà Tĩnh, trong bão không có người bị chết, chỉ có 1 người bị thương. Sau bão, quá trình khắc phục hậu quả có 2 người bị chết và 80 người bị thương nhẹ. Về tài sản, ước tính tổng thiệt hại trên 6.000 tỉ đồng, tính riêng ngành giáo dục có 231 điểm trường với 831 phòng học bị ảnh hưởng.

Đến ngày 19/9, sau những nỗ lực khắc phụ hậu quả của bão, đã có 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và 250 trường học mầm non dạy học bình thường; chỉ còn 29 trường mầm non chưa mở cửa trở lại. Dự kiến đến ngày 22/9, bảo đảm 100% học sinh trở lại học bình thường.

Đến ngày 19/9, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã bắt đầu dạy học bình thường.

Thầy Đinh Sĩ Quân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh, trầm ngâm: “Siêu bão qua đi, nhà trường, cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh còn đó trăm ngàn nỗi lo”.

“Chỉ riêng huyện Kỳ Anh, tính sơ qua, thiệt hại gần 30 tỷ đồng. Bây giờ không biết lấy nguồn ở đâu để có thể khắc phục cơ sở vật chất trường học như trước bão. Dựa vào phụ huynh ư? Hầu hết gia đình phụ huynh học sinh đều bị thiệt hại trong bão. Giờ chỉ còn trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ nhà nước và các nhà hảo tâm” - thầy Đinh Sĩ Quân e ngại.

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hữu Sum - Trưởng phòng GD&ĐT Thị xã Kỳ Anh, một số trường mầm non chưa mở cửa trở lại vì liên quan đến tổ chức bán trú, phải mất thời gian chuẩn bị vài ngày nữa mới ổn định được. “Mừng là sau bão, thầy cô và học sinh đã trở về trường tiếp tục học, nhưng những thiệt hại thì phải có thời gian mới bù đắp được. Nhìn khuôn mặt mệt mỏi của học sinh sau bão, bên cạnh nhiều việc phải lo, chúng tôi cũng phải hết sức chú ý đến vấn đề sức khỏe của học sinh”.

Cô Nguyễn Thanh Mai - Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Tân - đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới trăn trở nhiều nỗi lo: "Năm dãy nhà cao tầng 28 phòng, 2 nhà xe, 1 nhà truyền thống và dãy nhà hiệu bộ đều bị tốc ngói hoàn toàn. Hàng chục cây xà cừ cổ thụ hơn 40 năm tuổi đổ ngổn ngang, phải mất bao nhiêu năm nữa sân trường mới có bóng mát cho các em?".

Trước mắt, lực lượng Công an huyện Kỳ Anh, Công an tỉnh Hà Tĩnh, thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã giúp nhà trường lợp lại ngói, nhưng hai ngày nay nắng còn học được, mưa xuống lại lo ngay ngáy, lớp dột thì học sinh khó lòng ngồi học được.  Còn những nhà lợp mái tôn, hiện chưa có điều kiện để lợp lại, ước tính chi phí cũng đến 1,5 tỷ đồng, nhà trường chưa biết trông chờ vào đâu. Tính đến ngày 19/9, 500 học sinh đã đến trường, buổi sáng học bình thường, nhưng ngày mai, nếu trời mưa thì chắc nhiều lớp lại phải nghỉ học”.

Trường THCS Kỳ Tân xác xơ sau bão.

Ở trường THCS Kỳ Hà (Thị xã Kỳ Anh), nơi siêu bão làm đổ toàn bộ cây cối, cổng trường, ngoài việc dạy học, các thầy cô giáo ở đây cò phải lo an toàn vật chất và an toàn thân thể cho học trò.

Ở khối các trường mầm non, toàn thể cán bộ, giáo viên đều có nỗi lo về nước sạch; an toàn vệ sinh thực phẩm; lo sau bão, trời nắng nóng, hơi đất bốc lên làm trẻ em đến trường dễ bị cảm.

Cô Trần Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường mầm non Kỳ Xuân bày tỏ: “Chúng em lo nhất là tổ chức sinh hoạt bán trú cho các con. Sau bão, lo ăn ở bán trú vất vả vô cùng. Nhưng vất vả mấy chúng em vẫn chịu được, chỉ mong có thể đảm bảo vấn đề nước sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm cho các con!”.

Trương Hoa - Văn Vỵ - Đặng Sơn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bi-tan-pha-nghiem-trong-nganh-giao-duc-ha-tinh-chat-vat-sau-bao-post237412.info