Bị tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm, hàng loạt cửa hàng Seven.AM đóng cửa để 'bảo trì'

Sau nghi án cắt nhãn mác Trung Quốc và bị thu giữ hơn 9.000 sản phẩm do không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, hàng loạt cửa hàng của hệ thống Seven.AM đã tạm thời đóng cửa.

Sau khi dính nghi án nhập nhèm vềnguồn gốc xuất xứ, cắt mác, thay mới bằng tên thương hiệu... theo ghi nhận, đến sáng ngày 12/11, hàng loạt cửa hàng thời trang Seven.AM ở Hà Nội đã đóng cửa, nhân viên nghỉ bán hàng.

Tại trụ sở chính của Seven.AM trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) chỉ còn bảo vệ túc trực. Ngoài cửa treo biển thông báo "Tạm dừng hoạt động để bảo trì".

Cửa hàng Seven.AM trên phố Tôn Đức Thắng đóng cửa, dán thông báo ngừng hoạt động để bảo trì. Ảnh: VTC News

Cửa hàng Seven.AM trên phố Tôn Đức Thắng đóng cửa, dán thông báo ngừng hoạt động để bảo trì. Ảnh: VTC News

Theo ghi nhận của VTC News, các cửa hàng trên phố Trần Phú (Hà Đông), Thái Hà (Đống Đa)... cũng đóng cửa. Nhân viên chăm sóc khách hàng của tổng đài nhãn hàng này cho biết, toàn bộ hệ thống cửa hàng ngưng hoạt động để bảo trì và hẹn 2-3 ngày sau quay lại.

Ông Đặng Quốc Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu Seven.AM) cho biết trên VTC News: "Sau khi làm việc với cơ quan chức năng ngày hôm qua 11/11, hiện tại hệ thống Seven.AM tạm đóng cửa, khi nào có thông tin chính thức sẽ thông báo sau".

Cửa hàng Seven.AM tại 135 Trần Phú (Hà Đông) cũng đóng cửa.Ảnh: VTC News

Vào sáng ngày 11/11, đội Quản lý thị trường số 14 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra 5 cửa hàng của hệ thống Seven.AM tại các phố Tôn Đức Thắng, Kim Đồng, Trần Phú, Thái Hà, Nguyễn Văn Cừ và lập biên bản tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm của thương hiệu này do chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Theo nguồn tin trên TTXVN, tổng số hàng hóa bị thu giữ tại 5 địa điểm kinh doanh của thương hiệu thời trang SEVEN.am là 9.035 sản phẩm gồm: 5.445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.

Đội Quản lý thị trường số 14 kiểm tra các cửa hàng Seven.AM

Trước đó, ngày 4/11, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên và phát hiện, công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn IFU và một số ít nhãn NEM trên các sản phẩm quần áo.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn Nem, 6 bao túi xách và 04 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Trước vụ việc này, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, cổ đông lớn nhất của Seven.AM với 60% cổ phần chi phối, đã thừa nhận với báo chí doanh nghiệp có nhập hàng Trung Quốc và hàng nhập đều có hóa đơn.

"Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.AM. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc", ông Hải Anh cho hay.

Minh Tuệ (tổng hợp)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/bi-tam-giu-hon-9000-san-pham-hang-loat-cua-hang-sevenam-dong-cua-de-bao-tri-92297.html