Bị sỏi thận tuyệt đối không ăn thực phẩm này

Khi bị sỏi thận bạn cần tránh ăn những thực phẩm dưới đây nếu không bệnh sẽ nặng hơn.

Sỏi thận là sự lắng đọng và kết tinh những chất cặn rắn hình thành trong thận. Quá trình hình thành sỏi thường không có triệu chứng rõ ràng nên nhiều người không biết mình mắc bệnh.

Triệu chứng và biến chứng của bệnh sỏi thận

Thường xuyên đau vùng thắt lưng có thể bạn đã bị sỏi thận.

Thường xuyên đau vùng thắt lưng có thể bạn đã bị sỏi thận.

Tiến trình tạo sỏi thận có thể diễn ra một cách âm thầm và chỉ thể hiện khi đã có sỏi hoặc có bùn sỏi trong thận. Khi có tác động mạnh từ bên ngoài (đi xe vào đường gồ ghề, nhiều ổ gà,…) hay vận động mạnh (chạy, nhảy, cử động mạnh, mang vác nặng…) hoặc do sự thay đổi tư thế sẽ xuất hiện các cơn đau âm ỉ và liên tục ở vùng thắt lưng, có thể đi kèm với rối loạn tiểu tiện, khó chịu, đầy bụng, trướng hơi, buồn nôn và nôn.

Đau bụng thường đau dữ dội (nên còn gọi là cơn đau quặn thận), đau ở vùng thắt lưng nhất là ở phía thận có sỏi, nếu sỏi cả hai bên thận thì đau toàn bộ vùng thắt lưng, đau lan cả ra vùng hông, lưng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp do sỏi nằm ở vị trí bể thận thì thường bị đau âm ỉ kéo dài.

Một số trường hợp đau thắt lưng từng cơn. Đầu tiên đau ở hai hố thắt lưng, rồi lan xuống bụng dưới và vùng đùi.

Bên cạnh các triệu chứng gây đau như ở trên, một số bệnh nhân sỏi thận có thể đi tiểu ra máu. Đái máu chính là biến chứng thường gặp của sỏi thận do di chuyển, cọ sát của sỏi trong thận.

Khi sỏi xuống đến phần dưới của đường tiểu (bàng quang và niệu quản) người bệnh thường hay buồn đi tiểu nhiều lần và triệu chứng thường gặp là đái buốt, đái dắt, đái són và đau thắt lưng. Nếu có kèm theo nhiễm khuẩn đường tiết niệu (thận, bàng quang hoặc niệu quản) sẽ xuất hiện đái đục (nước tiểu có mủ) và có thể đái ra sỏi (thường là bùn sỏi).

Biến chứng của sỏi thận thường gặp nhất là sự cản trở đường tiểu làm ứ đọng nước tiểu gây tổn thương thận nghiệm trọng, suy thận, đặc biệt khi đường tiểu bị nhiễm khuẩn. Cần lưu ý, khi người bệnh bị sốt cao và rét run kèm theo các triệu chứng đau thắt lưng, đái buốt, đái mủ, đái rắt là dấu hiệu của viêm thận – bể thận cấp do biến chứng của bệnh sỏi thận.

Suy thận là căn bệnh rất nguy hiểm, ảnh hưởng xấu tới nhiều chức năng của cơ thể, gây ra tăng huyết áp, suy tim hoặc nhồi máu cơ tim làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Thực phẩm không nên ăn khi bị sỏi thận

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt cho biết chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị sỏi thận. Những người bị sỏi thận đã chữa khỏi cũng cần tránh ăn uống những thực phẩm sau:

Bị sỏi thận bạn nên ăn thịt một cách có giới hạn.

Thực phẩm nhiều protein (chất đạm). Bác sĩ Brian thuộc Đại học New York, Mỹ, tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu đã đúc kết rằng thói quen ăn nhiều protein và bệnh sỏi thận có mối liên hệ mật thiết với nhau. Protein làm gia tăng lượng axit, canxi và photpho trong nước tiểu, vốn là các yếu tố hình thành sỏi thận. Do vậy bác sĩ khuyên mỗi người không nên ăn quá 200 g thịt, cá mỗi ngày.

Không uống các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng kèm với thuốc trị sỏi thận nếu chưa có ý kiến bác sĩ.

Hạn chế ăn muối. Lượng muối tiêu thụ trong ngày không quá 3 g. Khi ăn các loại đồ hộp, snack, dưa muối, kim chi, phomat... nên xem kỹ chỉ số lượng muối trên vỏ hộp, tránh dùng loại nhiều muối.

Giảm ăn đường, mỡ.

Hạn chế dùng nước ngọt, nước giải khát có ga, cà phê, trà đậm đặc, bia, rượu...

Để phòng ngừa sỏi thận, bác sĩ khuyên mọi người nên uống đủ nước mỗi ngày. Người bị sỏi thận nên uống nhiều nước để đảm bảo lượng nước tiểu hơn 2,5 lít mỗi ngày, nước tiểu trong là được.

Theo Hải Đường/Tiêu dùng

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/bi-soi-than-tuyet-doi-khong-an-thuc-pham-nay/20210120022658860